Chính sách hiệu lực từ tháng 11: Ép uống rượu bị phạt đến 3 triệu

Ép người khác uống rượu bia bị phạt tiền, giáo viên cấp 2, cấp 3 không được phê bình học sinh trước lớp, trước trường… là những chính sách có hiệu lực từ tháng 11.

Từ tháng 11, hàng loạt chính sách mới chính thức có hiệu lực. Trong đó, rất nhiều chính sách liên quan đến giáo dục.

Một số chính sách khác liên quan đến cán bộ công chức, quy định xử phạt hành chính, quản lý thị trường…

Ép người khác uống rượu, bia bị phạt đến 3 triệu

Từ ngày 15/11, các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế sẽ được áp dụng theo Nghị định 117 của Chính phủ. Đây là Nghị định thay thế Nghị định 176 năm 2013, với điểm mới là bổ sung hình phạt với hành vi “Ép người khác uống rượu bia”.

Nghị định 117 quy quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến một triệu đồng đối với một trong các hành vi: xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu, bia hoặc uống rượu, bia tại địa điểm cấm uống rượu, bia.

Từ 15/11, ép rượu người khác sẽ bị phạt tối đa 3 triệu đồng. Ảnh minh họa: Thinkstock.

Mức phạt tiền 1-3 triệu đồng sẽ áp dụng cho các hành vi:

– Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập;

– Ép buộc người khác uống rượu bia.

– Bán, cung cấp rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi,

Ngoài ra, Nghị định quy định mức cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.

Cấm cán bộ quản lý thị trường “gợi ý” vật chất người đang bị thanh tra

Thông tư 18/2019 của Bộ Công Thương quy định về hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường có hiệu lực từ ngày 15/11 đã bổ sung 25 hành vi cấm với cán bộ, công chức quản lý thị trường thay vì 15 hành vi như hiện hành.

Cụ thể, Thông tư bổ sung hành vi: Gợi ý, đòi hỏi phải thỏa mãn các lợi ích vật chất, phi vật chất hoặc cố ý vay mượn tiền bạc, mua hàng của tổ chức, cá nhân đang trong quá trình thanh tra chuyên ngành, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính; hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.

Các hành vi bị cấm khác gồm: Tiết lộ trái phép thông tin liên quan đến bí mật nhà nước; sử dụng thông tin, tài liệu có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác để cung cấp, tư vấn trái phép cho tổ chức, cá nhân khác hoặc để khiếu nại, tố cáo trái pháp luật gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan chức năng…

Giáo viên không được so sánh học sinh với nhau

Cũng theo Thông tư 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông, việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh có nhiều điểm mới.

Theo đó, việc đánh giá học sinh bảo đảm tính toàn diện, công bằng, trung thực, khách quan, vì sự tiến bộ của học sinh, coi trọng việc động viên khuyến khích học sinh tiến bộ.

Thông tư nêu rõ việc chú trọng đánh giá quá trình học tập của học sinh bằng nhiều phương pháp, hình thức, kỹ thuật và công cụ khác nhau, không so sánh học sinh này với học sinh khác và không gây áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh.

Trẻ mầm non thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ ăn trưa

Quy định này được đề cập trong Nghị định 105 của Chính phủ về chính sách phát triển giáo dục mầm non, có hiệu lực từ 1/11.

Theo đó, trẻ em độ tuổi mẫu giáo đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non sẽ được hỗ trợ tiền ăn trưa với mức 160.000 đồng/trẻ/tháng, nhưng không quá 9 tháng/năm học.

Đối tượng trẻ mầm non được hỗ trợ phải bảo đảm một trong những điều kiện sau:

– Có cha/mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em hoặc trẻ em thường trú ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo.

– Không có nguồn nuôi dưỡng.

– Là nhân khẩu trong gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.

– Trẻ em là con của thương binh, liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân – Trẻ em khuyết tật học hòa nhập.

Cũng trong quy định này, giáo viên mầm non tại các trường dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp sẽ được hỗ trợ tối thiểu 800.000 đồng/tháng.

Học sinh cấp 2, cấp 3 được dùng điện thoại trong giờ học

Quy định này chính thức được áp dụng từ ngày 1/11, theo Điều lệ trường THCS, THPT ban hành kèm theo Thông tư 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Học sinh trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) sử dụng điện thoại phục vụ học tập. Ảnh: Trường THPT Nguyễn Du.

Thay vì cấm tuyệt đối như trước đây, quy định tại các văn bản này cho phép học sinh cấp 2, cấp 3 được sử dụng điện thoại trong giờ học để phục vụ cho việc học tập và phải được giáo viên cho phép. Học sinh bị nghiêm cấm sử dụng điện thoại di động nếu không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.

Ngoài ra, giáo viên cũng không còn cấm bị sử dụng điện thoại khi đang giảng dạy trên lớp.

Cũng theo Điều lệ mới, giáo viên cấp 2, cấp 3 không được phê bình học sinh trước lớp, trước trường khi học sinh vi phạm khuyết điểm.

Tăng cao mức thưởng học sinh, sinh viên đạt giải trong kỳ thi quốc tế

Nghị định 110 của Chính phủ quy định chế độ khen thưởng đối với học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, có hiệu lực từ ngày 1/11.

Lần này, nghị định quy định tăng cao các mức thưởng cho học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong kỳ thi Olympic quốc tế các môn học, thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật quốc tế, thi kỹ năng nghề thế giới.

Cụ thể, người giành huy chương vàng hoặc đoạt giải nhất sẽ được thưởng 55 triệu đồng, trong khi mức thưởng hiện hành chỉ có 15 triệu. Trường hợp giành huy chương bạc hoặc giải nhì được thưởng 35 triệu đồng (hiện là 10 triệu); huy chương đồng hoặc giải ba được thưởng 25 triệu đồng (hiện là 7 triệu); giải khuyến khích được thưởng 10 triệu đồng (hiện là 3 triệu).

Ngoài ra, học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải còn được tặng thêm Huân chương lao động hoặc Bằng khen tùy theo thành tích đạt được.

Giảm số lượng phó phòng, tăng phó giám đốc sở

Nghị định 108 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp huyện và Nghị định 107 của Chính phủ về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh sẽ đồng thời có hiệu lực từ 25/11.

Nghị định 108 quy định tại các cơ quan chuyên môn cấp huyện, bình quân mỗi phòng sẽ có 2 phó trưởng phòng. Trong khi trước đây quy định được tối đa 3 phó trưởng phòng.

Theo Nghị định 107, bình quân mỗi sở có 3 phó giám đốc, (trước đây số lượng phó giám đốc sở không quá 3 người).

Riêng Hà Nội và TP.HCM, ngoài tổng số lượng phó giám đốc sở theo quy định tính bình quân chung, mỗi thành phố được tăng thêm với số lượng không quá 10 phó giám đốc. Trước đây, số lượng phó giám đốc các sở của Hà Nội và TP.HCM không quá 4 người.

2 căn cứ xác định vị trí việc làm của viên chức

Nghị định 106 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập sẽ có hiệu lực từ 15/11. Đây là nghị định thay thế Nghị định 41 năm 2012.

Nghị định 106 quy định 2 căn cứ xác định vị trí việc của viên chức, gồm:

– Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập.

– Mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Đồng thời, bổ sung tiêu chí phân loại vị trí việc làm của viên chức theo khối lượng công việc, theo tính chất, nội dung công việc. Trong khi quy định hiện hành chỉ phân theo khối lượng công việc.

Hoài Thu/ Nguồn: https://baomoi.com/giao-duc.epi