Ảnh : Internet – Hình ảnh cái tơi mới
NGHÈO RỚT MÙNG TƠI
Nhiều người vẫn nhầm tưởng mùng tơi ở đây là cây mùng tơi mà chúng ta vẫn thường nấu canh hay dậu mùng tơi trong thơ Nguyễn Bính.
Nhưng thật ra, mùng tơi hoàn toàn khác với những gì bạn nghĩ. Trước đây người nông dân khi ra đồng thường khoác một chiếc áo được đan từ lá cọ cầu để che nắng che mưa gọi là áo tơi. Phần trên cùng của áo tơi được khâu lại để luồn dây đeo qua vai gọi là mùng tơi.
Với những người rất nghèo, họ cứ mang mãi một cái áo tơi cho đến khi phần dưới rách nát, rụng tơi tả còn mỗi cái mùng tơi (cổ áo tơi) sắp rớt (rụng) khỏi dây tơi mà vẫn phải sử dụng. Cho nên câu trên muốn nói đến người rất nghèo, nghèo đến tột cùng của sự nghèo. Nghèo rớt mùng tơi!
ĐỀU NHƯ VẮT TRANH
Tấm tranh được “đánh” bằng những vắt tranh rất đồng đều
Chúng ta thường nói “đều như vắt chanh”, nhưng thực ra câu này không có ý nghĩa. Vì vắt quả chanh thì làm sao mà đều được.
Với những bạn sinh ra trước những năm 7x, các bạn sẽ được biết đến hình ảnh nhà tranh vách đất. Khi lợp mái tranh, người ta sẽ đan (đánh tranh) những lá cây họ cọ, mây (hoặc lá dừa, hoặc cỏ tranh hay rạ) vào với nhau thành một tấm tranh. Từ những tấm tranh này mới được đưa lên mái nhà để lợp.
Đánh tranh, không phải ai cũng làm được. Bởi lẽ không chỉ rành kỹ thuật mà còn phải có con mắt mỹ thuật. Mỗi khi “đánh” tranh phải dùng một tay nắm đống sợi tranh thành một vắt, muốn cho đều tăm tắp mười vắt như chục thì lượng sợi tranh trong tay phải vừa vặn sao cho ngón cái cụng với ngón trỏ, nếu ít hơn thì thêm vào và ngược lại. Nếu các vắt tranh lỏi chỏi không đều thì khi lợp lên sẽ dễ bị thấm nước mưa và đứng trong nhà trông lên sẽ không được đẹp. Trong lúc tay này nắm vắt tranh thì tay kia phải khéo léo “bắt” vắt tranh đưa vào hom (4 thanh tre ngâm được vót thành sợi có chiều dài bằng tấm tranh) và chỉnh sửa cho đều.
Với những người thợ giỏi, họ biết sắp xếp các lá đều nhau nên vắt tranh rất đều và đẹp.
“Đều như vắt tranh” ý nói làm một cái gì đấy mà sản phẩm rất đồng đều.
Viet Ta (sưu tầm)