6 câu nói cửa miệng cần tránh dùng trong giao tiếp

Một chút thay đổi trong câu nói có thể khiến bạn trở nên gần gũi, thân thiện hơn trong mắt người khác.

Có những điều tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng lại đem đến sự khác biệt lớn. Sau đây là 6 câu nói cửa miệng của rất nhiều người, song việc sử dụng chúng trong giao tiếp lại không đem về hiệu quả tích cực.

Khả năng giao tiếp là một kỹ năng mà rất nhiều người đang thiếu hiện nay. Đôi khi chúng ta quá tập trung vào những gì mình sẽ nói tiếp theo, lời nói của người khác ảnh hưởng đến mình thế nào mà quên đi việc chú ý tới người đối diện.

Sự thiếu tinh tế trong giao tiếp khiến bạn có thể lỡ lời, nói ra những câu khiến đối phương phật lòng. Bạn không có ý xấu song cách diễn đạt lại khiến người khác hiểu lầm. Sự vô ý này có thể dẫn đến cảm giác khó chịu, khiến người nghe cảm thấy không được tôn trọng.

Những người thông minh luôn biết đâu là điều nên nói, đâu là điều không nên. Chỉ một chút thay đổi trong cách dùng từ có thể khiến câu chuyện trở nên khác biệt. Dưới đây là những câu nói cửa miệng của nhiều người mà người thông minh không dùng trong giao tiếp để tránh gây ra hiểu lầm.

1. “Trông cậu có vẻ mệt mỏi!”

Những người đang thực sự mệt mỏi khó giấu nổi điều đó qua vẻ ngoài của mình. Đôi mắt họ trĩu xuống, tóc tai lộn xộn, khó tập trung và dễ cáu kỉnh. Đây là lúc họ đang gặp phải vấn đề khó giải quyết và dễ hiểu lầm câu nói của bạn. Câu nói “Trông cậu có vẻ mệt mỏi!” không được khuyến khích dùng vì dễ khiến họ cho rằng bạn đang thương hại hay quá tò mò tới đời tư của người khác.

Thay vào đó, hãy nói: “Mọi chuyện vẫn ổn chứ?”. Câu nói này thể hiện sự quan tâm vừa đủ. Người được hỏi sẽ cảm thấy dễ dàng mở lòng và chia sẻ hơn. Một chút thay đổi trong câu nói có thể khiến bạn trở nên gần gũi, thân thiện hơn trong mắt người khác.

2. “Anh luôn luôn…” hay “Anh không bao giờ…”

“Anh không bao giờ chịu để quần áo bẩn đúng chỗ”.

“Anh luôn luôn rời nhà vệ sinh mà không tắt đèn”.

Khi tức giận, chúng ta thường áp đặt quan điểm của mình lên hành động, suy nghĩ của người khác và đưa ra những đánh giá sai về họ. Sự thật là không có ai luôn luôn hoặc không bao giờ làm một điều gì đó cả.

Không thể đánh giá quá trình của một người khác chỉ thông qua một câu chuyện. Việc áp đặt đối phương bằng những câu nói “luôn luôn” hay “không bao giờ” dễ khiến đối phương cảm thấy tệ và không muốn chia sẻ với bạn bất cứ điều gì. Câu nói này cần tuyệt đối tránh khi bạn cần thảo luận điều gì đó quan trọng.

Thay vào đó, hãy đơn giản là nói ra điều khiến bạn thấy không ổn. Hãy bám sát vào sự thật và không nên thêm bớt các tính từ đẩy câu chuyện đi xa. Nếu bạn thấy tần suất của hành động đó có vấn đề, có thể dùng lối nói khéo léo hơn, thay vì khẳng định rằng họ luôn hành xử như vậy.

3. “Chúc may mắn!”

Câu nói này thể hiện sự tinh tế của người nói. Mong may mắn sẽ đến với người khác là suy nghĩ tốt đẹp. Tuy nhiên câu nói này nên được dùng với các mối quan hệ thân thiết như bạn bè, người trong gia đình.

Vì sao lại vậy ư? Thử đặt câu nói trên trong hoàn cảnh bạn nói với một người không thân quen hay chị đồng nghiệp nào đó. Họ sẽ dễ hiểu nhầm, có suy nghĩ rằng bạn nghĩ họ cần đến sự may mắn mới có thể đạt được thành công.

Thay vào đó, hãy nói: “Tôi biết bạn sẽ làm được”. Cùng với mục đích mong đối phương đạt được thành công, câu nói này sẽ khiến người nghe thấy dễ chịu hơn bởi nó thể hiện rằng bạn đánh giá đối phương hoàn toàn hội tụ đủ điều kiện, kỹ năng cần thiết. Họ cũng sẽ chú ý đến bạn hơn bởi sự đánh giá cao này, thay vì như những người khác, chỉ cầu mong may mắn đến với họ.

4. “Tùy cậu thôi!” hay “Cứ làm gì cậu thích”

Khi một người tìm đến bạn và xin lời khuyên cho vấn đề của họ, điều này có nghĩa họ thật sự cần sự trợ giúp và đánh giá cao ý kiến của bạn. Đừng đưa ra những câu trả lời như “Tùy cậu thôi!” hoặc “Cứ làm gì cậu thích”. Điều này dễ khiến đối phương cho rằng bạn đang bận và chẳng hề muốn quan tâm đến câu chuyện của họ.

Thay vào đó, hãy nói: “Tôi cũng không có sáng kiến nào cả nhưng cậu nghĩ sao nếu chúng ta thử… “. Khi bạn đưa ra cho đối phương một ý kiến, ngay cả khi họ không dùng được thì điều này vẫn thể hiện rằng bạn có quan tâm đến câu chuyện của họ.

5. “Ở tuổi này mà được như thế là quá tuyệt!”

Cụm từ “ở tuổi này” khiến người nghe dù được khen nhưng vẫn cảm thấy không thoải mái. Thậm chí, họ còn thấy bạn có phần thô lỗ hơn là thân thiện. Mọi người chỉ đơn giản muốn được khen là thông minh và khỏe mạnh mà thôi.

Thay vào đó, hãy nói: “Trông bạn thật tuyệt”. Chỉ cần thay đổi vài từ ngữ, đối phương sẽ cảm thấy vui vẻ thoải mái hơn rất nhiều.

6. “Ồ, cậu phải giảm được mấy cân í nhỉ”

Cùng với ý khen song câu nói này cũng khiến người nghe cảm thấy không thoải mái. Trong khi bạn cố gắng thể hiện cho đối phương thấy bạn quan tâm đến họ thì kết quả lại ngược lại. Họ sẽ nghĩ rằng trước đây bạn thấy họ rất béo hoặc không hấp dẫn.

Thay vào đó, hãy nói: “Cậu trông thật tuyệt”. Đơn giản là khen ngoại hình của cô ấy bây giờ, nói cho cô ấy biết trông cô ấy tuyệt ra sao. Đối phương sẽ hiểu được rằng bạn đã nhận ra cô ấy giảm cân thành công và ghi nhận lời khen của bạn.

Theo phunuvietnam.vn/ Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/