CỤ BÀ 81 TUỔI ĐẠP XE ĐẠP ĐI HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI

Tác phẩm tham gia cuộc thi “Cây cao – Bóng cả”

Sống ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, thay vì ở nhà với con, cháu, bà Nguyễn Kim Huê (81 tuổi, ngụ ấp Long Khánh A, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) lại rất nhiệt tình, có trách nhiệm với công tác xã hội. Nhiều người ở tỉnh Đồng Tháp quá quen với hình ảnh cụ bà thường xuyên đội chiếc nón lá, mặc áo bà ba, đạp chiếc xe đạp cũ kĩ đến từng ngõ, gõ từng nhà để làm công tác hòa giải, tuyên truyền, vận động bà con tham gia các hoạt động chính trị, xã hội ở địa phương.

Vốn là giáo viên dạy cấp tiểu học từ trước năm 1975, do tiền lương quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống gia đình nên bà xin nghỉ việc để chuyển sang nghề buôn bán, cải thiện kinh tế gia đình. Trong quá trình mưu sinh, bà tích cực tham gia các hoạt động xã hội và được chính quyền địa phương tín nhiệm giao làm Chi hội trưởng Hội phụ nữ ấp Long Khánh để bám sát cơ sở tổ chức nhiều hoạt động xã hội.

Công tác hòa giải như công việc “làm dâu trăm họ”, làm không khéo còn bị bà con xóm giềng nói này, nói nọ hoặc ghét nhau. Tuy nhiên, bà luôn thể hiện bản lĩnh của một người cao tuổi có uy tín cao, nên “bào chữa” thành hàng trăm vụ việc từ đơn giản đến phức tạp. “Khó khăn trong công tác hòa giải ở lĩnh vực đất đai do phải đo đạc, xác định vị trí ranh đất, các vụ chơi hụi, cho mượn tiền không có giấy tờ chứng minh, đặc biệt, các vụ hôn nhân gia đình giải quyết nhiều nhất, bởi ở địa bàn nông thôn do điều kiện kinh tế khó khăn, người đàn ông suốt ngày say xỉn, cờ bạc là những nguyên nhân làm cho hạnh phúc tan vỡ”, bà Huê chia sẻ.

Mặc dù tuổi đã cao nhưng bà nhớ rất rõ từng vụ việc hòa giải thành diễn ra hơn chục năm về trước. Có những vụ việc trở thành kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời làm “luật sư” của bà. Bà kể, 10 năm trước, có trường hợp hộ gia đình Nguyễn Văn Tám và Đoàn Thị Triều còn trẻ, mới sinh con được 3 tháng tuổi. Người đàn ông muốn ly dị vợ để đến với người phụ nữ mới. Qua tiếp cận vụ việc, tiếp xúc từng người, dựa vào kỹ năng hòa giải, bà đã hàn gắn lại tình cảm gia đình. “Đến nay, đã qua 10 năm, hai người đó ở lại với nhau rất hạnh phúc, họ đi làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi khi, có dịp về quê đều ghé thăm bà tỏ ra vui mừng. Họ cảm ơn bà vì đã hàn gắn được hạnh phúc gia đình”, bà Huê nhớ lại.

Mỗi vụ hòa giải thành, bà nhận được niềm vui vì tình làng nghĩa xóm được gắn kết lại với nhau. Trước đây, vụ tranh chấp lối đi của 10 hộ dân do chủ đất có nhà ở vị trí mặt tiền rào lại lối đi chung của các hộ có nhà ở phía sau. Xác định được nguồn gốc đất, bà cất công lên tận thành phố Hồ Chí Minh để tìm lại chủ đất cũ. “Chỉ có gặp được chủ đất cũ mới nắm được nguồn gốc đất, để xem vụ việc thỏa thuận mua bán đất giữa chủ đất mới với chủ đất cũ có thống nhất chừa lối đi cho 10 hộ dân có nhà ở phía sau. Từ đó, tôi mới có hướng giải quyết, thuyết phục chủ đất mới mở lại lối đi cho các hộ dân”, bà Huê giải thích.

UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội tổng kết 5 năm thi hành Luật hòa giải ở cơ sở, bà vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp về thành tích có nhiều đóng góp cho công tác hòa giải ở cơ sở và được mời lên sân khấu tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm làm công tác hòa giải. Bà rưng rưng dòng nước mắt khi kể lại câu chuyện vào năm 33 tuổi, người chồng chia tay bà để đến với người phụ nữ khác, khi 3 người con còn rất nhỏ. Xuất phát từ hoàn cảnh gia đình nên bà cố gắng làm tốt công tác hòa giải để hàn gắn lại những cặp vợ chồng đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ hạnh phúc gia đình.

Năm nay, đã 81 tuổi nhưng đôi mắt của bà còn đọc được chữ, viết chữ rất tốt, đặc biệt là nhớ rất lâu. Hôm trước, khi tôi có dịp ghé thăm cũng là lúc bà đang cặm cụi đọc từng lá đơn yêu cầu hòa giải, ngồi ghi chép tỉ mỉ từng chi tiết vụ việc để chuẩn bị cho cuộc hòa giải sắp diễn ra. Bà rót ly trà mời tôi uống, sau đó chia sẻ: “Để giải quyết các vụ việc thành công, tôi phải dự nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ, đọc sách luật, xem báo, đài và cộng với kinh nghiệm khéo nói chuyện. Người làm công tác hòa giải phải bền trí, nhẫn nại đi thuyết phục nhiều lần, giao tiếp thường xuyên với các bên. Lợi thế của tôi là lớn tuổi, có uy tín ở địa phương nên dễ thuyết phục người dân”.

Từ năm 2002 đến nay, bà Huê đứng ra nhận nhiệm vụ làm Tổ trưởng tổ xóa đói giảm nghèo ấp Long Khánh A, nhận ủy thác từ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, bà trực tiếp đạp chiếc xe đạp cũ kĩ đi khảo sát từng hộ gia đình để làm hồ sơ xét cho 60 hộ vay vốn với mục đích xây nhà vệ sinh, chăn nuôi, mua bán, cho sinh viên học tập, làm chi phí đi lao động ở nước ngoài. Hằng tháng, bà đi đến từng nhà thu lãi, tiền gốc và gửi vào quỹ tiết kiệm cho các hộ vay vốn. Mặc dù lớn tuổi nhưng bà nhớ rõ danh sách của từng người vay tiền và lưu số điện thoại liên lạc. Tôi hỏi về một trường hợp được xét cho vay vốn ngẫu nhiên, bà liền nêu đầy đủ họ tên, năm sinh, và lấy điện thoại gọi nhắc nhở người vay gần tới tháng đóng lãi để chuẩn bị tiền sẵn.

Bà Huê trở thành tuyên tuyền viên cốt cán về công tác bảo vệ môi trường, vận động hộ gia đình tham gia mua bảo hiểm y tế, phòng chống bạo lực gia đình, vận động bà con tham gia thực hiện theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Để chứng minh cho việc làm của mình, bà lấy trong tủ rất nhiều thành tích đưa tôi xem, nào là bằng khen thành tích hòa giải cơ sở, thí sinh cao tuổi đoạt giải nhất cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật”, đoạt giải tiếng hát phụ nữ, tuyên truyền viên giỏi… Có lẽ, niềm vui lớn nhất trong cuộc đời làm công tác xã hội của bà là những tấm giấy khen, bằng khen, giúp động viên tinh thần để tiếp tục gắn bó với công việc cho đến nay.

Hôm trước, tôi đến nhà tìm bà Huê cũng là lúc bà vừa đi chợ mua thuốc về uống. Bà dắt chiếc xe đạp cũ kĩ vào nhà, ngồi trên ghế thở hổn hển và than vãn với tôi: “Bữa nay, tôi thấy sức khỏe không tốt, nên đạp chiếc xe đạp đi mua mấy liều thuốc về uống”. Tôi hỏi: “Tại sao lớn tuổi mà bà không ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe?”, bà Tám trả lời gọn ghẽ: “Tôi vừa đi hoạt động công tác xã hội để vừa rèn luyện sức khỏe”. Bà còn quả quyết rằng: “Học tập và làm theo gương Bác Hồ ở tinh thần vì dân phục vụ, nên ngày nào còn sức khỏe thì giúp gì được cho xã hội là cứ giúp. Mỗi việc làm được cho bà con, tôi cảm thấy tinh thần vui vẻ, sống thoải mái hơn. Đến khi nào sức khỏe của tôi “quá đát” thì khi ấy mới ở nhà với con, cháu”.

Ở tuổi “xế chiều” nhưng bà Huê vẫn đi “lo chuyện bao đồng”, trở thành tấm gương “cây cao bóng cả” để nhiều người noi theo. Hằng ngày, chiếc xe đạp cũ kĩ làm “đôi chân” đã giúp bà di chuyển khắp các cung đường để làm công tác xã hội. Nghĩa cử cao đẹp của cụ bà 81 tuổi được nhiều người trong xã hội thán phục, quý trọng./.

Dương Út