Phần thứ hai: HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC MÔT SỐ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC NGOÀI GIỜ LÊN LỚP CHO HỌC SNH LỚP 5

THÁNG 9

Chủ đề: MÁI TRƯỜNG THÂN YÊU CỦA EM

Hoạt động 1: LỄ KHAI GIẢNG

1.1 Mục tiêu hoạt động:

– HS hiểu được ý nghĩa của ngày khai giảng

– Tạo được không khí phấn khởi, hào hùng, tự hào trong ngày khai giảng.

– HS biết yêu trường, yêu lớp.

1.2 Quy mô hoạt động

Tổ chức theo quy mô toàn trường

1.3 Tài liệu và phương tiện

– Đĩa nhạc bài Quốc ca; đĩa nhạc bài hát truyền thống của trường (nếu có);

– Quốc kì, ảnh Bác Hồ, cờ hoa, dải lụa, phông màn, khẩu hiệu để trang trí địa điểm tổ chức Lễ khai giảng;

– Cờ nhỏ, hoa để HS cầm tay vẫy;

– Loa, đài, ămpli, micro (nếu có);

– Giấy mời cha mẹ HS và đại diện các ban ngành có liên quan ở địa phương.

1.4 Cách tiến hành:

Bước 1: Chuẩn bị

– Nhà trờng, đại diện HS, đại diện cha mẹ HS họp để thống nhất kế hoạch tổ chức Lễ khai giảng.

– Gửi giấy mời đến các đại biểu ở địa phương.

– Hướng dẫn HS tập hát Quốc ca, Đội ca theo đĩa nhạc.

– Hướng dẫn HS tập đội hình, đội ngũ điều hành (tư chế, cách đánh nhịp tay, khoảng cách đều giữa các HS khi điều hành).

– HS tập các tiết mục văn nghệ, các tiết mục đồng diễn thể dục, võ thuật… để biểu diễn trong ngày khai giảng.

– Hướng dẫn HS lớp 5 cách đón và đưa các em HS lớp 1 vào vị trí ngồi dự khai giảng.

– Hướng dẫn HS chuẩn bị cờ, hoa tươi hoặc làm cờ, làm hoa giấy để vẫy chào trong Lễ khai giảng.

– Trang hoàng địa điểm tổ chức Lễ khai giảng. Địa điểm tổ chức Lễ khai giảng thường được tổ chức ở sân trường, ở hội trường lớn hoặc phòng tập đa năng của trường.

Bước 2: Tiến hành Lễ khai giảng

Tùy điều kiện từng trường, Lễ khai giảng có thể tổ chức khác nhau nhưng nhìn chung chương trình Lễ khai giảng có thể tiến hành như sau:

1) Đội nghi thức của trường rước Quốc kì, ảnh Bác Hồ, cờ Đội lên Lễ đài, tiếp sau là HS các lớp điều hành về vị trí tập kết.

2) Các HS lớp 1, tay cầm cờ hoa được các HS lớp 5 dắt tay đưa vào vị trí ngồi ở trung tâm của buỗi lễ trong sự chào đón nồng nhiệt của HS, GV toàn trường, các PHHS và các đại biểu

3) Đại diện Ban tổ chức tuyên bố lí do, giới thiệu các đại biểu

4) Chào cờ

5) Hiệu trưởng nhà trường lên đọc bản báo cáo tổng kết thành tích năm học trước.

6) Đại diện chính quyền địa phương đọc Thư của Chủ tịch nước gửi GV và HS nhân dịp năm học mới

7) Đại diện HS lên đọc lời hứa danh dự của HS trước các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo và các vị đại ibểu

8) Hiệu trưởng lên tuyên bố khai giảng năm học mới và đánh hồi trống khai giảng năm học

9) Bế mạc Lễ khai giảng. HS xếp hàng về từng lớp học theo sự hướng dẫn của các thầy cô giáo.

Hoạt động 2: XÂY DỰNG SỔ TRUYỀN THỐNG LỚP EM

2.1 Mục tiêu hoạt động

– HS biết đóng góp công sức xây dựng Sổ truyền thống của lớp.

– Giáo dục HS lòng tự hào là một thành viên của lớp và có ý thức bảo vệ danh dự, truyền thống của lớp.

2.2 Quy mô hoạt động:

Tổ chức theo quy mô lớp

2.3 Tài liệu và phương tiện

– Một cuốn sổ bìa cứng khổ 19 x 26.5cm;

– Ảnh chụp chung HS cả lớp, ảnh chụp chung HS từng tổ, ảnh chụp cá nhân từng HS;

– Thông tin về các cá nhân HS, các tổ và lớp;

– Bút màu, keo dán.

2.4 Cách tiến hành

Bước 1: Chuẩn bị

– GV phổ biến mục đích làm Sổ truyền thống của lớp và cùng HS trao đổi, thống nhất về nội dung và hình thức trình bày của Sổ truyền thống.

– Mỗi HS về chuẩn bị: 1 tấm ảnh cá nhân cỡ 4 x 6 và viết một vài dòng tự giới thiệu về bản thân như:

+ Họ tên

+ Giới tính

+ Ngày, tháng, năm sinh

+ Quê quán

+ Năng khiếu, sở trường

+ Môn học yêu thích nhất

+ Môn thể thao/nghệ thuật yêu thích nhất

+ Thành tích về các mặt: học tập, rèn luyện đạo đức, văn nghệ, thể dục thể thao, lao động…

– Các tổ chuẩn bị:

+ Chụp 1 bức ảnh chung của tổ

+ Viết một vài nét giới thiệu về tổ mình. Ví dụ: Tổ gồm có bao nhiêu HS? Trong đó có bao nhiêu bạn nam? Bao nhiêu bạn nữ? Tổ trưởng là ai? Tổ phó là ai? Tổ có những thành tích nổi bật gì? Có những đặc điểm nổi bật nào?…

– Cả lớp chuẩn bị:

+ Chụp 1 – 2 bức ảnh chung của cả lớp.

+ Thành lập Ban biên tập Sổ truyền thống

+ Ban biên tập phân công nhau thu thập các thông tin về lớp (tổng số HS, số HS nam? Số HS nữ? Ban cán sự lớp? Những đặc điểm nổi bật của lớp? Thành tích đạt được về các mặt: học tập, đạo đức, văn nghệ, thể dục thể thao, lao động…?)

Bước 2: Tiến hành làm Sổ truyền thống của lớp

– Ban biên tập thu thập tranh ảnh và các thông tin về lớp, về các tổ, về các cá nhân HS trong lớp.

– Sắp xếp tranh ảnh, thông tin theo từng loại.

– Tổng hợp, biên tập lại các thông tin

– Trình bày, trang trí Sổ truyền thống.

Cấu trúc: Sổ truyền thống của lớp có thể như sau:

Trang bìa: Phía trên đầu trang có tên trường. Chính giữa trang bìa là hàng tít lớn “Sổ truyền thống lớp…”.

Trang 1: Dán bức ảnh chụp chung của cả lớp, có hàng chữ chú thích ở dưới.

Các trang tiếp theo sẽ lần lượt trình bày các nội dung sau:

1) Giới thiệu chung về lớp…

+ Tổng số HS? Số HS nam? Số HS nữ?

+ Giới thiệu về thầy/cô giáo chủ nhiệm lớp.

+ Giới thiệu về Ban cán sự lớp (lớp trưởng, lớp phó, cán sự phụ trách các mặt…)

+ Giới thiệu về tổ chức lớp (lớp có mấy tổ? Tổ trưởng, tổ phó của mỗi tổ? Đặc trưng của mỗi tổ?…)

2) Giới thiệu thành tích và những hoạt động nổi bật của lớp về các mặt: học tập, đạo đức, thể dục thể thao, văn nghệ, lao động… (nên có ảnh minh họa các hoạt động kèm theo).

3) Giới thiệu về từng cá nhân HS

Mỗi HS sẽ được dành khoảng 2 trang để giới thiệu. Trong đó có ghi tên, dán ảnh của HS và giới thiệu chung về HS cùng với những thành tích mà HS đạt được về các mặt.

4) Suy nghĩ, cảm tưởng của cá nhân HS về mái trường, về lớp học, về thầy, cô giáo, về các bạn… trước khi ra trường (phần này cuối năm HS mới ghi).

Lưu ý: Sổ truyền thống của lớp được bắt đầu hình thành từ đầu năm học nhưng sẽ được bổ sung và hoàn thiện dần trong quá trình năm học. Vì vậy, cần chừa lại những khoảng giấy trắng nhất định sau mỗi mục, mỗi phần để có chỗ tiếp tục ghi những thông tin bổ sung, đặc biệt là mục thành tích của lớp, của tổ, của cá nhân HS và suy nghĩ, cảm tưởng của HS.

Hoạt động 3: BÀY CỖ TRUNG THU

3.1 Mục tiêu hoạt động

– HS hiểu ý nghĩa của Tết trung thu.

– HS biết cùng các bạn bày mâm cỗ trong đêm Trung Thu.

– Tạo niềm vui và không khí hào hứng, rộn rã cho HS trong ngày hội.

3.2 Quy mô hoạt động

Có thể tổ chức theo quy mô lớp, khối lớp hoặc toàn trường.

3.3 Tài liệu và phương tiện

– Các loại hoa quả để bày cỗ;

– Các nguyên liệu để làm chó bằng bưởi: quả bưởi, tâm tre nhọn hai đầu, khuya nhựa mỏng màu đen, thân cây chuối con…;

– Các bức ảnh minh họa mâm cỗ Trung thu.

3.4 Các bước tiến hành:

Bước 1: Phổ biến mục đích, yêu cầu hoạt động

– Trước 1 – 2 tuần, GV phổ biến cho HS nắm được:

Trung thu là tết của trẻ em. Theo truyền thống, trong đêm Trung thu người ta thường bày mâm quả. Đó là một hoạt động hấp dẫn, thể hiện sự sáng tạo cùng với đôi bàn tay khéo léo của người bày. Để đón một đêm trăng Trung thu thật vui vẻ, lớp ta sẽ tự tay bày mâm quả vui liên hoan. Mỗi tổ sẽ bày một mâm quả và thi xem tổ nào sẽ dành giải “Bàn tay vàng”.

– Công bố danh sách Ban tổ chức, Ban giám khảo.

– Công bố các giải thưởng dành cho mâm cỗ đẹp (tùy điều kiện thực tế).

Bước 2: GV hướng dẫn HS làm chó bằng bưởi

(Quan sát bức ảnh số 1 ở phần Phụ lục)

– GV: Trong mâm cỗ Trung thu, chú chó làm bằng tép bưởi thường giữ vai trò người trung tâm thể hiện tài khéo léo của người bày. Để tạo ra chú chó này, đòi hỏi người làm phải khéo từ cách chọn các nguyên liệu đến việc dựng hình sao cho chú chó càng xù lông càng đẹp.

– GV hướng dẫn cách làm chó bưởi:

+ Nguyên liệu:

  • Đầu và thân chó: có thể chọn thân chuối, quả cam, quả bí, quả dưa (tùy theo độ to, nhỏ của con chó).
  • Chân chó: Dùng 4 đoạn cuống của tàu lá chuối (hoặc bằng đu đủ xanh)
  • Lông chó: Dùng bưởi để tách múi làm lông chó (bưởi mọng nước, lông mới đẹp)
  • Hai que tre nhọn, dài dùng để xiên đầu vào thân chó. Một hộp tâm nhọn hai đầu (hay hộp đinh ghim) để cài múi bưởi.
  • Mắt, mũi chó: dùng hột nhãn (hoặc vỏ trái cây dày có màu đen).
  • Lưỡi chó: Dùng miếng cam (quýt, quả ớt) cắt hình lưỡi chó.

+ Cách làm:

  • Cắt vắt đầu thân, dùng que nhọn dài ghép vào đầu chó (đầu ngóc lên cao hơn thân). Phần đáy của thân chó cắt phẳng để đặt chó lên khay cho vững. Như vậy là chúng ta đã tạo được “bộ khung”.
  • Các múi bưởi được tách xòe ra sao cho các tép bưởi vẫn dính vào vỏ múi. Cắt bỏ vỏ múi ở hai bên phần tép.
  • Nhẹ nhàng kết các múi bưởi ra ngoài bộ khung, bắt đầu từ đầu chó chạy dài theo đường sống lưng đến tận đuôi chó, kết đến đâu ghim luôn đến đó. Kết tiếp như vậy cho kín thân chó để tép bưởi chạm tới khay, không hết phần “mông chó”. Phần mông này phải xoay hướng tép bưởi xuôi xuống khi kết. Trang trí chú chó cho sinh động nhờ khéo cắt hình và gần mắt, mũi, tai, lưỡi.

Sau khi hoàn thành sản phẩm “chó bưởi”, bày các hoa quả vui vầy quanh chú chó.

Lưu ý: Ngoài cách bày cỗ có chó bưởi, còn có cách bày sáng tạo do sự khéo léo gọt tỉa trên vỏ quả, tạo thành hình sống động (xem phần Tư liệu tham khảo).

Các đội thi được phép lựa chọn hình thức trưng bày.,

Bước 3: Niêm yết biểu điểm chấm thi

– Biểu điểm chấm thi:

  + Loại A: Đúng thời gian, đẹp, phong phú về loại quả, trình bày sáng tạo;

  + Loại B: Đúng thời gian, đẹp, chưa phong phú về loại quả, trình bày sáng tạo;

  + Loại C: Đúng thời gian, trình bày chưa đẹp.

Bước 4: Tiến hành cuộc thi

– Tuyên bố lí do, giới thiệu đại biểu.

– Khai mạc cuộc thi, giới thiệu ý nghĩa của cuộc thi.

– Thông qua chương trình cuộc thi

– Giới thiệu Ban giám khảo

– Các đội thi về vị trí tiến hành bày và trang trí mâm quả.

  (Ban giám khảo nhắc nhở các đội trưởng phải giao việc cho tất cả thành viên trong đội cùng tham gia).

Hết giờ, các thành viên giám khảo chấm vào phiếu điểm cá nhân.

Bước 5: Đánh giá

– Sau khi phần trưng bày kết thúc, thư kí tổng hợp vào tờ ghi điểm.

– Ban giám khảo hội ý để quyết định chọn các giải thưởng.

– Trong thời gian chờ quyết định của Ban giám khảo, Ban tổ chức mời HS tham quan mâm cỗ của các đội.

Bước 6: Trao giải thưởng

– Thư kí thay mặt cho Ban giám khảo đọc kết quả xếp loại, xếp giải cuộc thi và mời Ban tổ chức lên trao giải thưởng.

– Ban tổ chức lên trao phần thưởng cho đội đoạt giải. Thay mặt cho toàn Ban, Trưởng ban tổng kết, khen ngợi những “bàn tay vàng” đã làm ra mâm cổ đẹp để cùng nhau vui đón Trung thu và tuyên bố kết thúc cuộc thi.

– HS phá cỗ và tham gia rước đèn Trung thu cùng các bạn trong khối, trong trường.

3.5 Tư liệu tham khảo

Hình ảnh mâm quả trong đêm Trung thu (theo trang Diễn đàn Việt Nam)

(Xem các bức ảnh số 2, 3 ỏ phần phụ lục)

Hoạt động 4:

GIAO LƯU TUYÊN TRUYỀN VIÊN GIỎI VỀ AN TOÀN GIAO THÔNG

(Dưới hình thức sân khấu hóa)

4.1 Mục tiêu hoạt động

– Giúp HS có thêm những thông tin bổ ích về Luật An toàn giao thông và phòng tránh các tai nạn thương tích thường xảy ra với trẻ em thông qua các hoạt động tuyên truyền, văn hóa văn nghệ.

– Biết cách xử lí, sơ cứu đơn giản khi gặp tai nạn thương tích.

– Giáo dục các em ý thức tôn trọng luật an toàn giao thông và cách phòng, tránh các tai nạn thương tích thường gặp.

4.2 Quy mô hoạt động

Tổ chức theo quy mô khối lớp hoặc toàn trường.

4.3 Tài liệu và phương tiện

– Tài liệu về Luật Giao thông đường bộ; tranh ảnh, mô hình giao thông; một số biển báo thường gặp,…;

– Âm thanh, loa đài, đĩa hình, đĩa nhạc để tuyên truyền…

4.4 Các bước tiến hành:

Bước 1: Chuẩn bị

Trước 1 – 2 tuần GV cần phổ biến cho HS nắm được:

– Chủ đề của cuộc giao lưu.

Hướng dẫn HS sưu tầm các câu chuyện, tư liệu, hình ảnh liên quan đến chủ đề

– Nội dung: An toàn giao thông và phòng tránh tai nạn thương tích ở trẻ em.

Hình thức: Giao lưu tuyên truyền về an toàn giao thông và phòng tránh các tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em dưới hình thức tiểu phẩm.

– Tiêu chí đánh giá:

  + Về nội dung: 4 điểm

  + Tính sáng tạo: 1 điểm

  + Phong cách thể hiện: 3 điểm

  + Trang phục: 2 điểm

– Các giải thưởng: 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba và 1 giải khuyến khích.

– Thành phần Ban giám khảo là các thầy cô có uy tín trong trường.

– Cử, chọn người dẫn chương trình (có thể là GV – Tổng phụ trách Đội hoặc đại diện Ban chỉ huy Liên đội có năng lực).

– Phân công trang trí, kê bàn ghế, phụ trách phần thưởng.

– Phân công các tiết mục văn gnhệ cho khai mạc và đan xen giữa các phần thi.

– Dự kiến đại biểu mời tham dự cuộc giao lưu.

Bước 2: Tổng kết – đánh giá

– Ban giám khảo đánh giá, nhận xét cuộc thi và thái độ của các đội.

– Trong thời gian Ban giám khảo hội ý riêng, đội văn nghệ sẽ biểu diễn một số tiết mục văn nghệ chuẩn bị trước.

– Công bố kết quả cuộc thi.

– Người dẫn chương trình mời các cá nhân đại diện cho mỗi đội lên nhận phần thưởng. Đọc đến tên đội nào thì đại diện đội đó lên đứng thành hàng ngang trước sân khấu.

– Mời đại diện đại biểu lên rtao phần thưởng và phát biểu ý kiến.

– Người dẫn chương trình cảm ơn đại biểu và các HS đã nhiệt tình tham gia cuộc thi.

– Tuyên bố kết thúc cuộc thi.

THÁNG 10

Chủ đề: VÒNG TAY BẠN BÈ

Hoạt động 1: TRÒ CHƠI “TRÁI BÓNG YÊU THƯƠNG”

1.1 Mục tiêu hoạt động:

– Thông qua trò chơi, HS được rèn luyện kĩ năng giao tiếp, biết dùng những lời nhận xét tốt đẹp khi nói với bạn bè.

– HS có ý thức trân trọng tình cảm bạn bè.

1.2 Quy mô hoạt động

Tổ chức theo quy mô lớp

1.3 Tài liệu và phương tiện

Một quả bóng cao su nhỏ vừa bàn tay của HS lớp 5. Nếu không có bóng cao su có thể dùng báo cũ vo tròn thay bóng.

1.4 Các bước tiến hành:

Bước 1: Tổ chức trò chơi

– GV hướng dẫn cách chơi và luật chơi. Lưu ý HS:

  + Trước khi ném bóng cho một bạn nào đó trong lớp, HS cần phải nói một lời yêu thương hoặc một lời khen xứng đáng đối với bạn. Ví dụ:

  • Bạn rất vui tính
  • Bạn là người bạn tốt
  • Bạn rất chăm chỉ học tập
  • Bạn viết rất đẹp
  • Tớ rất thích những bức tranh bạn vẽ
  • Tớ rất quý bạn

  + Người nhận bóng nếu giữ bóng trên tay lâu (khoảng 10 số đếm) mà chưa nói được lời yêu thương, sẽ phải trao bóng trả cho quản trò.

  + Nếu người nhận bóng bắt trượt, bóng rơi xuống đất sẽ bị mất lượt. Bóng lại trả về tay quản trò.

– Tổ chức cho lớp chơi thử.

– Chơi thật: Cả lớp đứng thành vòng tròn, Quản trò đứng giữa vòng tròn. Bắt đầu chơi, người thứ nhất nói một lời yêu thương hoặc một lời khen với một bạn nào đó và ném bóng cho bạn đó. HS vừa nhận được bóng lại tiếp tục nói lời yêu thương/lời khen với một bạn HS khác và ném quả bóng cho bạn đó. Cứ như vậy, quả bóng sẽ được truyền tay và trao gửi lời yêu thương cho tất cả các bạn trong lớp…

Bước 2: Thảo luận sau trò chơi

– Sau khi tổ chức cho HS chơi xong, GV có thể tổ chức cho cả lớp thảo luận theo các câu hỏi sau:

  + Em cảm thấy như thế nào khi nhận được những lời yêu thương/lời khen tặng của bạn bè đối với mình?

  + Em cảm thấy như thế nào khi nói lời yêu thương, lời khen đối với bạn?

  + Qua trò chơi này em có thể rút ra điều gì?

– GV nhận xét, khen ngợi những lời nói yêu thương, khích lệ bạn bè của tất cả HS trong lớp. Căn dặn HS hãy luôn sử dụng những lời nói yêu thương, khen ngợi đối với bạn bè trong cuộc sống hàng ngày cũng như hãy đón nhận, trân trọng món quà quý giá đó của tình bạn.

Hoạt động 2: TIỂU PHẨM “DẾ MÈN BÊNH VỰC KẺ YẾU”

2.1 Mục tiêu hoạt động:

– HS hiểu: giúp đỡ, bảo vệ người yếu hơn mình là việc làm cần thiết.

– Giáo dục HS ý thức quan tâm, bảo vệ bạn bè.

2.2 Quy mô hoạt động

Tổ chức theo quy mô lớp

2.3 Tài liệu và phương tiện

– Kịch bản “Dế Mèn bênh vực kẻ yếu

– Đạo cụ: Mũ, áo cho các vai Dế mèn, Nhà trò, Nhện chúa.

2.4 Các bước tiến hành:

Bước 1: Chuẩn bị

– Trước 1 tuần, GV phổ biến kịch bản Tiểu phẩm cho Đội kích của lớp.

Nội dung kịch bản:

DẾ MÈN BÊNH VỰC KẺ YẾU

Người dẫn chuyện: Dế mèn tướng rất oai phong, đầu to ghồ ghề, đôi cánh giang rộng, cặp chân khỏe nhờ ham tập luyện đạp vào không khí kêu vù vù… Đang vui vẻ nghêu ngao ca hát, bỗng Dế Mèn nghe tiếng cô Nhà trò thút thít khóc bên bờ cỏ. Dế Mèn giương cặp mắt tròn xoe nhìn dáng vẻ gầy nhom, ốm yếu của chị Nhà Trò.

Dế Mèn: Nhà Trò, tại sao em khóc? Đứa nào bắt nạt em?

Nhà Trò: (lau nước mắt, mếu máo): Anh ơi, Anh ơi! Hu hu… Anh cứu em… Là bọn nhện độc…

Dế Mèn: Anh biết bọn này nổi tiếng hay phá phách. Thế chúng làm gì em?

Nhà Trò: Bọn chúng đánh em. Không cho em tới trường. Mấy lần bọn nhện giăng tơ giữa đường đòi bắt em, vặt chân, vặt cánh em, còn định ăn thịt em nữa… Em sợ lắm

Dế Mèn: Đúng là bọn độc ác cậy khỏe ức hiếp yếu. Sao không ai bênh vực em?

Nhà Trò (vẫn run rẫy, mắt liếc quanh): Anh ơi ! Ở đây ai cũng sợ, không dám dây với chúng. Lúc em bị đánh, ai cũng chỉ biết đứng nhìn.

Dế Mèn (rung rung râu, tức giận): Hèn. Thế là hèn. Thấy người khác bị đánh mà không dám cứu giúp là hèn. Em yên tâm, anh sẽ bảo vệ em.

Nhà Trò: Đi đi anh. Không khéo bọn chúng giăng tơ bắt nốt cả anh…

Dế Mèn (cương quyết): Không. Anh không phải là thằng hèn. Bây giờ anh sẽ nấp sau phiến đá này, em cứ gọi bọn chúng ra nói chuyện.

Người dẫn chuyện: Dế Mèn vừa núp sau phiến đá, cả bầy nhện đã ào ào xong tới. Nhện chúa khoái chí, cười sằng sặc

Nhện Chúa: Con Nhà Trò chúng bay ơi ! Quăng lưới bắt nó đem về ăn thịt.

Người dẫn chuyện: Thấy bọn nhện độc quá đông lại hung hãn, Dế Mèn cũng hơi do dự, nhưng nhớ lời hứa với Nhà Trò, Dế liền bay ra

Dế Mèn: Bọn kia. Không được bắt nạt kẻ yếu. Có Dế Mèn đây!

Người dẫn chuyện: Thấy dáng vẻ oai phong của Dế Mèn, tên Nhện Chúa hơi chột dạ, nhưng vẫn lớn tiếng

Nhện Chúa: Nó chỉ có một mình thôi. Quang lưới đi bọn bây

Người dẫn chuyện: Cả bọn Nhện ào ào quăng lưới hòng bắt sống Dế Mèn. Nhanh như cắt, Dế Mèn tung cặp giò với những lưỡi cưa sắt nhọn đá rách hết lưới nhên. Bầy nhện ngã lộn nhào, Dế Mèn nhanh tay khóa cổ tên Nhện Chúa.

Dế Mèn: Đầu hàng chưa? Còn dám bắt nạt kẻ yếu nữa không?

Người dẫn chuyện: Tên Nhện Chúa bị khóa chặt cổ, van xin rối rít

Nhện Chúa: Em biết tội rồi! Em biết tội rồi! Xin anh tha mạng…

Dế Mèn (quay sang Nhà Trò) : Từ nay em không phải sợ chúng. Em hay sợ, chúng lại càng được thể. Chúng còn dám bắt nạt, báo cho anh, hay bác Xén Tóc, anh Châu Chấu Voi… trừng trị

Người dẫn chuyện: Chị Nhà Trò sung sướng, cảm ơn Dế Mèn, rồi vỗ cánh bay đến trường.

(Lê Mai – Phong tác theo Dế Mèn phiêu lưu kí

của Nhà văn Tô Hoài)

– HS tập diễn tiểu phẩm và chuẩn bị đạo cụ cần thiết

Bước 2: Trình diễn Tiểu phẩm.

Bước 3: Thảo luận lớp sau khi xem Tiểu phẩm

1) Vì sao chị Nhà Trò lại run rẩy, sợ hãi?

  (Chị Nhà Trò lại run rẫy, sợ hãi vì bị bọn nhện bắt nạt, không cho đến trường. Bọn chúng mấy lần giăng tơ giữa đường đòi bắt Nhà Trò để vặt chân, vặt cánh, ăn thịt…)

2) Nghe chuyện, anh Dế Mèn có thái độ gì?

  (Nghe chuyện, anh Dế Mèn tức giận, cương quyết đòi gặp bọn nhện để hỏi chuyện).

3) Vì sao, có lúc Dế Mèn hơi do dự?

  (Có lúc Dế Mèn hơi do dự vì bọn nhện độc quá đông lại hung hăn)

4) Hành động của Dế Mèn như thế nào trước bọn nhện độc hung hăn?

  (Trước bọn nhện độc đông và hung hăn, Dế Mèn oai phong, nhanh như cắt, tung cặp giò với những lưỡi cưa sắt nhọn đá rách hết lưới nhện. Bầy nhện ngã lộn nhào. Dế Mèn nhanh tay khóa cổ tên Nhện Chúa).

5) Em có suy nghĩ gì trước việc làm của anh Dế Mèn?

(- Anh Dế Mèn dũng cảm, bênh vực, bảo vệ người yếu, trị tội kẻ xấu.

– Anh Dế Mèn không sợ bọn nhện độc đông, hung hăn đã cương quyết dạy cho chúng một bài học, bảo vệ được chị Nhà Trò yếu ớt.

– Anh Dế Mèn là người dũng cảm, đã trừng trị được kẻ xấu, bảo vệ bạn bè…)

Bước 4: Tổng kết, đánh giá

– Cả lớp bình chọn diễn viên xuất sắc nhất.

– GV kết luận, căn dặn HS hãy học tập tấm gương dũng cảm của anh Dế Mèn.

Hoạt động 3: KẾT BẠN CÙNG TIẾN

3.1 Mục tiêu hoạt động:

Thông qua việc “Kết bạn cùng tiến”, giáo dục HS biết quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ với bạn bè trong học tập và các hoạt động khác ở lớp, ở trường.

3.2 Quy mô hoạt động

Tổ chức theo quy mô lớp.

3.3 Tài liệu và phương tiện:

Sưu tầm những câuchuyện về “Đôi bạn cùng tiến” trong trường, trên báo chí, đài truyền hình, mạng Internet….

3.4 Các bước tiến hành:

Bước 1: Chuẩn bị

– Trước 1 tuần, GV phổ biến ý nghĩa, yêu cầu của việc “Đôi bạn cùng tiến” (thể hiện sự quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ với nhau những niềm vui, những khó khăn trong học tập, trong sinh hoạt ở lớp, ở trường, ở nhà…)

– Nêu các yêu cầu cần chuẩn bị cho buổi ra mắt “Đôi bạn cùng tiến” tổ chức vào buổi sinh hoạt sắp tới:

  + Sưu tầm những câu chuyện về “Đôi bạn cùng tiến” trong trường, trên báo chí, đài truyền hình, mạng Internet…

  + Chọn bạn kết đôi với mình

  + Cùng với bạn chuẩn bị nội dung sẽ cùng nhau phấn đấu trong năm học này và trình bày trên giấy HS, có trang trí đẹp. Ví dụ:

Đôi bạn cùng tiến: Trần Việt Hùng và Nguyễn Thùy Linh

Trong năm học:

Chúng tôi sẽ cùng nhau phấn đấu: ……

Kí tên:

Lưu ý:

  + “Đôi bạn cùng tiến” có thể là: cùng học giỏi, cùng có những khó khăn, cùng có chung sở thích, ngồi cùng bàn, gần nhà nhau…

  + GV cần tế nhị, không thiên cưỡng trong việc ghép HS giỏi kèm HS kém, HS ngoan kèm HS cá biệt, dễ gây tâm lí mặc cảm cho HS. Cần khéo léo gợi ý cho HS về một sở thích nào đó trước, sau đó cài thêm sự phấn đấu trong học tập, rèn luyện…

  + GV có thể tham gia với vai trò cố vấn cho các đôi bạn (nếu HS yêu cầu giúp đỡ).

– Cử (chọn) người có điều khiển chương trình (MC).

– Chuẩn bị tiết mục văn nghệ (về chủ đề “Bạn bè”).

Bước 2: Ra mắt “Đôi bạn cùng tiến”

– MC tuyên bố lí do, giới thiệu chương trình.

– Các “Đôi bạn cùng tiến” trong lớp lần lượt lên tự giới thiệuu trước và nói về hướng phấn đấu, giúp đỡ nhau của mình.

– MC mời các bạn trong lớp kể những câu chuyện về “Đôi bạn cùng tiến” đã sưu tầm.

– Biểu diễn các tiết mục xen kẽ sau mỗi phần giới thiệu.

Bước 3: Nhận xét – Đánh giá

GV khen ngợi sự thành công của buổi ra mắt “Đôi bạn cùng tiến”. Chúc các đôi bạn trong lớp đạt được chỉ tiêu phấn đấu mình đã đặt ra.

Hoạt động 4: THAM GIA CÁC HOẠT ĐỘNG NHÂN ĐẠO

4.1 Mục tiêu hoạt động:

– HS hiểu: Tham gia các hoạt động nhân đạo là việc làm thường xuyên, cần thiết để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.

– HS có ý thức và có hành động thiết thực tham gia các hoạt động nhân đạo theo khả năng của mình.

4.2 Quy mô hoạt động:

Tổ chức theo quy mô khối lớp hoặc toàn trường

4.3 Tài liệu và phương tiện

– Tranh ảnh, thông tin về hoạt động nhân đạo của trường, địa phương và cả nước;

– Những món quà của cá nhân (tập thể) HS trong buổi lễ trao quà quyên góp.

4.4 Các bước tiến hành

Bước 1: Chuẩn bị

– Trước 2 – 3 tuần, GV nêu mục đích, ý nghĩa của hoạt động nhân đạo và phát động phong trào HS thi đua tham gia hoạt động này.

– HS chuẩn bị các món quà quyên góp phù hợp với khả năng của bản thân (có thể là sách, vở, đồ dùng học tập, quần áo cũ, sách truyện, đồ dùng cá nhân, tiền…)

– Đóng gói quà của cá nhân hoặc tập trung đóng gói của cả tổ, thống kê số lượng các món quà quyên góp.

Lưu ý: HS có thể tuyên truyền, vận động người thân cùng tham gia.

– Chuẩn bị một số tiết mục văn nghệ.

– Cử (chọn) người dẫn chương trình (MC)

– Dành riêng bảng hoặc trang tư liệu để cả lớp dán tranh ảnh và thông tin sưu tầm về các hoạt động nhân đạo.

– Kê bàn tiếp nhận quà tặng.

Bước 2: Lễ quyên góp, ủng hộ

– MC tuyên bố lí do, giới thiệu chương trình, giới thiêu Ban tổ chức tiếp đón các món quà quyên góp (có thể gồm GV chủ nhiệm, lớp trưởng, lớp phó).

– Văn nghệ chào mừng.

– MC mời lần lượt từng cá nhân, đại diện từng nhóm, từng tổ lên trao quà ủng hộ cho Ban tổ chức.

– Một đại diện HS phát biểu cảm tưởng.

– Trưởng ban tổ chức cảm ơn tấm lòng hảo tâm của tất cả HS trong lớp và thông báo các món quà này sẽ được thống kê chung mang tên lớp để trao tặng trong buổi lễ quyên góp của toàn trường.

– Giới thiệu về một số hoạt động nhân đạo của trường, địa phương và cả nước.

– Tuyên bố kết thúc buổi lễ.

4.5 Tư liệu tham khảo

Tên một số hoạt động nhân đạo: Lá lành đùm lá rách, Bầu ơi thương lấy bí cùng, Phong trào tương thân tương ái, Tết vì người nghèo, Tháng hành động vì người khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam, Vì đồng bào bị thiên tai, bão lụt, Thắp sáng tương lai, Phong trào hiến máu nhân đạo…

THÁNG 11

Chủ đề: BIẾT ƠN THẦY GIÁO, CÔ GIÁO

Hoạt động 1:

VIẾT THƯ, GỬI THIẾP CHÚC MỪNG THẦY GIÁO, CÔ GIÁO CŨ

1.1 Mục tiêu hoạt động:

– Phát triển ở HS tình cảm thiêng liêng thầy và trò.

– HS biết kính trọng, lễ phép, biết ơn và yêu quý các thầy giáo, cô giáo.

– HS yêu trường, yêu lớp, thích đi học

– Phát triển các kĩ năng giao tiếp, kĩ năng ra quyết định.

1.2 Quy mô hoạt động

Tổ chức theo quy mô lớp, khối lớp

1.3 Tài liệu và phương tiện

– Đầu DVD, tivi;

– Các video clip về tình cảm thầy trò trong dịp khai trường, ngày 20/11… (nếu có) (xem ảnh số 4);

– Sưu tầm các bức thư hay gửi thầy cô giáo cũ;

– Ca dao, tục ngữ về người thầy;

– Các câu chuyên về tình thầy trò;

– Các bài hát ca ngợi người thầy, nói về mái trường, lớp học:

  + Lớp chúng mình rất vui – Nhạc và lời: Mộng Lân;

  + Bụi phấn – Nhạc: Vũ Hoàn, lời: Lê Văn Lộc.

1.4 Các bước tiến hành

Bước 1: Chuẩn bị

– GV thông báo cho HS biết nội dung, kế hoạch về hoạt động trước 1 – 2 tuần.

– Hướng dẫn HS sưu tầm các bức thư hay gửi thầy giáo cũ.

– Hướng dẫn HS sưu tầm ca dao, tục ngữ về người thầy, các câu chuyện về tình thầy trò.

– Chuẩn bị các tiết mục văn nghệ

– Xây dựng chương trình hoạt động trong 1 tiết.

Bước 2: Tiến hành

– Cả lớp hát (hoặc nghe băng) bài hát “Bụi phấn”, Nhạc Vũ Hoàn, lời: Lê Văn Lộc.

– GV trao đổi với HS: Nội dung bài hát nói về điều gì? (Lòng kính yê, biết ơn công lao người thầy của HS… Tình cảm của người HS dành cho người thầy).

– Liên hệ cá nhân:

  + Các em đã bao giờ cử chỉ, hành động hoặc lời nói thể hiện tình cảm yêu quý thầy giáo, cô giáo chưa? Lúc đó thái độ của các thầy giáo, cô giáo như thế nào?

  + Các em đã bao giờ được đón nhận tình cảm cao quý (cử chỉ, lời nói yêu thương, hoặc sự giúp đỡ chân thành) của các thầy giáo, cô giáo chưa? Tâm trạng của em lúc đó ra sao? Điều đó có ảnh hưởng đối với em như thế nào?

– GV đọc cho HS nghe một vài bức thư gửi thầy giáo cũ.

– Hướng dẫn HS viết, gửi thiếp chúc mừng các thầy cô giáo cũ.

– HS viết thư hoặc làm thiếp chúc mừng các thầy giáo cô giáo cũ

– GV có thể mời một số HS chia sẻ các bức thư, các bưu thiếp các em đã viết.

– GV khen ngợi HS đã thể hiện tình cảm yêu quý, biết ơn đối với các thầy cô giáo cũ và nhấn mạnh các thầy cô giáo cũ sẽ rất vui và tự hào khi nhận được những bức thư/thiếp chúc mừng này của các em.

– HS hát, đọc thơ, ca dao tục ngữ về tình cảm thầy – trò.

Hoạt động 2:

GIAO LƯU TÌM HIỂU VỀ NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20 – 11

2.1 Mục tiêu hoạt động:

– Giúp HS biết và hiểu về lịch sử, nguồn gốc và ý nghĩa to lớn của ngày Nhà giáo Việt Nam.

– Giáo dục HS thêm kính yêu, biết ơn công lao của các thầy cô giáo.

– Tạo không khí thi đua học tập, rèn luyện sôi nổi trong HS.

– Rèn kĩ năng tổ chức hoạt động tập thể, kĩ năng hợp tác cho HS.

2.2 Quy mô hoạt động

Tổ chức theo quy mô khối lớp hoặc toàn trường

2.3 Tài liệu và phương tiện

– Các sách, báo, tài liệu, tranh ảnh về ngày Nhà giáo Việt Nam.

– Phần thưởng cho các đội thi;

– Các bản thông báo về thể lệ, nội dung thi:

– Micro, loa, ampli, sân khấu tổ chức cuộc thi.

2.4 Các bước tiến hành:

Bước 1:

Trước một tháng, nhà trường phổ biến cho HS nắm được:

– Kế hoạch tổ chức giao lưu

– Thể lệ cuộc giao lưu: Thành lập các đội tam gia giao lưu giữa các lớp khối 5.

– Nội dung thi:

  + Các thông tin có liên quan tới ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo.

  + Các thông tin có liên quan tới ngày Nhà giáo Việt Nam.

  + Các hoạt động về ngày Nhà giáo Việt Nam.

– Nguồn thông tin: HS có thể thu thập thông tin qua sách, báo, tài liệu, đài phát thanh, tivi, mạng Internet hoặc hỏi cha mẹ, anh chị và những người xung quanh về ngày Nhà giáo Việt Nam.

– Các giải thưởng: Giải đồng đội: Giải nhất, giải nhì, giải ba, giải khuyến khích, các giải từng mặt.

– Thành lập Ban tổ chức, Ban giám khảo

Bước 2:

(Xem ảnh số 5)

– Các lớp thành lập đội thi

– Tổ chức, hướng dẫn cho HS sưu tầm, thu thập các tư liệu cần thiết phục vụ cho buổi giao lưu.

– Các lớp luyện tập các tiết mục văn nghệ có nội dung về chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam.

– Ban tổ chức lựa chọn người dẫn chương trình – một nam, một nữ HS.

– Phân công phụ trách các hoạt động trong ban tổ chức (nêu câu hỏi, đáp án,…)

– Ban giám khảo họp thống nhất cách cho điểm và phân công trong Ban giám khảo

– Bài trí sân khấu:

  + Phông, màn, cờ, hoa, maket: Hội thi hiểu biết về ngày Nhà giáo Việt Nam.

  + Bàn ghế bố trí trên sân khấu đủ cho các đội tham gia.

  + Micro, các bảng báo kết quả của mỗi đội, bảng thông báo câu hỏi.

Bước 3: Tổ chức hội thi

– Tuyên bố lí do, giới thiệu đại biểu

– Trưởng ban tổ chức khai mạc, giới thiệu về chủ đề và ý nghĩa của buổi giao lưu.

– Giới thiệu Ban giám khảo và danh sách những đội tham gia giao lưu

– Trưởng ban giám khảo công bố chương trình giao lưu và mời các đội vào vị trí để tiến hành giao lưu.

– Tiến hành giao lưu

Nội dung giao lưu có thể bao gồm:

1) Màn chào hỏi của mỗi đội:

  + Giới thiệu về lớp của mình, các thành tích trong học tập, rèn luyện các mặt

  + Biểu diễn một tiết mục văn gnhệ

2) Các đội trả lời các câu hỏi do MC neu và thôngbáo trên bảng chiếu.

Bước 4: Công bố kết quả và trao giải

– Trưởng Ban tổ chức hội thi công bố tổng số điểm của mỗi đội và thông báo kết quả hội thi.

– Trao các giải thưởng.

2.5 Tư liệu tham khảo

* Thư gửi thầy giáo cũ

Bức thư gửi cho thầy cô giáo đã đi vào lịch sử thế giới

(Nguyên văn lá thư Tổng thống Abraham Lincoln gửi co thầy dạy con mình)

“Con tôi sẽ phải học tất cả những điều này, rằng không phải tất cả mọi người đều công bằng, tất cả mọi người đều chân thật. Nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết cứ mỗi một kẻ vô lại ta gặp trên đường phố thì ở đâu đó sẽ có một con người chính trực; cứ mỗi một chính trị gia ích kỉ, ta sẽ có một nhà lãnh đạo tận tâm. Xi thầy hãy dạy cho cháu biết cứ mỗi kẻ ghét bỏ ta thì ta lại có thêm một người bạn.

Bài học này sẽ mất nhiều thời gian, tôi biết; nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết rằng một đồng đôla kiếm được do công sức lao động của mình bỏ ra còn quý giá hơn nhiều so với năm đôla nhặt được trên hè phố. Xin thầy dạy cho cháu biết cách chấp nhận thất bại và cách tận hưởng niềm vui chiến thắg. Xin hãy dạy cháu tránh xa đố kị.

Xin dạy cháu biết được bí quyết của niềm vui chiến thắng thầm lặng. Dạy cho cháu biết được rằng, những kẻ hay bắt nạt người khác nhất lại là những kẻ dễ bị đánh bại nhất.

Xin hãy giúp cháu nhìn thấy thế giới kì diệu của sách…, nhưng cũng cho cháu có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống: Đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong ánh nắng và những bông hoa nở ngất bên đồi xanh.

Xin thầy dạy cho cháu biết thà rằng bị điểm kém vẫn còn hơn là gian lận trong thi cử.

Xin giúp cho cháu có niềm vui vào ý kiến riêng của bản thân, dù tất cả mọi người xung quanh đều cho rằng ý kiến đó hoàn toàn sai lầm.

Xin hãy dạy cho cháu biết cách đối xử dịu dàng với những người hòa nhã và cứng rắn với những kẻ thô bạo.

Xin hãy dạy cho cháu sức mạnh để không chạy theo đám đông khi tất cả mọi người đều chỉ biết chạy theo thời thế.

Xin hãy dạy cho cháu biết phải lắng nghe tất cả mọi người, nhưng cũng xin thầy dạy cho cháu biết cần phải sàng lọc những gì nghe được qua một tấm lưới chân lí để cháu chỉ đón nhận những gì tốt đẹp.

Xin hãy dạy cho cháu biết cách mỉm cười khi buồn bã

Xin hãy dạy cho cháu biết rằng không có sự xấu hổ trong những giọt nước mắt. Xin hãy dạy cho cháu biết chế giễu những kẻ hèn yếu và cẩn trọng trước sự ngọt ngào đầy cạm bẫy.

Xin hãy dạy cho cháu biết rằng cơ thể bán cơ bắp và trí tuệ cho người ra giá cao nhất, nhưng không bao giờ cho phép ai ra giá mua trái tim và tâm hồn mình. Xin hãy dạy cho cháu ngoảnh tai làm ngơ trước một đám đông đang gào thét… và đứng thẳng người bảo vệ những gì cháu cho là đúng.

Xin hãy đối xử dịu dàng với cháu nhưng đừng vuốt ve nuông chiều cháu bởi vì chỉ có sự thử thách của lửa mới tôi luyện nên được một con người cứng rắn. Xin hãy giúp cháu có được sự dũng cảm để không dung thứ sự sai trái và giúp cho cháu có được sự bền chí để là người dũng cảm. Xin hãy dạy cho cháu biết rằng cháu phải luôn có niềm tin tuyệt đối vào bản thân mình, bởi vì khi đó cháu sẽ luôn có niềm tin tuyệt đối vào nhân loại.

Đây quả là một yêu cầu quá lớn, tôi biết, thua thầy. Nhưng xin thầy cô gắng hết sức mình, nếu được vậy, con trai tôi quả thật thật là một cậu bé hạnh phúc và may mắn”.

(Nguồn: Tuoitreonline)

* Ca dao, tục ngữ về tình cảm thầy trò

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Có danh, có vọng nhớ thầy khi xưa

Ở đây gần bạn gần thầy

Có công mài sắt có ngày nên kim

Muốn sang thì bắt cầu kiều

Muốn con yêu chữ, thì yêu lấy thầy!

Cơm cha áo mẹ chữ thầy

Gáng công mà học có ngày thành danh

Con ơi ghi nhớ lời này

Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy chớ quqên

Không thầy đố mày làm nên

Mấy ai là kẻ không thầy

Thế gian thường nói không thầy sao nên

Ngày nào em bé cỏn con,

Bây giờ em đã lớn khôn thế này.

Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy

Nghĩ sao cho bỏ, những ngày ước ao.

* Danh sách các ngày Nhà giáo theo quốc gia

Quốc gia Tên gọi Ngày Chú thích
Ấn Độ Shikshak Divas 5 tháng 9 Đây là ngày sinh của Thủ tướng thứ hai của Ấn Độ, nhà Triết học, Tiến sĩ Radharishan. Trong ngày Lễ này, mặc dù thầy, cô giáo và HS, sinh viên vẫn đến trường nhưng các hoạt động học tập trong trường lớp được thay thế bằng các buổi lễ kỉ niệm, và các hoạt động thăm hỏi, cảm ơn của HS sinh viên đối với GV. Trong một số trường học, việc giảng dạy của các thầy cô giáo sẽ do các HS, sinh viên lớp lớn đảm nhiệm nhằm thể hiện sự kính trọng đối với các GV.
CHND Trung Hoa   10 tháng 9 Vào ngày này, HS, sinh viên có một số hoạt động thể hiện sự kính trọng với thầy, cô giáo, ví dụ như tặng quà, tặng hoa và tặng thiệp cho thầy cô
Hàn Quốc   15 tháng 10 áp dụng tại Seoul năm 1963 và tại thành phố Chunju năm 1964. Ngày Nhà giáo không được tổ chức trên toàn Hàn Quốc trong giai đoạn 1973 – 1982 Ngày Nhà giáo Hàn Quốc bắt nguồn từ việc một nhóm thanh niên là thành viên của Hội Chữ thập đỏ đến thăm các thầy cô giáo cũ đang ốm tại một bệnh viện. Trong ngày này, buổi học thường kết thúc sớm và các HS, sinh viên thường tặng cho thầy, cô của mình những bông hoa cẩm chướng xinh đẹp. Một số trường cho thầy cô và HS nghỉ vào ngày này, vì họ không muốn thấy hiện tượng các học trò tặng/hối lộ thầy cô bằng những món quà quá đắt tiền. Một số trường khác lại tổ chức chuyến đi chơi xa cho các thầy cô giáo.
Hoa Kì   6 tháng 5. Tuần lễ chừa ngày 6 tháng 5, tức tuần đầu tiên của tháng 5, được gọi là tuần Nhà giáo Hoa Kì (Teacher Appreciation Week) HS, sinh viên thể hiện sự kính trọng đối với thầy cô trong ngày này bằng việc tặng thầy cô các món quà kỉ niệm. Tổ chức giáo dục Liên bang (National Education Association NEA), miêu tả ngày Nhà giáo “là ngày tôn vinh các GV và các đóng góp của họ cho cuộc sống của chúng ta”. Lịch sử của ngày Nhà giáo Hoa Kì được neu trong trang web của NEA. Nguồn gốc của ngày Nhà giáo Hoa Kì phải nói là hơi kì quặc. Vào năm 1944, Ryan Krug, một GV ở Winconsin đã đề nghị với các nhà lãnh đạo chính trị giáo dục rằng nước Mĩ cần có một ngày lễ vinh danh các thầy cô giáo. Woodbridge đã viết thư cho Eleanor Roosevelt và ông này đến năm 1953 đã thuyết phục Quốc hội Mĩ lập một ngày lễ tôn vinh các GV. Tổ chức Giáo dục Liên bang (NEA) cùng với các bang Kansas và Indiana liên kết với các thàn phố Dodge ở Kansas đã tiến hành một cuộc vận động lớn cho việc thành lập một ngày lễ tôn vinh các GV Mĩ. Cuối cùng thì Quốc hội đã quyết định tổ chức một ngày lễ tôn vinh các thầy cô giáo vào ngày 7 tháng 3 năm 1980. NEA và các đồng minh của họ thì lại xem ngày Thứ Ba đầu tiên của tháng 3 là ngày Nhà giáo cho đến năm 1985, khi PTA tuyên bố tuần Nhà giáo Hoa Kì là tuần đầu tiên của tháng Năm. Hội đồng Đại diện của NEA sau đó đã bầu cho ngày thứ Ba của tuần ấy trở thành ngày Nhà giáo.
Nga   5 tháng 10 Trong các năm 1965 – 1994, ngày Nhà giáo là ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng 10. Từ năm 1994, ngày Nhà giáo được Nga lấy theo ngày Nhà giáo quốc tế 5 tháng 10
Singapore   1 tháng 9 Đây là một ngày nghỉ lễ chính thức. Còn buổi lễ mừng ngày Nhà giáo được tổ chức vào ngày 8 tháng 10, hôm mà HS, sinh viên được nghỉ nửa ngày.
Thái Lan   16 tháng 1 Vào ngày 21 tháng 11 năm 1956, Thái Lan quyết định chọn ngày Nhà giáo là ngày 16 tháng 1. Ngày Nhà giáo đầu tiên được tổ chức vào năm 1957.

Hoạt động 3:

HÁT VỀ THẦY CÔ GIÁO EM

3.1 Mục tiêu hoạt động:

– Giáo dục HS lòng kính yêu, biết ơn công lao của các thầy cô giáo.

– Tạo không khí thi đua học tập, rèn luyện sôi nổi trong HS.

– Rèn kĩ năng tổ chức hoạt động cho HS.

3.2 Quy mô hoạt động

Tổ chức theo quy mô khối lớp hoặc toàn trường

3.3 Tài liệu và phương tiện

– Băng rôn, hoa, loa đài, trang âm;

– Chuẩn bị sân khấu;

– Dàn nhạc phục vụ buổi sơ khảo và công diễn.

3.4 Các bước tiến hành:

Bước 1:

– Nhà trường thông báo cho các khối, lớp, chương trình, kế hoạch tổ chức hội diễn văn nghệ chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam.

– Nội dung và thể loại: tốp ca, đơn ca, ngâm thơ, kể chuyện, tấu nói, tiểu phẩm, biễu diễn nhạc cụ có nội dung:

  + Ca ngợi công ơn các thầy cô giáo;

  + Ca ngợi tình thầy trò;

  + Nói về tình cảm với lớp, trường;

  + Ca ngợi về tình bạn;

  + Các bài hát nói về hoạt động Đội thiếu niên tiền phong.

– Thành lập Ban tổ chức hội diễn.

– Các lớp xây dựng chương trình biểu diễn của lớp và luyện tập.

– Luyện tập cùng dàn nhạc chuẩn bị cho Ban tổ chức duyệt.

Bước 2: Duyệt các tiết mục văn nghệ của các lớp

– Chuẩn bị sân khấu và các phương tiện phục vụ cho duyệt các tiết mục.

– Lựa chọn MC là hai HS lớp 5 (một nam, một nữ) dẫn chương trình.

– MC hướng dẫn các đội văn nghệ của các lớp lần lượt biểu diễn các tiết mục văn nghệ.

– Các đội văn nghệ biểu diễn các tiết mục văn nghệ.

– Ban tổ chức duyệt các tiết mục văn nghệ.

– Ban tổ chức công bố các tiết mục văn nghệ (của các thể loại) được tham gia đêm công diễn.

Bước 3:

– Trước đêm công diễn (nên tổ chức vào tối ngày 19 – 11), nhà trường cần thông báo trên các phương tiện truyền thông nhà trường cho tất cả GV, HS và phụ huynh HS được biết kế hoạch hội diễn.

– Ban tổ chức xây dựng chương trình đêm hội diễn.

– Các tiết mục văn nghệ khớp nhạc lần cuối.

– Ban tổ chức tổng duyệt chương trình trước khi biểu diễn.

– Chuẩn bị cho đêm công diễn:

  + Treo băng rôn về hội diễn văn nghệ chào mừng ngày 20 – 11;

  + Chuẩn bị sân khấu, chuẩn bị dàn nhạc và các phương tiện trang âm, loa đài phục vụ hội diễn;

  + Chuẩn bị ghế ngồi cho đại biểu và khách mời;

  + Bố trí chỗ ngồi cho các lớp;

  + Chuẩn bị hoa và quà tặng cho các tiết mục văn nghệ.

Bước 4: Đêm công diễn

(Xem ảnh số 6)

– MC tuyên bố lí do, giới thiệu đại biểu

– Trưởng Ban tổ chức lên khai mạc đêm Hội diễn.

– Các tiết mục văn nghệ được trình diễn theo chương trình.

– Kết thúc hội diễn MC mời các đại biểu lên tặng hoa và quà cho các diễn viên, các tiết mục đặc sắc.

Hoạt động 42:

NGÀY HỘI MÔI TRƯỜNG

4.1 Mục tiêu hoạt động:

Hoạt động nhằm:

– Nâng cao nhận thức về môi trường và bảo vệ môi trường cho HS;

– Góp phần thay đổi nhận thức của HS về môi trường và trách nhiệm bảo vệ môi trường;

– Thực hiện giữ gìn, bảo vệ môi trường ở nhà, ở trường và nơi công cộng.

– Rèn kĩ năng giao tiếp, hợp tác, tổ chức hoạt động

4.2 Quy mô hoạt động:

Tổ chức theo quy mô khối lớp hoặc toàn trường.

4.3 Tài liệu và phương tiện

(Xem ảnh số 7)

– Tranh, ảnh, clip về sự ô nhiễm môi trường;

– CD các bài hát về môi trường;

– Các trò chơi môi trường cho các lứa tuổi tiểu học;

– Phần thưởng trong tổ chức trò chơi;

– Trang âm và các thiết bị phục vụ cho “ngày hội Môi trường”

– Ban tổ chức chuẩn bị địa điểm tổ chức: Có thể tổ chức tại sân trường hay tại một công viên gần trường. Trang trí sân khấu và chuẩn bị bàn ghế cho đại biểu, khách mời đến dự “Ngày hội Môi trường”.

– Ban tổ chức chuẩn bị các nội dung tổ chức thi trong “Ngày hội môi trường”.

– Lựa chọn MC điều khiển chương trình cho ngày hội.

Bước 2: Ngày hội môi trường

1) Chương trình ca nhạc chào mừng;

2) Tuyên bố lí do, giới thiệu đại biểu và các khách mời;

3) Trưởng Ban tổ chức lên phát biểu khai mạc ngày Hội; công bố nội dung chương trình “ngày hội Môi trường”, giới thiệu thành phần Ban giám khảo cho từng nội dung thi và từng vị trí, địa điểm dành cho mỗi nội dung thi.

(Xem các ảnh số 8, 9)

Nội dung 1: Thi thiết kế thời trang thân thiện với môi trường;

Nội dung 2: Thi các tiết mục văn nghệ về chủ đề Bảo vệ môi trường;

Nội dung 3: Thi đố vui, ứng xử về chủ đề Bảo vệ môi trường;

Nội dung 4: Thi vẽ tranh, xé dán tranh về Bảo vệ môi trường;

Nội dung 5: Thi thuyết trình về chủ đề Bảo vệ môi trường;

Nội dung 6: Thi làm đồ dùng học tập, đồ chơi từ các đồ vật đã qua sử dụng;

Nội dung 7: Thi trồng cây, trồng hoa trong khuôn viên nhà trường và quanh trường;

Các Ban giám khảo tổ chức cho các đội thi thực hiện các hoạt động theo đăng kí.

Bước 3: Tổng kết và trao giải thưởng

– Trưởng Ban giám khảo công bố kết quả các nội dung thi và mời các đại biểu lên trao tặng phần thưởng, quà lưu niệm “ngày hội Môi trường” cho các đội dự thi.

– Văn nghệ mừng thành công của “ngày hội Môi trường”

– Tuyên bố bế mạc ngày Hội.

4.5 Tư liệu tham khảo

Giới thiệu một số nội dung, hoạt động có thể tổ chức trong “Ngày hội Môi trường”.

(Xem các hình ảnh số 10, 11, 12).

– Thi viết, vẽ, làm các sản phẩm cổ động bảo vệ môi trường.

– Thi vẽ tranh “Thông điệp xanh”.

– Diễn đàn về môi trường (có thể bằng tiếng Anh).

– Thi làm đồ chơi, đồ dùng học tập từ đồ vật đã qua sử dụng.

– Trò chơi vận động (thi xếp vỏ hộp nhanh, phân loại rác tái chế,…).

– Tổ chức các trò chơi thiếu nhi về môi trường.

– Trao đổi sách cũ và đồ dùng học tập.

Ngọc Sơn (tổng hợp)

Còn tiếp