KỸ NĂNG GIÚP VƯỢT QUA CĂNG THẲNG

Trong cuộc sống chúng ta hay bị buồn phiền, lo lắng, căng thẳng do những áp lực từ việc học tập, gia đình. Quan trọng là các em cần được trang bị cho bản thân những kỹ năng cần thiết để vượt qua căng thẳng.

1. Nhận diện những tình huống căng thẳng

Trong cuộc sống, có nhiều tình huống gây căng thẳng.

Có nhiều bài tập, nhiều việc, nhiều nhiệm vụ chưa hoàn thành;

Làm bài thi, bài kiểm tra học kì;

Bị bạn bè/thầy cô giáo/cha mẹ hiểu lầm;

Bị mắng/bị trách phạt oan; mâu thuẫn với bạn bè;

Bị dọa dẫm, bắt nạt; …

2. Những tác hại khi bị căng thẳng

Khi bị căng thẳng, chúng ta thường thấy đau đầu, tức ngực, khó thở, tim đập nhanh, mệt mỏi, mất ngủ, ăn không ngon, ngủ hay bị ác mộng, cảm thấy lo lắng, giận dữ, tuyệt vọng, buồn bã, chán nản, hoảng hốt,… ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, học tập và công việc của bản thân.

3. Những phản ứng khi căng thẳng

Có nhiều cách ứng phó khi căng thẳng.

 Những cách ứng phó tích cực, giúp chúng ta vượt qua được căng thẳng, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập và công việc của bản thân và những người xung quanh như: tập thể dục, thể thao; đi dạo; đi du lịch; đi bơi; tâm sự, tìm kiếm sự hỗ trợ của bạn bè, thầy cô giáo, người thân; nghe nhạc; làm một công việc yêu thích…

 Những cách ứng phó tiêu cực, làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, học tập và công việc của bản thân và những người xung quanh như: đánh đập, xúc phạm danh dự người khác; đập phá tài sản của bản thân/người khác; uống rượu; sử dụng ma túy; bỏ học; bỏ nhà đi bụi; tự hành hạ bản thân;…

4. Bài tập Thực hành xử lý các tình huống

HS biết lựa chọn cách ứng phó phù hợp khi căng thẳng

BÀI TẬP ỨNG PHÓ TÌNH HUỐNG CĂNG THẲNG

Đọc kỹ các tình huống để lựa chọn cách xử lý ngắn gọn và hiệu quả nhất.

5. Thực hiện bài tập Viên bi căng thẳng

Em hãy chuẩn bị một ít bi ve nhiều màu. Một lọ đựng bi. Trên lọ sẽ gạch các cột mốc. Trên các cột mốc sẽ ghi các cách giải toả căng thẳng mà em thấy hiệu quả. Cột mốc càng xa đáy lọ thì cách giải toả căng thẳng càng tăng dần hiệu quả.

Mỗi khi em cảm thấy lo lắng, mệt mỏi, bất an hay căng thẳng em hãy cho vào lọ một viên bi. Số bi đầy đến mốc nào thì thực hiện hành vi giải toả căng thẳng ở mốc đó.

Ví dụ: Với mốc thứ nhất em thực hiện việc hít thở sâu khi căng thẳng. Ở mốc thứ 2 em có thể xem một bộ phim hay. Hay ở mốc thứ 3, em đi ra ngoài ăn một món thật ngon, v..v… Đây cũng là một mẹo nhỏ giúp em kiểm soát được sự căng thẳng của bản thân.

Theo CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CÔNG TY GAIA