Vừa rồi, tỉnh mình tổ chức họp mặt kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam. Không được tham dự trực tiếp nhưng cũng cảm nhận được niềm vui của tất cả mọi người.
Không vui sao được, xứ mình trước đây đâu có biết làm du lịch là gì đâu, mà có biết cũng không đủ tự tin khi so sánh với nhiều địa phương khác. Vậy mà, giờ đây ít nhiều cũng có sự thay đổi rồi…
Du lịch tỉnh mình thực sự khởi động từ khi một nhóm bạn trẻ đem hết tâm huyết để tư vấn cho Tỉnh ý tưởng phát triển du lịch. Từ đó, Đề án với phương châm “Phát triển du lịch không chỉ vì lợi ích kinh tế, mà còn vì trách nhiệm và lòng tự hào về quê hương, xứ sở” được phê duyệt và triển khai. Như vậy, phương châm đó bao hàm 3 yêu tố “kinh tế”, “trách nhiệm” và “lòng tự hào”. Trong 3 yếu tố đó, “kinh tế” thì dễ hiểu rồi. Du lịch là ngành kinh doanh dịch vụ, mà kinh doanh nói gì thì nói cũng phải hướng tới lợi nhuận. Nhưng khái niệm “trách nhiệm” và “lòng tự hào” thì khó “đo, đếm” được. Vì nó vô hình nên không ít người còn sao nhãng, mơ hồ.
Nhớ lại, nhóm tư vấn đã dày công phân tích, so sánh tài nguyên du lịch tỉnh mình với các địa phương để tìm ra điểm tương đồng, so sánh điểm khác biệt, từ đó, xác định điểm mạnh và điểm yếu, thuận lợi và khó khăn. Và cũng từ đây, Tỉnh định vị phát triển du lịch là một trong những quyết sách lớn cho sự phát triển. Cũng từ ý tưởng của Đề án, những câu slogan “Đồng Tháp – Thuần khiết như hồn sen”, hình ảnh Bé sen ngộ nghĩnh, năng động, cái tên “Đất Sen hồng” ra đời và dần lan toả gần xa. Nhiều mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp được khai mở đón khách. “Hội quán cùng nhau làm du lịch” cho thấy những người làm du lịch biết liên kết với nhau để tạo thêm nguồn lực, chia cho nhau kiến thức, kỹ năng, trao cho nhau nguồn năng lượng.
Ngành Du lịch thế giới này đã tồn tại hàng trăm năm nay rồi, trong khi đó, Đồng Tháp mình mới “dò dẫm” có mấy năm nay thôi! Du lịch là một loại hình dịch vụ mang tính đa ngành, vừa có yếu tố kinh tế, vừa có yếu tố văn hoá, xã hội. Làm du lịch cần nhiều kiến thức, kỹ năng, phải được đào tạo chuyên nghiệp, phải mất nhiều năm mới được trao bằng cấp, chứng nhận và hành nghề. Người ta phải đi nhiều nơi để so sánh, phân tích, học hỏi, cập nhật cái mới, cái hay. Nghĩ lại ở mình thì người quản lý, anh em trong các cơ quan tham mưu về du lịch, những người trực tiếp kinh doanh du lịch có bao nhiêu người được đào tạo căn cơ? Xem đi xem lại, đa phần chỉ qua vài lớp ngắn hạn năng cao nhận thức, rồi quản lý ngành chuyên môn với nào là Nghị định, Thông tư, nào là quy định hướng dẫn nghiệp vụ. Mà thật ra, kiến thức nếu có học được cũng chỉ là lý thuyết chung, mỗi người cần làm sao chuyển hoá thành cái riêng của mình. Vấn đề là biết mình còn nhiều điều chưa biết để cố gắng học, học mọi lúc mọi nơi, học ở bất kỳ ai giỏi hơn mình. Học để làm sao mỗi ngày làm mỗi tốt hơn chứ không phải làm cho xong, làm cho rồi.
Nói vậy, để thấy hành trình biến du lịch trở thành “con gà đẻ trứng vàng” như cách ẩn dụ của nhiều người còn xa lắm. Nói như vậy, để đừng có “tự bằng lòng” với những kết quả ban đầu được truyền thông khen ngợi. Nói như vậy, để thấy còn quá nhiều việc phải làm, cần làm để không bị nhạt nhoà dần như nơi này nơi nọ. Muốn vậy, phải trả lời được câu hỏi, những người quản lý ngành du lịch, đã thấm đẫm thế nào là làm vì “trách nhiệm”, thế nào là làm vì “lòng tự hào”?
Làm du lịch, dù bất kỳ hình thức nào, đều đòi hỏi cái mới, cái mình có mà người khác không có. Cũng là không gian đó, nhưng không gian tổ chức du lịch phải có “hồn cốt”, phải hoà quyện giữa thiên nhiên và văn hoá của những người làm du lịch. Cũng là món ăn đó, nhưng món ăn phục vụ du lịch phải tạo sự hoà hợp cộng đồng, văn hoá bản địa, kết nối mọi người với nhau. Cũng là mảnh vườn đó, nhưng mảnh vườn làm du lịch phải có ẩn dụ về một câu chuyện triết lý nhân sinh. Cũng là món quà lưu niệm, nhưng món quà du lịch phải làm sao để khách bất ngờ về tài hoa kết tinh trong đó. Mỗi điểm du lịch chuẩn bị mở ra phải cùng nhau trả lời những câu hỏi: Có gì khác biệt? Có gì mới hơn cái đang có? Cái gì tạo ra giá trị cho cộng đồng? Câu chuyện nào mình muốn kể cho du khách?
“Phát triển du lịch không chỉ vì lợi ích kinh tế”, nghĩa là còn những giá trị cao hơn những con số thống kê về lượng khách, đóng góp vào ngân sách địa phương. Giá trị cốt lõi của du lịch là tự hào giới thiệu hình ảnh mảnh đất, con người quê mình. Một vạt Hoàng Đầu Ấn, một dãy Nhĩ Cán Tím, một đoạn đường tím mơ hoa Ô môi… nếu biết chăm chút, quảng bá sẽ không thua kém gì một đầm sen, một cánh rừng tràm, một mảnh vườn say trái, một làng hoa muôn sắc.
Sau đại dịch Covid-19, người ta đang đua nhau có những chương trình kích cầu du lịch, liên kết giữa các địa phương làm du lịch. Nhưng, chỉ khi nào những người quản lý, tổ chức dịch vụ du lịch thấm đẫm hai chữ “trách nhiệm” và “tự hào”, thì ngày ấy, du lịch quê mình sẽ phát triển bền vững. Hai chữ đó bổ sung cho nhau, hoà quyện với nhau trở thành “cái mình có mà người khác không có” là vậy!
Xích Lô/https://www.facebook.com/huunhan.nguyen/