Ý NGHĨA MỘT SỐ THÀNH NGỮ – TỤC NGỮ DÀNH CHO HỌC SINH TIỂU HỌC

Thành ngữ – tục ngữ Việt Nam là những câu nói giá trị ngàn đời, luôn được lưu truyền, gìn giữ và giá trị ngàn vàng mà ông cha ta đã đút kết luôn được vận dụng sáng tạo và phát triển trong đời sống thực tại.

Thế nhưng, khi nói đến ý nghĩa những câu thành ngữ, tục ngữ, nhiều học sinh tiểu học còn lúng túng vì nhiều lí do khác nhau. Các em thường cho là chưa chắc chắn, chưa đúng, sợ sai => các em chưa tự tin. Những câu thành ngữ – tục ngữ chúng tôi sưu tầm, chia sẻ đến các em dưới đây, chúng tôi hi vọng giúp các em khắc phục được những hạn chế của các em.

Ý nghĩa những dưới đây chúng tôi dành cho các em học sinh Tiểu học, cách giải thích gần gũi với các em để các em dễ hiểu, dễ nhớ và từ đó giúp các em dễ vận dụng hơn trong khuôn khổ lứa tuổi các em.

1/ Anh em như thể tay chân: Anh (chị) em trong một gia đình được ví như tay với chân thuộc cùng một cơ thể con người. Ý nói anh (chị) và em có quan hệ gắn bó mật thiết, cần phải thương yêu giúp đỡ lẫn nhau.

2/ Ăn cây nào rào cây ấy: Ăn (hoặc được hưởng sự chăm sóc, nuôi dưỡng) ở đâu, của người nào thì phải lo bảo vệ, giữ gìn cho người đó.

3/ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây: Được ăn quả (trái) thì cần nhớ đến công lao của người trồng cây, ý nói được hưởng thành quả tốt đẹp cần tỏ lòng biết ơn những ai đã góp phần làm nên thành quả đó.

4/ Ăn vóc học hay: Có ăn mới có sức vóc, có học mới biết điều hay lẽ phải trong cuộc sống. Hoặc có thể hiểu: ăn uống đầy đủ thì người mới được khoẻ mạnh (có sức vóc), học những điều hay thì trí tuệ mới được mở mang, mới hiểu biết nhiều.

5/ Bão táp mưa sa: Táp: vỗ mạnh, đập mạnh vào. Sa: rơi thẳng xuống; ý nói khó khăn, thử thách lớn.

6/ Cày sâu quốc bẫm: Làm ăn cần cù; chăm chỉ (trong nghề nông).

7/ Cắt da cắt thịt: Thường chỉ cơn rét tê buốt như dao cắt vào da thịt.

8/ Cây ngay không sợ chết đứng: ý nói người sống ngay thẳng, trung thực thì không sợ điều gì.

9/ Chân cứng đá mềm: ý nói mạnh giỏi vượt qua được khó khăn, thử thách (thường dùng trong lời chúc).

10/ Chân lấm tay bùn: Chỉ sự lao động vất vả, cực nhọc (ở nông thôn).

11/ Chết đứng còn hơn sống quỳ: Thà chết một cách đàng hoàng, hiên ngang còn hơn sống nhục nhã đớn hèn (phải quỳ gối trước người khác).

12/ Chết vinh còn hơn sống nhục: Thà chết vinh quang còn hơn sống nhục nhã.

13/ Chó treo mèo đậy: Treo cho cao đậy cho kín, chắc thì mới tránh được chó mèo ăn vụng. ý nói cẩn thận chu đáo, đề cao cảnh giác.

14/ Chọn bạn mà chơi: Chọn người bạn tốt đáng tin cậy để cùng học, cùng chơi, gần gũi  thì sẽ có ảnh hưởng tốt.

15/ Chôn rau cắt rốn: Nơi sinh trưởng hay nơi mà mình được sinh ra.

CÒN NỮA >>

One thought on “Ý NGHĨA MỘT SỐ THÀNH NGỮ – TỤC NGỮ DÀNH CHO HỌC SINH TIỂU HỌC

  1. Pingback: Ý NGHĨA MỘT SỐ THÀNH NGỮ - TỤC NGỮ DÀNH CHO HỌC SINH TIỂU HỌC - KỸ NĂNG CẦN BIẾT

Comments are closed.