Không phê bình học sinh trước lớp: Quy định nhân văn

Ảnh minh họa/internet

NGƯT Tô Ngọc Sơn (Trường tiểu học Chu Văn An, Đồng Tháp) cho rằng, việc không còn hình thức kỷ luật phê bình học sinh trước lớp, trước trường; không còn ghi cảnh cáo vào học bạ được quy định tại Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học mang tính nhân văn sâu sắc.

“Tôi đã trực tiếp giảng dạy 25 năm qua, đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trước sự ngây ngô của bọn trẻ; cũng từng có ấn tượng sâu sắc với những hình thức kỷ luật dành cho các em, để rồi bài học nhận được cho riêng mình cần phải có cách giáo dục hợp lí hơn, phải nâng mình lên tầm cao mới” – NGƯT Tô Ngọc Sơn chia sẻ.

Cho rằng sự khuyến khích, động viên, hình thức kỷ luật tích cực sẽ giúp trẻ tiến bộ hơn cách sử dụng phê bình, chỉ trích, khiển trách, NGƯT Tô Ngọc Sơn cũng cho rằng, để làm được điều này, giáo viên cũng cần trau đồi kỹ năng sư phạm bên cạnh chuyên môn; phải tự mình thay đổi.

“Vai trò người giáo viên vô cùng quan trọng”, nhấn mạnh điều này, NGƯT Tô Ngọc Sơn cho rằng, đầu tiên, người thầy cần vững chuyên môn, truyền tải lượng kiến thức cần thiết đến học sinh một cách nhanh gọn, dễ hiểu, dễ làm. Cùng với đó là cách xử lý các tình huống sư phạm, làm sao để học sinh được động viên, không làm các em mặc cảm, mất tự tin, mất đi động lực học tập. Đặc biệt, người thầy cần trau dồi đạo đức, để tất cả học sinh tâm phục, khẩu phục tận đáy lòng.

NGƯT Tô Ngọc Sơn cho rằng, song hành với việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa, Bộ GD&ĐT cũng đã từng bước thay đổi nhận thức của giáo viên các cấp học. Việc này bước đầu đã nhận được những tín hiệu khả quan, điển hình là việc tiếp cận và hoàn thành hoạt động tự học, tự bồi dưỡng một cách đồng bộ chương trình giáo dục phổ thông lớp 1 và cách thức sử dụng hiệu quả sách giáo khoa, tạo cái nhìn đúng đắn cho toàn xã hội. Cùng với đó, những quy định mới đã được ban hành phù hợp với nhu cầu phát triển, mang tính giáo dục cao.

HB/ Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/