Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của giáo viên từ năm 2021

Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên làm việc trong điều kiện bình thường.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu. Theo đó, đối tượng giáo viên sẽ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình như sau:

Kể từ ngày 1.1.2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Giáo viên làm việc trong điều kiện bình thường, bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định trên.

Ngoài ra, giáo viên cũng có thể về hưu trước tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp:

Nghỉ hưu trước tuổi (về hưu ở tuổi thấp hơn) nếu giáo viên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước 1.1.2021. Có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi quy định nêu trên;

Trường hợp giáo viên bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81% được về hưu khi đủ 55 tuổi 3 tháng với nam và 50 tuổi 4 tháng với nữ;

Trường hợp giáo viên bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, tuổi nghỉ hưu được tính là đủ 50 tuổi 3 tháng với nam, 45 tuổi 4 tháng với nữ.

Bên cạnh đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thống kê tới thời điểm này có khoảng 3 triệu người đang làm các công việc ở 1.810 nghề thuộc nhóm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Nhóm này cũng có thể được nghỉ hưu sớm. Trong nhóm này có đối tượng là giáo viên đang dạy thể dục, thể thao tại các khoa, trường chuyên thể dục, thể thao.

Những giáo viên này được xếp vào nhóm có điều kiện lao động loại IV, thường xuyên làm việc ngoài trời, cường độ làm việc cao, tiêu hao năng lượng lớn, căng thẳng thần kinh tâm lý. Theo Bộ luật Lao động sửa đổi, thì thầy cô có quyền nghỉ hưu sớm 5 năm so với quy định.

Ngoài ra, trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, những người làm các công việc liên quan đến thí nghiệm vật lý hạt nhân, thí nghiệm phóng xạ… cũng được xếp vào nhóm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Còn lại, hàng triệu giáo viên, viên chức đang công tác trong ngành giáo dục được coi là làm việc trong điều kiện bình thường và sẽ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình quy định tại Nghị định 135/2020/NĐ-CP từ năm 2021.

Trước đó, nhiều giáo viên mầm non đã bày tỏ băn khoăn, cho rằng họ khó có thể làm nghề ở tuổi 45-50. Do đặc thù công việc của giáo viên mầm non phải múa hát, dạy dỗ cho trẻ, khi tuổi cao, sức yếu, họ không thể nhảy và hát múa cho trẻ như những cô giáo trẻ tuổi được.

Thầy cô kiến nghị nên đưa nghề giáo viên mầm non vào danh mục các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm và được nghỉ hưu sớm hơn quy định.

BÍCH HÀ/ Nguồn: https://laodong.vn/giao-duc/