Ảnh: CNBC.
Lãng phí thời gian, bỏ bê việc học hành, bỏ quên chăm sóc sức khỏe của chính mình… là những điều hối tiếc của rất nhiều người.
Một tạp chí của Anh từng thực hiện cuộc khảo sát những người 60 tuổi trở lên, với câu hỏi: Điều gì khiến bạn hối tiếc nhất khi đã đi quá nửa đời người?
Kết quả cho thấy, ba điều được chọn nhiều nhất là: Không làm việc chăm chỉ khi còn trẻ để về già cảm thấy mình không có thành tựu gì (92%); Hối hận vì chọn sai nghề (73%) và thứ ba là hối hận vì giáo dục con không đúng cách (62%).
Có thể thấy, trong cuộc đời mỗi người, ai cũng sẽ có những điều hối tiếc. Tuy nhiên, người Trung Quốc từ thời Tống từng đúc kết 6 hối tiếc lớn nhất của con người.
Khi làm quan thì tư lợi, mất rồi mới tiếc
Điều này ám chỉ đến việc có người nắm quyền cao, chức trọng mỗi quyết định đều ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều người nhưng lại ra những quyết định chỉ có lợi cho chính mình hoặc người thân. Họ không nhận ra rằng công danh như chiếc áo, cởi ra rồi chẳng còn gì, ngoài tiếng tăm để lại. Do đó, bất hạnh lớn nhất trong cuộc đời lại chính là không nhận ra chính mình. Chỉ bằng cách nhận ra vị trí của chính mình, bạn mới có thể kiềm chế sự ích kỷ của mình và ngăn bạn đi sai hướng.
Giàu không cần kiệm, nghèo mới xót xa
Đi từ cuộc sống nghèo khó đến giàu có thì dễ dàng, nhưng chuyển từ lối sống xa hoa sang giản dị, tiết kiệm lại khó hơn rất nhiều. Một khi bạn đã quen sống sung túc, thì khi rơi vào cảnh khó khăn, bạn sẽ không chỉ thấy thiếu về vật chất, mà tâm lý cũng không thể nào thoải mái được. Vì vậy, bất kể khi nào và ở đâu, mỗi người khi sống ngày sung túc phải nghĩ đến ngày khó khăn và luôn có sự chuẩn bị cho lúc khốn khó.
Trẻ lãng phí thời gian, già hối tiếc
Thời gian là tài sản quý giá nhất, là thứ đắt giá nhất và là sự cho đi công bằng nhất. Ai cũng có một khoảng thời gian như nhau, dù xuất thân thế nào, dù giàu, nghèo ra sao. Thế nên, nếu muốn sống hết mình và làm điều gì đó ý nghĩa trong đời, đừng lãng phí thời gian. Nếu bạn không tiết kiệm thời gian, dùng thời gian mình có để đầu tư và cải thiện bản thân, thời gian của bạn sẽ ngày càng ít đi, và bạn sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn của cuộc sống thiếu thốn.
Trẻ không học, già tiếc nuối
Nếu bạn không chịu học hành, tích lũy kinh nghiệm và kiến thức phòng khi gặp sự cố, thì khi rơi vào khó khăn, bạn sẽ hoàn toàn bị động. Nếu không cập nhật kiến thức, bạn sẽ sớm trở nên tụt hậu, dễ bị đào thải, mãi mãi thua kém so với mọi người.
Rượu vào là cuồng ngôn, tỉnh lại hối cũng đã muộn
Đạo Phật coi việc kiêng uống rượu bia là một trong những giới luật căn bản. Kinh Phật cũng nói về tác hại của rượu, ví dụ như trong cuốn “Trường A Hàm Kinh” có nói: “Uống rượu có sáu thứ mất: Một, mất tiền. Hai, mất sức khỏe. Ba, mất yên ổn. Bốn, mất hình ảnh. Năm, mất điềm tĩnh. Sáu, mất lý trí”. Thế nên, người xưa có câu: “Rượu quý hay không còn tùy thuộc vào tính cách người uống”, là vì vậy.
Ngày thường không chăm lo sức khỏe, đổ bệnh không trách ai
Khi một người không tự biết chăm lo cho bản thân, anh ta sẽ tự mình đẩy nhanh quá trình lão hóa, nhanh chóng đi đến cuối đoạn đường đời. Rất nhiều người lâm vào tình cảnh khi ốm đau mới hối hận vì đã không sinh hoạt và nghỉ ngơi đúng giờ, không ăn uống lành mạnh… Thế nhưng một khi bệnh tình được cải thiện thì sẽ “bổn cũ soạn lại”, lại không quý sức khỏe của mình.
Sức khỏe là một tài sản không chỉ thuộc về một mình bạn, nó còn thuộc về gia đình bao gồm cha mẹ, con cái, anh chị em. Nếu bạn không quan tâm đến bản thân và không đối xử tốt với chính mình, thì làm sao bạn có thể đối xử tốt với người khác?
Thùy Linh(Theo Aboluowang)/ Nguồn: https://vnexpress.net/doi-song/bai-hoc-song