MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC NGOÀI GIỜ LÊN LỚP CHO HỌC SINH LỚP 5

Nội dung phần thứ nhất của tài liệu sẽ cung cấp cho giáo vien (GV) và cán bộ quản lí các trường tiểu học một số vấn đề cơ bản, cần thiết về việc tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp (HĐGDNGLL) cho học sinh (HS) lớp 5 nói riêng và cho HS trường tiểu học nói chung, bao gồm các vấn đề sau:

Phần thứ nhất

1. HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC NGOÀI GIỜ LÊN LỚP VÀ VAI TRÒ CỦA HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC NGOÀI GIỜ LÊN LỚP TRONG VIỆC HÌNH THÀNH NHÂN CÁCH PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN CHO HỌC SINH

Trong các nhà trường phổ thông Việt Nam hiện nay, HĐGDNGLL được quan niệm là những hoạt động giáo dục được tổ chức ngoài giờ học các môn văn hóa. HĐGDNGLL có vai trò quan trọng trong việc hình thành phân nhân cách phát triển toàn diện cho HS, bởi vì:

1. HĐGDNGLL mang tính chất linh hoạt, mềm dẻo, mở

Nếu như hiện nay việc dạy học các môn văn hóa chịu sự chi phối khá chặt chẽ về thời điểm, thời lượng, tài liệu học tập, về quy mô tổ chức dạy học, về nội dung dạy học,… thì HĐGDNGLL lại mang tính chất linh hoạt, mềm dẻo, mở hơn về tất cả các mặt. Cụ thể là:

– Các HĐGDNGLL có thể tổ chức vào những thời điểm khác nhau trong năm học; với thời lượng linh hoạt, có thể từ 30 đến 150 phút.

– HĐGDNGLL có thể tổ chức theo những quy mô khác nhau: theo nhóm, theo lớp, theo khối lớp, trường hoặc liên trường;

– HĐGDNGLL có thể tổ chức theo các hình thức đa dạng khác nhau; có thể sử dụng tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau;

– Nội dung hoạt động cũng rất đa dạng…

Đó là một lợi thế mà việc dạy học trên lớp không thể có được. Điều này giúp cho việc tổ chức các HĐGDNGLL dễ thực hiện hơn, dễ áp dụng được những nhu cầu của các đối tượng HS khác nhau, phù hợp với các điều kiện của các vùng, miền khác nhau trong cả nước.

2. HĐGDNGLL có nội dung mang tính tích hợp, tổng hợp cao của nhiều môn học, lĩnh vực khoa học và đời sống thực tiễn.

Khác với các môn học, nội dung HĐGDNGLL rất đa dạng và mang tính tích cực, tổng hợp cao của nhiều môn học, nhiều lĩnh vực khoa học và đời sống thực tiễn. Điều đó giúp cho các nội dung giáo dục gần gũi với cuộc sống thực tế hơn, thiếtth ực hơn, đáp ứng được nhu cầu của HS, giúp các em lĩnh hội, chiếm lĩnh và vận dụng các nội dung giáo dục vào trong thực tiễn cuộc sống một cách dễ dàng, thuận lợi hơn.

3. HĐGDNGLL tạo cơ hội cho học sinh được thực hành, trải nghiêm các kiến thức đã học vào trong thực tiễn cuộc sống.

HĐGDNGLL đem lại những cơ hội tốt để HS được thực hành, được trải nghiệm những kiến thức đã học vào những lĩnh vực của cuộc sống thực tiễn. Điều đó giúp cho các em hiểu biết sâu sắc hơn về những nội dung đã được giáo dục; giúp các em phát triển các kĩ năng, thái độ và hành vi tích cực; phát triển năng lực thích ứng; năng lực hành dụng là những năng lực rất cần thiết của con người sống trong xã hội hiện tại.

4. HĐGDNGLL tạo cơ hội thuận lợi cho các học sinh được tham gia một cách tích cực, trên cơ sở đó giúp các em phát triển các phẩm chất và năng lực cần thiết.

Lứa tuổi tiểu học là lứa tuổi hiếu động, thích khám phá, do vậy các em rất quan tâm và mong muốn được tham gia vào những hoạt động nhẹ nhàng, sinh động, vui tươi, phù hợp với sở thích. Các nghiên cứu về tâm lí giáo dục cũng cho thấy, nhiều nét tính cách chính của con người được hình thành trước và trong tuổi học đường. Do vậy, việc tham gia vào nhiều dạng HĐGDNGLL phong phú sẽ tác động tích cực đến nhận thức, tình cảm, niềm tin và hành vi của HS; tạo cơ hội cho các em được thể hiện, bộc lộ, tự khẳng định bản thân; được giao lưu, học hỏi bạn bè.

Từ đó, các em được phát triển những kĩ năng sống, những phẩm chất tích cực như tinh thần đồng đội, khả năng hợp tác, tính kỉ luật, tinh thần trách nhiệm, tình cảm nhân ái, sự cảm thông, tính mạnh dạn, tự tin, kiên định, tư duy phê phán, tư duy sáng tạo, kĩ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề. Những nét nhân cách này chính là nền tảng quan trọng cho việc hình thành các giá trị cốt lõi của con người Việt Nam trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Xét ở phạm vi rông hơn, HĐGDNGLL còn tạo điều kiện để HS được tham gia, được hội nhập vào dòng chảy chung các hoạt động của trẻ em trên địa phương, đất nước, khu vực mình đang sống. Vì vậy, HĐGDNGLL có vị trí quan trọng trong việc giáo dục những con người phát triển toàn diện, hài hòa. Đồng thời, điều này còn tạo ra hứng thú, lòng nhiệt tình của HS đối với hoạt động – một điều kiện quan trọng làm hiệu quả của giáo dục.

5. Các hình thức đa dạng của HĐGDNGLL giúp cho việc chuyển tải các nội dung giáo dục tới học sinh một cách nhẹ nhàng, hấp dẫn

Mỗi một loại hình hoạt động đều tiềm tàng trong nó những khả năng giáo dục nhất định. Do không bị bó hẹp về thời lượng, không gian, quy mô tổ chức,… như hoạt động dạy học các môn văn hóa trên HĐGDNGLL có những lợi thế riêng trong việc chuyển tải nội dung giáo dục tới HS. Nhờ các hình thức hoạt động đa dạng, việc giáo dục HS đươc thực hiện một cách tự nhiên, sinh động, không gò bó và khô cứng, phù hợp với đặc điểm tâm – sinh lí cũng như nhu cầu, nguyện vọng của HS. Trong quá trình thiết kế, tổ chức, đánh giá các HĐGDNGLL, cả GV và HS đều có cơ hội để thực hiện sự sáng tạo, chủ động, linh hoạt của mình, làm tăng thêm tính hấp dẫn, độc đáo của các loại hình hoạt động.

6. HĐGDNGLL có khả năng phối hợp, liên kết nhiều lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường

HĐGDNGLL có khả năng phối hợp, liên kết nhiều lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường như: Ban giám hiệu, Tổng phụ trách, GV, chính quyền địa phương, các nhà khoa học, các hoạt động xã hội… Vì thế, đã tạo điều kiện cho HS lĩnh hội các nội dung giáo dục bằng nhiều khác nhau, với nhiều cách tiếp cận khác nhau; làm tăng tính hấp dẫn, đa dạng và hiệu quả giáo dục.

II. ĐẶC ĐIỂM LỨA TUỔI HỌC SINH TIỂU HỌC

HS tiểu học có độ tuổi từ 6 đến 12 tuổi, lứa tuổi này có những biến đổi cực kì quan trọng trong hoạt động và trong đời sống của trẻ.

1. Cơ thể của HS tiểu học còn ít thích nghi với các điều kiện của tư thế tĩnh kéo dài là tư thế các em thường giữ khi ngồi học ở trường, do cơ và các xương còn yếu (đặc biệt là cơ lưng và xương cột sống yếu). Vì vậy, đối với HS  tiểu học việc thay đổi các hình thức giáo dục là điều rất quan trọng. HĐGDNGLL với các hình thức phong phú, luôn thay đổi sẽ giúp cho HS được thay đổi tư thế trong quá trình giáo dục.

2. Ở HS tiểu học bắt đầu hình thành các kiểu cơ bản của “hoạt động khép kín của vỏ bán cầu đại não”, là cái làm cơ sở cho các đặc điểm tâm lí cá nhân của hoạt động trí tuệ và các quá trình cảm xúc.

– Kiểu linh hoạt là kiểu mà các mối liên hệ có điều kiện và các quá trình phân biệt được hình thành nên một cách nhanh chóng và chính xác. Trẻ em thuộc kiểu này thường bình tĩnh, làm bài ở nhà đúng lúc, luôn biểu hiện thái độ tháo vát với mọi công việc, nhanh chóng xác định được phương hướng trong hoàn cảnh mới. Với các trẻ loại này, khi tham gia vào hoạt động giáo dục nói chung, các em thường nhanh chóng nắm bắt được các yêu cầu của hoạt động.

– Kiểu ý là kiểu mà các phản xạ cũng như các quá trình phân biệt được hình thành nên một cách chậm chạp và khó khăn. Trẻ em thuộc kiểu này ít có sáng kiến, dễ khuyên bảo, tính trầm lặng, kèm hứng thú đối với môi trường bên ngoài; nhiều trẻ thuộc loại này thường học kém; khi tham gia các hoạt động giáo dục, các em thường chậm chạp, không linh hoạt.

– Kiểu ức chế là kiểu mà các mối liên hệ phản xạ có điều kiện hình thành khó khăn, còn các quá trình phân biệt lại được tạo nên một cách dễ dàng. Các trẻ thuộc kiểu này thường trầm tĩnh, có thể tập trung chú ý vào công việc cần làm, nhưng lại khó chuyển sang các loại hoạt động mới. Đối với trẻ thuộc kiểu này, mỗi khi thay đổi các hình thức hoạt động giáo dục cần phải giải thích rõ các yêu cầu của hoạt động;

– Kiểu hưng phấn thể hiện tiêu biểu ở sự nhẹ nhàng và nhanh chóng hình thành các phản xạ có điều kiện, còn các quá trình phân biệt thì lại hình thành chậm và khó khăn. Các trẻ loại này không bình tĩnh trong học tập, rất linh hoạt, hay nói và chú ý không bền vững. Với các trẻ thuộc loại này, hoạt động giáo dục phải luôn thay đổi hình thức để tạo sức hấp dẫn đối với các em.

3. Hoạt động chủ đạo của trẻ em ở lứa tuổi tiểu học đã chuyển từ vui chơi sang học tập. Song nhu cầu vui chơi ở các em vẫn còn rất lớn. Thông thường, vẫn gặp những trẻ chưa quen với nỗ lực trí tuệ: Chúng chỉ có thể giải quyết một nhiệm vụ nào đó được đặt ra trên lớp khi nhiệm vụ đó mang tính chất trò chơi. HĐGDNGLL cần tạo ra nhiều sân chơi cho HS, giúp cho các em được chơi mà học, học mà chơi – phù hợp với lứa tuổi của các em.

4. Khả năng tri giác và quan sát hiện thực bên ngoài của HS tiểu học đã được phát triển nhưng chưa hoàn thiện. Các em tri giác những đối tượng bên ngoài một cách thiếu chính xác, phân biệt trong các đối tượng đó không phải những dấu hiệu và đặc điểm cơ bản mà chỉ là những dấu hiệu và đặc điểm ngẫu nhiên. Vì vậy, trong các hoạt động giáo dục cho HS, việc sử dụng đúng đắn phương pháp trực quan, tăng cường sử dụng kênh hình sẽ giúp phát triển khả năng quan sát của trẻ em lứa tuổi tiểu học.

5. Tính hiện thực là đặc điểm tiêu biểu đối với sự tưởng tượng của HS tiểu học. Sự tưởng tượng của trẻ em ở lứa tuổi này thể hiện ở chỗ mang nhiều yếu tố nhớ lại đơn giản và mang tính chất bắt chước. Các nội dung giáo dục qua HĐGDNGLL phải gắn bó chặt chẽ với cuộc sống này của HS, phải lấy chất liệu từ cuộc sống thực của các em.

6. Điều cần chú ý đối với HS tiểu học là các em tiến hành hoạt động của mình chỉ dựa vào các mục đích trước mắt, còn các mục đích lâu dài thì các em còn chưa thể hiểu được. Vì vậy, khi xác định mục tiêu giáo dục HS, nhà giáo dục phải phân chia mục tiêu đó là thành một số mục tiêu cụ thể, dễ hiểu và gần gũi đối với các em.

7. HS tiểu học rất đa cảm, dễ xúc động. Các hình thức hoạt động như diễn tiểu phẩm, sắm vai… về những chủ đề giáo dục gây cho trẻ một hứng thú đặc biệt. Các em hoạt động một cách hào hứng, nhiệt thành và luôn mong chờ những hoạt động tiếp theo.

8. Sự chú ý của HS tiểu học còn chưa bền vững. Các em không thể tập trung làm việc trong thời gian dài; dễ bị sao nhãng; sự chú ý bền vững không lâu, đặc biệt là vào đầu giờ học. HS lớp Một, đến năm hcọ chỉ có thể tập trung làm việc từ 5 – 7 phút. Đến cuối năm học, thời gian chú ý làm việc tăng đến 20 – 26 phút. Ở HS lớp Bốn, lớp Năm sự chú ý có thể được duy trì mà không có mệt mỏi, nhà giáo dục cần phải nắm được đặc điểm này để thiết kế các hoạt động một cách đa dạng, thu hút sự chú ý của HS.

III. MỤC TIÊU HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC NGOÀI GIỜ LÊN LỚP Ở LỚP 5

HĐGDNGLL ở lớp 5 nhằm:

– Góp phần củng cố, khắc sâu và phát triển những kiến thức HS lớp 5 đã được học qua các môn văn hóa.

– Tạo cơ hội HS lớp 5 được tham gia vào đời sống cộng đồng, vận dụng những kiến thức đã được vào trong cuộc sống thực tiễn. Trên cơ sở đó, phát triển vốn tri thức về các lĩnh vực đời sống xã hội cho HS; góp phần phát triển toàn diện nhân cách cho các em.

– Tạo cơ hội cho HS được thực hành, trải nghiệm trong các tình huống của cuộc sống, phát triển ở HS các kĩ năng sống cần thiết, phù hợp với lứa tuổi như: kĩ năng trình bày suy nghĩ/ý tưởng, kĩ năng lắng nghe tích cực, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng tìm kiếm và xử lí thông tin, kĩ năng tư duy phê phán, kĩ năng tư duy sáng tạo, kĩ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề, kĩ năng tìm kiếm sự hỗ trợ, kĩ năng ứng phó với căn thẳng, kĩ năng xác định mục tiêu, kĩ năng lập kế hoạch, kĩ năng hợp tác nhóm.

– Tạo cơ hội cho HS được thực hành, trải nghiệm trong các tình huống của cuộc sống, phát triển ở HS các kĩ năng sống cần thiết, phù hợp với lứa tuổi như: kĩ năng trình bày suy nghĩ/ý tưởng, kĩ năng lắng nghe tích cực, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng tìm kiếm và xử lí thông tin, kĩ năng tư duy phê phán, kĩ năng tu duy sáng tạo, kĩ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề, kĩ năng tìm kiếm sự hỗ trợ, kĩ năng ứng phó với căng thẳng, kĩ năng xác định mục tiê, kĩ năng lập kế hoạch, kĩ năng hợp tác nhóm…

IV. NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC NGOÀI GIỜ LÊN LỚP CHO HỌC SINH LỚP 5

Nội dung HĐGDNGLL ở lớp 5 bao gồm 9 chủ đề lớn theo từng tháng, từ tháng 9 năm trước đến tháng 5 năm sau, dựa trên Văn bản hướng dẫn tạm thời của Vụ Giáo dục Tiểu học. Đây cũng là 9 chủ đề được thực hiện đồng tâm từ lớp 1 đến lớp 5. Đó là:

Chủ đề tháng 9: Mái trường thân yêu của em.

Chủ đề tháng 10: Vòng tay bạn bè

Chủ đề tháng 11: Biết ơn thầy giáo, cô giáo

Chủ đề tháng 12: Uống nước nhớ nguồn

Chủ đề tháng 1: Ngày Tết quê em

Chủ đề tháng 2: Em yêu Tổ quốc Việt Nam

Chủ đề tháng 3: Yêu quý mẹ và cô giáo

Chủ đề tháng 4: Hòa bình và hữu nghị

Chủ đề tháng 5: Bác Hồ kính yêu

Hình thức tổ chức HĐGDNGLL ở lớp 5 rất phong phú, đa dạng, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi và nhu cầu hoạt động của HS lớp 5, phù hợp với đặc điểm, điều kiện các trường tiểu học Việt Nam hiện nay như: giao lưu văn nghệ; thi đấu thể thao, chơi các trò chơi dân gian; giao lưu với HS các lớp khác, trường khác; viết báo tường; diễn tiểu phẩm; tổ chức các ngày Hội; thi hùng biện; thi viết chữ đẹp; tìm hiểu về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, về văn hóa các dân tộc; về ngày Nhà giáo Việt Nam; tham gia các hoạt động nhân đạo; bày cỗ Trung thu…

Mỗi chủ đề sẽ bao gồm 3 – 4 hoạt động để GV tham khảo, lựa chọn và vận dụng sáng tạo trong quá trình tổ chức HĐGDNGLL cho HS lớp 5. Cụ thể là:

Tháng Chủ đề Các hoạt động
9 Mái trường thân yêu của em 1. Lễ khai giảng 2. Xây dựng Sổ truyền thống lớp em 3. Bày cỗ Trung Thu 4. Giao lưu tuyên truyền viên giỏi về An toàn giao thông.
10 Vòng tay bạn bè 1. Trò chơi “Trái bóng yêu thương” 2. Tiểu phẩm “Dế Mèn bênh vực kẻ yếu” 3. Kết bạn cùng tiến 4. Tham gia các hoạt động nhân đạo
11 Biết ơn thầy giáo, cô giáo 1. Viết thư, gửi thiếp chúc mừng thầy cô giáo cũ. 2. Tìm hiểu về ngày Nhà giáo Việt Nam 20 – 11. 3. Hát về thầy cô giáo em 4. Ngày hội môi trường
12 Uống nước nhớ nguồn 1. Tìm hiểu về ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và ngày Quốc phòng toàn dân 22 – 12. (Theo hình thức giải Ô chữ) 2. Giao lưu với các cựu chiến binh ở địa phương. 3. Em làm công tác Trần Quốc Toản
1 Ngày Tết quê em 1. Tiểu phẩm “Táo quân chầu trời” 2. Ngày hội “Khéo tay hay làm” 3. Hội khai bút đầu xuân (thi viết chữ đẹp) 4. Tết trồng cây
2 Em yêu Tổ quốc Việt Nam 1. Giao lưu tìm hiểu về Đảng Cộng sản Việt Nam (theo hình thức Rung chuông vàng) 2. Giao lưu văn nghệ “mừng Đảng – mừng Xuân” 3. Thi hùng biện về chủ đề “Việt Nam – Tổ quốc em”. 4. Thi các trò chơi dân gian.
3 Yêu quý mẹ và cô giáo 1. Làm bưu thiếp chúc mừng bà, mẹ và các chị em gái. 2. Tổ chức ngày hội chúc mừng cô giáo và các bạn gái. 3. Giao lưu nữ sinh xuất sắc 4. Hội trại 26 – 3.
4 Hòa bình và hữu nghị 1. Tìm hiểu về văn hóa các dân tộc 2. Ngày hội hòa bình, hữu nghị 3. Tìm hiểu về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. 4. Giao lưu với thiếu nhi các lớp khác, trường khác, địa phương khác.
5 Bác Hồ kính yêu 1. Thi tìm hiểu về cuộc đời hoạt động Cách mạng của Bác Hồ. 2. Chúng em viết về Bác Hồ kính yêu 3. Liên hoan văn nghệ kỉ niệm sinh nhật Bác Hồ và ngày thành lập Đội thiến niên Tiền phong Hồ Chí Minh. 4. Lễ ra trường

Một số điểm cần lưu ý:

1) Các hoạt động được trình bày ở ma trận trên cũng như trong phần thứ hai của tài liệu không mang tính bắt buộc mà chỉ là những hoạt động gợi ý. GV cần căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh thực tế của nhà trờng, lớp học mà lựa chọn sử dụng linh hoạt các hoạt động này trong quá trình tổ chức hoạt động cho HS, tránh áp dụng một cách cứng nhắc, máy móc.

2) Mỗi tháng chỉ nên tổ chức 1 hoạt động có tính chất và quy mô lớn như: giao lưu, tổ chức các ngày hội…

3) Ngoài các hoạt động trên, GV còn có thể tổ chức HS chơi các trò chơi dân gian phù hợp với lứa tuổi, tham gia Hội khỏe Phù Đổng, tham gia các câu lạc bộ tự chọn theo sở thích của các em như:

– Câu lạc bộ bóng đá, bóng bàn, võ thuật,…;

– Câu lạc bộ các nhà khoa học trẻ;

– Câu lạc bộ các nghị sĩ trẻ;

– Câu lạc bộ môi trường xanh;

– Câu lạc bộ những người làm vườn giỏi, những người yêu súc vật;

– Câu lạc bộ những người yêu hội hoa, những người yêu thơ;

– Câu lạc bộ các nhà thiết kế thời trang trẻ;

– Câu lạc bộ khéo tay, hay làm;

– Câu lạc bộ tuyên truyền viên trẻ tuổi;

– Câu lạc bộ Tiếng Anh/Tiếng Nga/Tiếng Pháp/Tiếng Trung…;

– Câu lạc bộ Họa Mi/Vàng Anh (dành cho các em thích hát);

– Câu lạc bộ kịch nói, múa rối, múa, hát dân ca…

Các CLB này được tổ chức dựa trên sự đăng kí tự nguyện tham gia của HS và điều kiện thực tế của nhà trường, của GV và phụ huynh học sinh (PHHS). Các CLB nên tổ chức theo quy mô trường, sinh hoạt khoảng 2 lần/tháng. Mỗi CLB nên có một Ban chủ nhiệm (gồm 1 GV, đại diện HS, đại diện PHHS) để điều hành các hoạt động, một Ban cố vấn để hỗ trợ các vấn đề chuyên môn cho các em (gồm GV, các PHHS am hiểu về lĩnh vực hoạt động của CLB và một số chuyên gia khác). Kinh phí hoạt động của CLB chủ yếu do các hội viên đóng góp. Còn địa điểm sinh hoạt và các trang thiết bị âm thanh, ánh sáng,… sẽ mượn của nhà trường.

V. THIẾT KẾ VÀ TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC NGOÀI GIỜ LÊN LỚP CHO HỌC SINH LỚP 5

1. Thiết kế hoạt động

Một HĐGDNGLL thường được thiết kế bao gồm các mục sau:

Tên hoạt động:………

1. Mục tiêu hoạt động (Xác định rõ HS cần đạt được gì sau hoạt động).

2. Thời lượng (Dự kiến thời lượng cần thiết để thực hiện hoạt động).

3. Quy mô hoạt động (Xác định rõ hoạt động được tổ chức theo nhóm, theo tổ, theo lớp, khối lớp hay theo trường, cụm trường).

4. Tài liệu và phương tiện (Xác định rõ những tài liệu, phương tiện cần thiết để thực hiện hoạt động).

5. Các bước tiến hành (Xác định rõ các bước tiến hành hoạt động).

6. Tư liệu tham khảo (Tùy nội dung từng hoạt động, tư liệu có thể bao gồm các bài hát, bài thơ, ca dao, tục ngữ, danh ngôn, câu đố, trò chơi, tranh, ảnh, tình huống, kịch bản tiểu phẩm/băng hình, truyện, thông tin, sự kiện thực tế; trường hợp điển hình…)

2. Tổ chức hoạt động

Tổ chức mọi HĐGDNGLL thường bao gồm các bước cơ bản sau:

Bước 1: Chuẩn bị

Ở bước này, GV cần phổ biến để HS nắm được mục đích, nội dung, yêu cầu của hoạt động và hướng dẫn các em chuẩn bị các tư liệu, phương tiện và vốn kiến thức cần thiết để thực hiện hoạt động (Ví dụ như: chuẩn bị tập các tiết mục để tham gia liên hoan văn nghệ, chuẩn bị ôn kiến thức để tham gia Hội vui học tập, chuẩn bị trang phục hóa trang để tham gia ngày Hội hóa trang,…). Tuy nhiên, tùy theo tính chất hoạt động, thời gian dành cho HS chuẩn bị có thể dài (một vài tuần) hay ngắn (một vài ngày). Thậm chí có những hoạt động đơn giản có thể không cần phải chuẩn bị trước.

Quá trình chuẩn bị hoạt động của HS có thể thực hiện ở lớp, ở trờng hoặc thực hiện ở nhà.

Bước 2: Tiến hành hoạt động

Tùy quy mô và tính chất hoạt động, địa điểm tổ chức hoạt động có thể là lớp học, hội trường, sân trường, phòng truyền thống của trường hoặc ở một địa điểm ngoài nhà trường. Bước này thường bao gồm một số bước nhỏ sau:

1) Tuyên bố lí do, giới thiệu tên hoạt động, mục đích, ý nghĩa của hoạt động

2) Phổ biến nội dung, cách thức, yêu cầu hoạt động.

3) HS thực hiện hoạt động

Bước 3: Tổng kết, đánh giá hoạt động

GV cần phải tổ chức cho HS tham gia đánh giá hoạt động, bình chọn các nhóm, cá nhân HS có ý thức và có kết quả hoạt động tốt. Việc đánh giá hoạt động phải công khai, công bằng, chính xác. Nên có phần thưởng, dù nhỏ để động viên khích lệ HS.

Kết thúc hoạt động, GV nên tổng kết lại ý nghĩa giáo dục của hoạt động và dặn dò, giao nhiệm vụ cho HS chuẩn bị cho hoạt động tiếp theo.

VI. CÁC ĐIỀU KIỆN ĐỂ TỔ CHỨC CÓ HIỆU QUẢ CÁC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC NGOÀI GIỜ LÊN LỚP CHO HỌC SINH LỚP 5

Để tổ chức các HĐGDNGLL cho HS lớp 5 đạt hiệu quả, cần có một số điều kiện sau:

– Các GV, cán bộ quản lí, cán bộ chỉ đạo tiểu học và PHHS phải có nhận thức đúng và đầy đủ về tầm quan trọng của việc tổ chức các HĐGDNGLL co HS lớp 5, tạo điều kiện thuận lợi cho HS tham gia các HĐGDNGLL.

– GV, Tổng phụ trách, Phụ trách đội và những người có trách nhiệm tổ chức HĐGDNGLL cho HS phải nhiệt tình và có năng lực thiết kế hoạt động, năng lực tổ chức cho HS tham gia hoạt động và năng lực đánh giá hoạt động. Muốn vậy, họ cần phải được đào tạo một cách bài bản trong các trường sư phạm, đồng thời thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, được cung cấp đầy đủ các tài liệu cần thiết, được tạo cơ hội để giao lưu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp.

– Học sinh lớp 5 đã bước đầu có những kiến thức và kinh nghiệm sống nhất định. Vì vậy, trong quá trình tổ chức hoạt động, GV cần huy động và khai thác tối đa vốn hiểu biết và kinh nghiệm sống đã có của HS. GV cần tạo cơ hội cho HS được chủ động suy nghĩ, bày tỏ ý tưởng, bảo vệ các ý tưởng và thực hành các ý tưởng hoạt động của các em với sự cố vấn, giúp đỡ của nhà giáo dục. Các em cần được tạo điều kiện cùng thầy, cô giáo và bạn bè tham gia vào tất cả các khâu của quá trình hoạt động, từ xây dựng kế hoạch hoạt động, tiến hành hoạt động đến đánh giá kết quả hoạt động.

– Để tổ chức được các HĐGDNGLL phong phú, đa dạng, hấp dẫn, lôi cuốn HS, nhà trường cần được cấp kinh phí và trang bị một số phương tiện, trang thiết bị cần thiết cho các hoạt động như:

+ Các sách tham khảo và tài liệu hướng dẫn GV;

+ Tranh ảnh, băng/đĩa hình, đĩa tiếng;

+ Loa, đài, tăng âm, micro, đầu đĩa VCD, DVD;

+ Giấy to, bút màu, nhạc cụ;

+ Hội trường, phòng, sân bãi để tổ chức các hoạt động;

+ Các phương tiện để tổ chức các trò chơi, để luyện tập và thi đấu thể dục thể thao, các nhạc cụ, trang thiết bị âm thanh để biểu diễn văn nghệ…

– Sự tham gia và ủng hộ cả về vật chất và tinh thần của chính quyền địa phương, cộng đồng và đặc biệt là PHHS cũng là điều kiện rất cần thiết để tổ chức các HĐGDNGLL cho HS có hiệu quả.

Còn tiếp phần II

Ngọc Sơn (tổng hợp)