ĐB Lưu Thành Công
ĐB Lưu Thành Công đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành có liên quan tuyên truyền trong toàn dân tẩy chay những clip nhảm nhí, cảnh giác trước những chiêu trò lừa gạt qua mạng điện tử.
Thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại Quốc hội chiều 4/11, ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long) đánh giá, thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành đã có nhiều giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho công dân khi thực hiện các hoạt động tương tác trên không gian mạng. Người dân cũng khá an tâm khi thực hiện hoạt động trên môi trường tiên tiến này.
Tuy nhiên, theo ĐB, trên thực tế gần đây tội phạm trên môi trường mạng diễn biến ngày càng phức tạp. Trên không gian mạng xuất hiện nhiều giang hồ với những chiêu trò lừa gạt, lọc lừa, đưa những thông tin thất thiệt gây tác động lớn đến đời sống, sinh hoạt của nhiều người.
ĐB kể đến các kênh YouTube đưa những thông tin nhảm nhí, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, tuyên truyền mê tín, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ, nói xấu tập thể, cá nhân, gây tác hại rất lớn đến đời sống sinh hoạt của nhiều gia đình, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.
Ông cho biết, đã có không ít vụ tai nạn thương tích, tử vong ở trẻ em mà nguyên nhân được tìm ra là do trẻ học theo những cách làm, những trò chơi nhảm nhí, thiếu khoa học, thiếu văn hoá trên các kênh YouTube, làm ảnh hưởng đến tính mạng.
ĐB tỉnh Vĩnh Long nêu việc các kênh YouTube ở Việt Nam đang nở rộ, Nhà nước thì chưa có những quy định ràng buộc nào về điều kiện để các kênh YouTube được đăng tải các clip trên những trang mạng điện tử. Vì vậy không ít người đã lợi dụng, tạo ra những clip nhảm nhí, vô bổ, thậm chí rất nguy hiểm để câu view, câu like, thu lợi nhuận từ quảng cáo.
Điều đáng nói hơn là những clip này không cảnh báo trẻ em hay giới hạn độ tuổi. Gia đình, cha mẹ cho con em xem một cách tự nhiên, thoải mái, xem đó như là một trò tiêu khiển.
“Dù làm với mục đích nào, làm để mua vui, hay làm để kiếm tiền thì các clip này đã làm xấu đi hình ảnh văn hoá con người Việt Nam. Khi xem chúng ta thấy phản cảm, bị xuyên tạc, xúc phạm”, ông Công bày tỏ.
Cũng theo ĐB, trên không gian mạng còn diễn ra nhiều trò quảng cáo, mua bán hàng gian, hàng giả, cho vay trực tuyến mang tính chất dụ dỗ, lừa gạt những người nhẹ dạ cả tin.
Một số trường hợp bị lộ lọt thông tin, bị chiếm đoạt hết tiền trong tài khoản. Dẫn chứng vừa qua có việc vợ của một người tử nạn tại công trình thuỷ điện Rào Trăng 3 bị chiếm đoạt 100 triệu đồng từ tiền hỗ trợ của cộng đồng xã hội.
Từ thực tiễn trên, ông đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp thiết thực hơn nữa, tăng cường hơn nữa an ninh trật tự trong lĩnh vực này.
“Cần có thêm những quy định mang tính chất pháp lý với những điều kiện ràng buộc thật chặt để một video được lưu hành trên các trang mạng, quản lý thật chặt các kênh YouTube, ngăn chặn, tháo gỡ ngay những clip nào có nội dung xấu, nhảm nhí.
Tăng cường xử phạt hành chính, nếu cần thì truy cứu hình sự đúng theo quy định của pháp luật hiện hành đối với những cá nhân vi phạm điều luật này”, ĐB Lưu Thành Công nhấn mạnh.
Ông cho rằng, tiền phạt và hình thức phạt phải mang tính răn đe, chứ như hiện nay còn nhẹ, tính răn đe chưa cao.
Ngoài ra, Chính phủ cần chỉ đạo các ngành có liên quan tuyên truyền trong toàn dân tẩy chay những clip nhảm nhí, cảnh giác trước những chiêu trò lừa gạt qua mạng điện tử.
Ngành giáo dục đưa nội dung này lồng ghép vào chương trình sinh hoạt thường xuyên hàng tuần, hàng tháng, định hướng đúng cho các em trong quá trình các em thực hiện tương tác trên không gian mạng.
Quyền tự do ngôn luận phải đặt trong khuôn khổ pháp lý
ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) khẳng định, thông tin có vai trò to lớn trong định hướng tư tưởng, dư luận xã hội.
ĐB Tô Văn Tám
Tuy nhiên, vừa qua đã xuất hiện hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận để đăng tải thông tin sai sự thật, bịa đặt về dịch bệnh, thiên tai, sự nỗ lực của chính quyền, nhà hảo tâm trong phòng chống bão lũ, lịch sử, đường lối chính sách của Đảng trên mạng xã hội.
Việc này làm hoang mang dư luận, méo mó hình ảnh thể chế và chính quyền. Nhận thức rõ vấn nạn này, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý kịp thời. Song vấn nạn vẫn chưa được loại trừ, vẫn thách thức nỗ lực của cơ quan chức năng.
“Đề nghị Chính phủ ngoài việc nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền, cần hoàn thành khuôn khổ pháp lý để ngăn chặn, xử lý, loại trừ hành vi trên”, ông Tám nói.
Ông cũng khẳng định, tự do phát ngôn, bình luận, chia sẻ thông tin là một trong những quyền tự do ngôn luận của công dân.
“Tuy nhiên, những quyền này phải được sử dụng trong khuôn khổ pháp lý nhất định. Kinh nghiệm các nước trên thế giới cũng tạo ra những khuôn khổ pháp lý như vậy để đảm bảo tự do ngôn luận chính đáng.
Đồng thời ngăn chặn loại trừ lợi dụng quyền này để xuyên tạc, phát tán thông tin sai lệch, làm phương hại đến chính thể, chính quyền, quyền và lợi ích chính đáng của người khác.
Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Liên Hợp Quốc quy định tự do trao đổi suy nghĩ và ý kiến là một trong những quyền quý giá nhất của con người. Vì thế, bất kỳ công dân nào nói, viết và công bố tự do, nhưng họ phải chịu trách nhiệm nếu lạm dụng quyền tự do này theo quy định của pháp luật”, ông Tám phân tích.
Về công tác đấu tranh với các MXH nước ngoài để xử lý tài khoản, các kênh, fanpage vi phạm trong Quý III/2020:
+ Đối với Facebook: Đã gỡ 28 bài viết quảng cáo mua bán vũ khí trái phép; đã gỡ 560 bài viết xuyên tạc, đưa thông tin sai lệch và bôi nhọ Lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Ngoài ra, Facebook còn gỡ 2 tài khoản giả mạo Tạp chí Cộng sản.
+ Đối với Google: Trên YouTube đã ngăn chặn và gỡ bỏ: 1237 video vi phạm, bôi nhọ nói xấu các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Đã chặn 23 game lậu trên Google Play Store.
Theo vietnamnet.vn/