Các nguyên tắc giải quyết mâu thuẫn với bạn bè

HS tìm hiểu và nắm vững những nguyên tắc khi giải quyết mâu thuẫn. HS biết rằng nên biết tha thứ và đừng ích kỷ để giải quyết những mâu thuẫn nhỏ không đáng. HS nêu được các cách xử lý mâu thuẫn trong một số tình huống cụ thể với bạn bè và mọi người xung quanh. Từ đó HS phát triển kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề. HS sẽvcó ý thức tôn trọng người khác và giữ gìn các mối quan hệ luôn được hòa bình để có cuộc sống bình an, vui vẻ.

1. Suy nghĩ theo chiều hướng tích cực: Bất kì chuyện gì cũng sẽ có cách giải quyết của nó và điều quan trọng nhất là bạn cần tin tưởng vào bản thân và làm hết sức có thể. Việc suy nghĩ tích cực giúp tâm trạng của bản thân trở nên tốt hơn, từ đó giải quyết vấn đề cũng đơn giản hơn.

2. Lắng nghe và thấu hiểu: Hầu hết những sự việc đã xảy ra đều từ những nguyên nhân nhỏ nhặt thôi. Có bạn nào thường cảm thấy có lỗi sau khi cãi nhau với bạn bè không nào? Đó cũng là lúc chúng ta cần lắng nghe và thấu hiểu lẫn nhau. Có thể sự việc chỉ nhỏ như con kiến thôi, nhưng qua những lời truyền đạt không chính xác sẽ trở thành to như con voi. Vậy nên muốn biết chắc chắn chuyện gì đang xảy ra với mình, việc chúng ta cần làm không phải là tỏ ra hung hăng để “xử lý” một ai đó, mà hãy cùng nhau ngồi lại trao đổi thông tin một cách chính xác. Khoảng thời gian mà chúng ta dành để lắng nghe nhau cũng là khoảng thời gian cần thiết để “cơn thịnh nộ” trong mình dần xẹp xuống, biết cách lắng nghe giúp tâm trí tỉnh táo hơn, nhìn nhận sự việc chính xác hơn và tất nhiên giúp chúng ta “hành xử” đẹp hơn trong mắt bạn bè.

3. Thẳng thắn bày tỏ quan điểm: Cũng có những mâu thuẫn đơn giản chỉ vì khác nhau về quan điểm. Như mình thích màu vàng mà bạn thích màu hồng vậy đó. Nhưng như thế không có nghĩa là chúng ta luôn đúng và người khác luôn sai hay ngược lại. Một khi đã lên tiếng bảo vệ quan điểm của mình thì bất cứ ai cũng sẽ có lý lẽ riêng. Hãy cùng nhau bày tỏ quan điểm trong hòa bình. Một khi không làm ảnh hưởng đến ai thì cũng không ai muốn cản trở việc bạn đang làm. Còn nếu có gì đó chưa đúng bạn cũng sẽ nhận được sự góp ý của mọi người. Bởi lẽ mỗi chúng ta đều mong muốn bạn bè mình trở nên tốt hơn trong mắt nhau, đúng không nào?

4. Tôn trọng bạn bè: Việc sử dụng những hành động tiêu cực để giải quyết mâu thuẫn cá nhân hoàn toàn không được ủng hộ bởi bất cứ ai. Một khi bạn có ý nghĩ động tay chân, dùng lời nói xúc phạm người khác nghĩa là bạn đã tự mình “đánh tụt” nhân cách và giá trị của mình. Hơn nữa, tôn trọng người khác cũng chính là cách để người khác tôn trọng bạn, do vậy mà việc giải quyết mâu thuẫn với ai đó bằng những xung đột ồn ào chỉ là hạ sách, giải quyết sự việc trong hòa bình mới chính là thượng sách.

Khi ai đó làm ta tổn thương hãy rộng lòng tha thứ để chính bản thân chúng ta cũng được vui vẻ, khi nhận điều tốt đẹp từ người khác hãy luôn khắc ghi trong lòng. Đó là nghệ thuật xử lý mâu thuẫn khéo léo để giữ gìn tình bạn đẹp.

Theo CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO KỸ NĂNG SỐNG CÔNG TY GAIA / Ngọc Sơn (tổng hợp)