Cứ đến Tết, hầu như nhà ai cũng có bánh chưng và bánh giầy đặt trên bàn thờ và mâm cỗ gia đình. Điều đó thể hiện cho trời và đất ôn hoà ngày đầu xuân và cũng cầu chúc cho một năm sung túc vui vầy.
Ngày Tết, trong thực đơn gia đình sẽ hội tụ rất nhiều các món ăn ngon với đủ hương, vị và sắc màu. Tuy nhiên, em cần biết ăn uống khoa học, đủ dinh dưỡng mà không bị tăng cân, béo phì và mệt mỏi.
Ăn đủ bữa, đúng giờ, không ăn quá no trong mỗi bữa,
Kết hợp nhiều rau xanh và hoa quả để bổ sung vitamin và chất xơ.
Khi ăn các thức ăn nhiều đạm như: Bánh chưng, thịt gà, giò… em nên ăn kèm với dưa hành củ kiệu để tránh khó tiêu, đầy hơi.
Nên ăn đồ tươi, nóng hàng ngày, cẩn thận với đồ ăn nguội như chân giò hun khói, giò, chả, lạp xưởng, bò khô, tôm khô, xúc xích, dăm bông…
Hạn chế uống nước giải khát có gas.
Kết hợp nghỉ ngơi đúng giờ để đảm bảo sức khỏe và không quên vận động cơ thể để giải phóng năng lượng
Một số cách ứng xử lịch sự trong ăn uống ngày tết
Trong bữa ăn gia đình
+ Nên dành thời gian phụ giúp bà, mẹ, hoặc chị cùng chuẩn bị bữa cơm cho gia dình
+ Có mặt đúng giờ, không để mọi người trong gia đình phải chờ đợi. Vì lí do không thể cùng ăn cơm với gia đình thì phải báo trước để gia đình không phải chờ đợi, lo lắng.
+ Ưu tiên cho khách, ông, bà hoặc những người lớn tuổi ngồi trang trọng, phù hợp.
+ Trước khi ăn, để dành riêng phần cơm và thức ăn cho những người vì lí do nào đó phải ăn sau. + Mời cơm trước khi ăn và biết ăn uống sạch sẽ, từ tốn.
+ Cuối bữa ăn, nên cùng các thành viên khách dọn dẹp bàn ăn, chén bát, phân loại rác, …
Khi tham dự một bữa tiệc
+ Đến ăn đúng giờ không để mọi người phải chờ đợi
+ Khi vào bàn ăn, đợi cho chủ nhà và những người đáng kính vào bàn trước, rồi ta mới vào sau.
+ Khi ngồi vào bàn ăn không nên chồm mình qua bàn, đặt cùi chỏ lên bàn, hoặc đặt chân lên ghế… đó là những hành động thể hiện sự thiếu tinh tế và không tôn trọng người khác.
+ Khi ăn phải chờ người trên cầm đũa trước ta mới ăn và phải mời cơm.
+ Ăn uống nhẹ nhàng, từ tốn, chừng mực. Không và cơm “lia lịa” hay húp canh “sùm sụp”.
+ Trong bát (chén) còn thức ăn thì không nên lấy thêm món khác.
+ Khi gắp thức ăn không nên lựa chọn, xáo trộn thức ăn trong đĩa ăn chung. Hãy gắp một miếng gần tay mình nhất.
+ Không dùng thìa (muỗng) riêng để múc canh trong tô chung.
+ Trong khi ăn không nên nói chuyện quá nhiều, cũng không nên cứ cắm cúi ăn mà không chú ý đến những người xung quanh.
+ Cuối bữa ăn nên đến chào và cảm ơn chủ nhà.
Khi đi ăn buffet (tiệc đứng)
+ Buffet là tiệc đứng, nghĩa là người tham gia bữa tiệc có thể đi lại, tự chọn món ăn, đứng ngồi tùy thích khi ăn uống.
+ Giữ trật tự, xếp hàng chờ đợi người đến trước lấy đồ ăn xong mới đến lượt mình.
+ Cầm đĩa thức ăn hoặc ly nước trong tay, di chuyển chậm và cẩn thận để tránh va chạm với người khác.
+ Thử trước một ít với món ăn lạ, nếu nếm thử thấy hợp khẩu vị thì mới lấy nữa.
+ Cùng một lúc không nên lấy quá 2 đĩa thức ăn, mỗi đĩa không quá 2 – 3 món, số lượng thức ăn vừa đủ.
Theo CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CÔNG TY GAIA