Cách để Thấu hiểu bản thân

Thấu hiểu bản thân là một bước quan trọng của mỗi người trên con đường kiếm tìm hạnh phúc và bình yên. Để tìm hiểu con người thật của mình, bạn cần nhận biết các tính chất khiến bạn trở nên đặc biệt.

Thói quen tĩnh tâm và suy ngẫm hàng ngày có thể giúp bạn dần dần hiểu rõ hơn về bản chất của bản thân. Thời gian trôi qua, và bạn có thể dựa trên những điều bạn đã khám phá để xây dựng mối quan hệ sâu sắc và đầy ý nghĩa với chính mình.

1. Nhận thức về bản thân

Học cách thành thật với chính mình. 

Thấu hiểu bản thân nghĩa là nhận ra các khía cạnh khác nhau về bản chất, bản sắc và cá tính của mình. Mục đích ở đây không phải là tự chỉ trích mà là thừa nhận mọi mặt trong tính cách của bạn. Hãy cởi mở với khả năng khám phá những điều mới mẻ về bản thân mình.

  • Khi đánh giá bản thân, bạn hãy chú ý đến những yếu tố khiến bạn cảm thấy không thoải mái. Những dấu hiệu cảm xúc này cho biết liệu bạn có đang né tránh một vấn đề nào đó không. Có phải bạn cảm thấy bất an về điều đó? Nếu là vậy, bạn có thể làm gì để vượt qua nó?
  • Ví dụ, nếu bạn ghét soi gương, hãy tự hỏi mình vì sao. Có phải bạn thiếu tự tin về ngoại hình của mình? Bạn âu lo về tuổi tác? Bạn có thể tự hỏi liệu mình có vượt qua được nỗi sợ này hay không.

Tự vấn bản thân với những câu hỏi suy ngẫm. 

Điều này sẽ giúp bạn hiểu được những yếu tố nào khiến bạn hạnh phúc hoặc căng thẳng. Bạn có thể dựa vào những thông tin này để cố gắng dành nhiều thời gian hơn cho những hoạt động và những mục tiêu đem lại lợi ích cho mình. Bạn có thể hỏi bản thân những câu sau:

  • Bạn yêu thích làm việc gi?
  • Bạn có những ước mơ gì trong cuộc sống?
  • Di sản mà bạn muốn để lại là gì?
  • Điều lớn nhất mà bạn tự chê trách mình?
  • Những sai lầm mà bạn từng phạm phải?
  • Những người khác cảm nhận về bạn như thế nào? Bạn mong muốn họ nghĩ về bạn như thế nào?
  • Ai là hình mẫu mà bạn ngưỡng mộ?

Lắng nghe tiếng nói nội tâm của bạn. 

Tiếng nói nội tâm biểu hiện những gì bạn cảm thấy và tin tưởng. Nó sẽ phản hồi khi có điều gì đó khiến bạn vui sướng hay thất vọng. Hãy cố gắng hoà nhập với tiếng nói đó. Nó đang bảo bạn điều gì? Nó đang cảm nhận như thế nào về thế giới xung quanh bạn?

  • Hãy nhìn mình trong gương. Bắt đầu mô tả bản thân bằng cách nói lên thành tiếng hoặc nhủ thầm trong đầu. Những điều bạn tả về mình là tích cực hay tiêu cực? Chúng nhắm vào ngoại hình hay hành động của bạn? Bạn đanng nói về thành công hay thất bại của bản thân?
  • Khi những ý nghĩ tiêu cực bắt đầu hiện lên trong đầu, bạn hãy bảo mình ngừng lại và tự hỏi vì sao bạn lại phản ứng như vậy. Tự xỉ và và chỉ trích bản thân có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang phòng thủ trước những suy nghĩ không mong muốn.
  • Những ý nghĩ tích cực và tiêu cực này là những hình ảnh mà bạn nhìn nhận về mình. Nếu hình ảnh đó không khớp với con người mà bạn muốn trở thành, bạn có thể thực hiện các bước để cải thiện bản thân hoặc tìm hiểu những đặc tính mới.

Viết nhật ký mỗi ngày. 

Việc viết nhật ký sẽ giúp bạn nhận ra những động lực, cảm xúc và niềm tin của mình để có thể điều chỉnh và tạo nên những thay đổi sâu sắc trong cuộc sống. Mỗi ngày, bạn hãy dành vài phút ghi lại những việc đã làm, những suy nghĩ và cảm giác mà bạn đã trải qua trong ngày hôm đó. Nếu bạn có các trải nghiệm tiêu cực, hãy viết ra nguyên nhân vì sao nó lại ảnh hưởng đến bạn. Nếu bạn đã phạm sai lầm, hãy xác định những điều mà bạn có thể làm tốt hơn.

  • Tìm quy luật trong những trang nhật ký của bạn. Dần dần, bạn có thể nhận thấy mình lặp đi lặp lại các nhu cầu và mong muốn nào đó của bản thân.
  • Bạn có thể ghi lại bất cứ ý nghĩ nào trong tâm trí. Cách viết tự do sẽ giúp bạn giải phóng các ý nghĩ trong tiềm thức, và nhờ đó bạn có thể xác định điều gì đang khiến bạn bận tâm.
  • Một cách khác, bạn có thể dựa vào các câu gợi ý để viết nhật ký. Chọn những gợi ý yêu cầu bạn mô tả những khía cạnh nào đó về tính cách và thói quen của bạn.

Kết hợp chánh niệm trong cuộc sống hàng ngày.

Chánh niệm là sự chú tâm trải nghiệm khoảnh khắc hiện tại để hiểu những suy nghĩ và hành động của bản thân. Chánh niệm thường gắn liền với việc thực hành thiền hàng ngày, nhưng nó còn bao hàm cả những yếu tố khác nữa. Trên hết, đó là sự tập trung vào bản thân bạn và thế giới bạn đang sống.

  • Hãy dành một vài giây cảm nhận năm giác quan. Bạn đang sờ thấy, nghe thấy, nhìn thấy, nếm thấy và ngửi thấy những gì?
  • Tránh vừa ăn vừa xem tivi. Ngừng mọi việc khác lại và chỉ chú tâm vào bữa ăn. Hãy thưởng thức hương vị, kết cấu, nhiệt độ và cảm nhận từng miếng thức ăn.
  • Dành ra vài phút mỗi ngày chỉ để tạm dừng lại và quan sát vạn vật xung quanh mình. Cố gắng nhận biết sự vật thông qua càng nhiều giác quan càng tốt.
  • Khi bạn có phản ứng cảm xúc nào đó, hãy tự hỏi bản thân mình. Vì sao bạn cảm thấy như vậy? Điều gì đã gây ra cảm xúc đó?

Xác định cảm nhận của bạn về ngoại hình của bản thân. 

Hãy viết ra các tính từ miêu tả vẻ ngoài của bạn. Khi đã liệt kê xong, bạn hãy xem lại những gì đã viết. Những đặc điểm đó tích cực hay tiêu cực? Nếu bạn nhận thấy mình có ý nghĩ tiêu cực về ngoại hình của bản thân, hãy cố gắng tìm cách để yêu quý cơ thể mình. Sự tự tin về vẻ ngoài có thể giúp bạn tự tin hơn trong cả những mặt khác trong cuộc sống.

  • Cố gắng nhìn nhận tích cực thay vì tiêu cực. Ví dụ, nếu bạn luôn bận tâm về một nốt ruồi trên mặt, hãy gọi đó là nốt ruồi duyên. Nhớ rằng nhiều minh tinh màn bạc cũng có nốt ruồi duyên như vậy.
  • Xem xét những thứ mà bạn có thể thay đổi ở mức độ nào đó nếu chúng khiến bạn phiền lòng. Nếu bạn luôn buồn bực vì mụn trứng cá, bạn có thể đến gặp bác sĩ da liễu hoặc học cách dùng mỹ phẩm trang điểm.

2. Khám phá tính cách của bản thân

Xác định các vai trò của bạn. 

Tất cả chúng ta đều đóng nhiều vai trò trong cuộc sống dựa trên các mối quan hệ cá nhân, trách nhiệm với công việc và các tương tác xã hội. Khi đã liệt kê các vai trò của mình, bạn hãy viết ra ý nghĩa của từng vai trò đối với bản thân bạn. Một số ví dụ có thể kể đến là:

  • Cha mẹ
  • Bạn bè
  • Trưởng nhóm
  • Người hỗ trợ tinh thần
  • Cố vấn /người đỡ đầu
  • Bạn tâm giao
  • Người sáng tạo
  • Người giải quyết vấn đề

Viết ra những phương diện quan trọng trong cuộc sống của bạn (VITALS). 

VITALS là những chữ cái viết tắt của các từ trong tiếng Anh; bao gồm Value (giá trị), Interests (mối quan tâm), Temperament (tính cách), Activities (hoạt động); Life goals (mục tiêu trong cuộc sống), và Strengths (Điểm mạnh). Bạn hãy cố gắng xác định từng mục cho bản thân bạn và ghi lại trong sổ tay; hoặc trên máy tính.

  • Giá trị: Điều gì là quan trọng đối với bạn? Những phẩm chất nào ở bạn và người khác mà bạn quý trọng? Điều gì thúc đẩy bạn hoàn thành một việc gì đó?
  • Mối quan tâm: Những chủ đề nào khiến bạn tò mò? Bạn thích làm gì trong thời gian rảnh rỗi? Điều gì có thể mê hoặc bạn?
  • Tính cách: Nghĩ ra 10 từ mô tả các đặc điểm tính cách của bạn.
  • Hoạt động: Một ngày của bạn trôi qua như thế nào? Bạn thích nhất và không thích nhất những khoảng thời gian nào trong ngày? Bạn có nghi thức hàng ngày nào không?
  • Mục tiêu trong cuộc sống: Đâu là những sự kiện trọng đại nhất trong cuộc đời bạn? Tại sao? Bạn hình dung mình đang ở đâu trong năm năm tới? Và mười năm tới nữa?
  • Điểm mạnh: Các khả năng, kỹ năng và tài năng của bạn là gì? Bạn thực sự giỏi về lĩnh vực gì?

Làm bài trắc nghiệm tính cách trực tuyến. 

Mặc dù các bài trắc nghiệm này không mang tính khoa học, nhưng chúng đặt ra cho bạn những câu hỏi buộc bạn phải xem xét các khía cạnh khác nhau trong tính cách của bản thân. Có nhiều bài trắc nghiệm được đánh giá cao mà bạn có thể tìm thấy trên mạng, trong đó bao gồm:

  • Meyers-Brigg Type Indicator (Chỉ số phân loại Myers-Briggs)
  • Minnesota Multiphasic Personality Inventory (MMPI) (Bảng liệt kê nhân cách đa chiều Minnesota)
  • Predictive Index Behavioral Assessment (chỉ số dự đoán đánh giá hành vi)
  • Big 5 Personality Assessment (Bảng đánh giá 5 yếu tố chính của tính cách)

Tìm những lời nhận xét của người khác. 

Mặc dù bạn không nên đánh giá bản thân qua những lời bình luận của người khác, nhưng việc hỏi ý kiến của họ có thể giúp bạn hiểu những đặc điểm của mình mà có thể bạn chưa nhận ra.

  • Bắt đầu bằng việc hỏi những người thân xem họ nhận diện tính cách hoặc cá tính của bạn như thế nào.
  • Nếu bạn thấy thoải mái, hãy hỏi cấp trên, người hướng dẫn của bạn hoặc những người quen biết xem họ nhìn nhận như thế nào về tính cách của bạn.
  • Nếu bạn không đồng ý với nhận xét của ai đó thì cũng không sao! Những lời nhận xét đó không định nghĩa con người bạn, và bạn có thể tìm thêm sự nhìn nhận từ những người khác.

Đánh giá mức độ hài lòng của bạn về những kết quả đạt được. 

Sau khi đánh giá tính cách và cá tính của mình, bạn hãy nhìn lại những gì đã học được xem bạn có hài lòng với bản thân không. Những giá trị và đặc tính đó có phù hợp với con người mà bạn mong muốn trở thành không? Nếu câu trả lời là có, bạn hãy tìm cách mở rộng hoăc phát triển những đặc tính đó. Nếu không, bạn hãy nỗ lực đặt ra các mục tiêu cho riêng mình để hoàn thiện hơn.

  • Tận dụng các điểm mạnh của mình để tìm niềm vui. Ví dụ, nếu thấy mình có óc sáng tạo và hứng thú với những công việc thủ công, bạn có thể học lớp nghệ thuật hay tạo một món đồ thủ công mới.
  • Nếu bạn muốn cải thiện một mặt nào đó, hãy sử dụng những hiểu biết về bản thân để lập ra một kế hoạch cá nhân. Ví dụ, nếu bạn nhận thấy mình là người hướng nội nhưng lại muốn giao lưu với mọi người nhiều hơn, bạn có thể học cách giao tiếp trong các nhóm ít người. Bằng cách cân bằng thời gian dành cho bản thân và thời gian ở bên cạnh những người khác, bạn sẽ có đời sống xã hội thú vị phù hợp với bạn.

3. Đáp ứng các nhu cầu của bản thân

Tập chăm sóc bản thân. 

Nếu bạn chìm ngập trong công việc và áp lực thì thật khó mà có thời gian để suy ngẫm về mình. Điều quan trọng là phải chăm sóc bản thân cả về thể chất lẫn tinh thần. Bằng việc tập chăm sóc bản thân, bạn sẽ thấy bình yên hơn với con người vốn có của mình.

  • Tạo thói quen tập thể dục hàng ngày. Bạn có thể dành 20 phút cho các bài tập cardio hoặc đi bộ nhanh.
  • Ngủ đủ 7-9 tiếng mỗi đêm.
  • Ă uống lành mạnh, với chế độ ăn gồm nhiều rau quả tươi và ngũ cốc nguyên hạt.
  • Tìm thời gian thư giãn mỗi ngày. Bạn có thể thiền hoặc làm việc gì đó giúp bạn thả lỏng như đan móc, giải câu đố hoặc đọc sách.

Cân bằng giữa cuộc sống và công việc. 

Đừng đánh giá bản thân chỉ dựa trên sự nghiệp hoặc thăng tiến trong công việc. Tự hào về sự nghiệp là điều tốt, nhưng bạn nên cố gắng tìm không gian cho riêng mình bên ngoài công việc. Tránh đem việc về nhà. Bạn hãy dành thời gian mỗi ngày tập trung vào các mục tiêu, những sở thích và thú tiêu khiển khác.

  • Công việc là quan trọng, nhưng bạn cũng nên ưu tiên cho sức khoẻ và hạnh phúc của mình.
  • Đặt ra các ranh giới để đảm bảo công việc không xen vào các mối quan hệ khác của bạn. Ví dụ, bạn đừng trả lời các email không khẩn cấp ngoài giờ làm việc.

Thiết lập ranh giới trong các mối quan hệ. 

Việc hiểu rõ các giới hạn của mình sẽ giúp bạn hạnh phúc hơn trong quan hệ với những người khác. Cố gắng xác định những kiểu tương tác nào khiến bạn không thoải mái, căng thẳng hoặc không vui, và dựa vào đó để vạch ra ranh giới cá nhân.

  • Bạn hãy tự hỏi mình những kiểu tình huống nào khiến bạn khó chịu. Ví dụ, có phải bạn ghét những nơi đông người? Có những trò đùa nào làm bạn lúng túng?
  • Xét xem liệu có ai trong đời bạn đòi hỏi bạn quá nhiều hoặc buộc bạn phải làm những việc trái với ý muốn. Hãy xác định những yêu cầu và đòi hỏi nào mà bạn miễn cưỡng thực hiện không.

Đặt ra các mục tiêu giúp bạn hạnh phúc. 

Các mục tiêu được đặt ra sẽ giúp bạn đạt được những mong muốn trong cuộc sống. Hãy cố gắng đặt ra vài mục tiêu để bạn vươn tới những ước mơ trong đời. Tập trung vào các mục tiêu đem lại hạnh phúc cho bạn thay vì các mục tiêu được thúc đẩy bởi các ham muốn phù phiếm như tiền bạc hay danh tiếng.

  • Ví dụ, bạn có thể đặt mục tiêu viết 500 từ mỗi ngày. Bạn nên làm điều này vì bạn thích viết lách, không phải vì bạn muốn trở thành nhà văn nổi tiếng.
  • Các mục tiêu của bạn có thể nhỏ bé và cá nhân. Ví dụ, bạn có thể đặt mục tiêu cải thiện kỹ năng trang trí bánh kem trước kỳ nghỉ lễ.
  • Nếu là mục tiêu lớn, bạn hãy đặt ra vài mục tiêu nhỏ hơn giúp bạn đi đến đích. Nếu ước mơ của bạn là khoác ba lô lên vai rong ruổi khắp châu Âu – ví dụ thế – bạn hãy đặt ra các mục tiêu nhỏ hơn để dành dụm tiền, mua vé và lên kế hoạch cho chuyến đi.

Xem xét lại các nhu cầu và mong muốn của bạn. 

Thỉnh thoảng bạn cần suy ngẫm về quãng đường bạn đã trải qua. Có những ước mơ nào của bạn đã thay đổi không? Có điều gì mới trong cuộc sống khiến bạn thay đổi các ưu tiên của mình không? Hiểu bản thân mình là một quá trình diễn ra không ngừng nghỉ. Đôi lúc bạn cần xem lại cuộc sống của mình như hỏi thăm một người bạn cũ.

  • Thi thoảng đọc lại nhật ký. Điều này có thể giúp bạn biết những thói quen; hoặc các ưu tiên của bạn đã thay đổi ra sao.
  • Sau những thay đổi lớn trong cuộc sống; chẳng hạn như có một công việc mới hoặc chuyển chỗ ở; bạn có thể muốn đánh giá lại xem các thông lệ; thói quen và mong muốn của bạn đã thay đổi như thế nào.
  • Nếu bạn có các thói quen hoặc xu hướng không còn phục vụ cho các nhu cầu; hoặc mục tiêu của mình, có thể bạn cần từ bỏ chúng. Hãy thay thế bằng các hoạt động hữu ích hơn để giúp bạn vươn đến mục tiêu.

Theo https://www.wikihow.vn/