Học sinh Hà Nội học trực tuyến qua truyền hình. Ảnh minh họa
GD&TĐ – Nếu được ban hành, dự thảo Thông tư quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên sẽ là văn bản pháp quy đầu tiên về dạy học trực tuyến ở phổ thông. Đây là lý do quan trọng khiến các nhà giáo đón nhận dự thảo này với rất nhiều kỳ vọng.
Cần được công nhận chính thức
Trong thời gian tạm dừng đến trường vì dịch Covid-19, dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình góp công rất lớn giúp ngành Giáo dục thực hiện thành công chủ trương “tạm dừng đến trường, không dừng học”. Khó khăn bộn bề, nhưng các trường vẫn hoàn thành chương trình đúng theo kế hoạch. Cũng trong thời gian này, ý nghĩa, hiệu quả của dạy học trực tuyến chưa bao giờ thể hiện rõ ràng và mạnh mẽ đến như vậy.
Là một giáo viên, giờ là cán bộ quản lý tiếp cận với dạy học trực tuyến từ khá sớm, ông Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Ngọc, TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) trăn trở vì đến nay vẫn chưa có một văn bản cụ thể mang tính pháp quy về dạy học trực tuyến. Bởi vậy, dạy học trực tuyến vẫn chỉ được coi là hình thức dạy học tự phát, chưa được công nhận về kết quả dạy học, sản phẩm học tập như dạy học truyền thống, mặc dù kết quả mà nó đem lại không hề nhỏ. Chính vì chưa được công nhận, nên sự nhìn nhận của phụ huynh, xã hội đối với dạy học trực tuyến cũng chưa được đầy đủ, đặc biệt là việc công nhận giá trị mà nó đem lại cho giáo dục nói chung và đối với người học nói riêng.
“Trên thực tế, hầu hết việc dạy học trực tuyến là tự phát, xuất phát từ nhu cầu thực tế, từ đam mê và sự sáng tạo cá nhân đơn lẻ, chưa có được hệ thống đào tạo hoặc tập huấn bài bản. Do vậy, việc cập nhật các công cụ dạy học, kỹ năng dạy học trực tuyến chưa có hoặc rất ít, từ đó ảnh hưởng không nhỏ tới việc đổi mới trong dạy học trực tuyến. Đối với người học, việc chưa được công nhận kết quả học tập ảnh hưởng tới động cơ học thông qua hình thức trực tuyến. Việc định hướng, cập nhật những năng lực, kỹ năng học trực tuyến còn hạn chế do dạy học trực tuyến chưa trở thành một hình thức dạy học phổ biến” – ông Đào Chí Mạnh cho hay.
Cũng với băn khoăn tương tự, bà Hoàng Thị Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội) nhắc đến những khó khăn trong quá trình triển khai hình thức dạy học này khi thiếu văn bản pháp quy: Một số giáo viên chưa nhận thức dạy học trực tuyến là cần thiết nên chưa thực sự vào cuộc. Dạy học trực tuyến chỉ thực hiện chủ yếu ở đội ngũ giáo viên trẻ, có trình độ tin học; do vậy, một số bộ môn, một số lớp, việc dạy học trực tuyến bị hạn chế. Trình độ tin học của giáo viên không đồng đều, đặc biệt là giáo viên lớn tuổi, không khai thác hết các tính năng của phần mềm, học liệu điện tử… dẫn đến chất lượng các giờ dạy không cao…
Từ nhu cầu thực tiễn dạy học, từ hiệu quả dạy học trực tuyến đã được minh chứng trong thời gian qua, việc có một văn bản pháp quy, giúp dạy học trực tuyến trở thành hình thức dạy học chính thống không chỉ cần thiết mà đã là cấp thiết.
Một giờ dạy trực tuyến tại Trường THPT Kim Liên (Nghệ An).
Hình thức dạy học nhiều tiềm năng
“Nghiên cứu dự thảo Thông tư ban hành quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, tôi thấy những khó khăn nói trên được giải quyết”. Chia sẻ điều này, ông Đào Chí Mạnh phân tích: Nếu được ban hành, Thông tư là văn bản đáp ứng kịp thời cho một hình thức dạy học rất tiềm năng và có thể đem lại nhiều cơ hội cho người dạy, người học. Dạy học trực tuyến sẽ được công nhận như một hình thức dạy học chính thống; từ chương trình, phương pháp đến kết quả học tập của người học. Trách nhiệm của các cấp thẩm quyền, cơ sở giáo dục trong việc xây dựng, phát triển mô hình dạy học trực tuyến phù hợp với đơn vị mình được nêu rõ trong văn bản dự thảo.
“Với văn bản này, các đơn vị sẽ có căn cứ để vận dụng, phát huy sự sáng tạo của giáo viên. Qua đó, xây dựng một số năng lực cho học sinh như năng lực tự học, giải quyết vấn đề và sáng tạo, ngôn ngữ và giao tiếp, công nghệ. Việc dạy học trực tuyến nếu được quan tâm và hiểu đúng mức sẽ có thể phát triển như là một hình thức dạy học song hành với dạy học truyền thống; thậm chí có thể nở rộ và đem lại những giá trị đột phá ở những cơ sở giáo dục mà người đứng đầu quan tâm và đội ngũ giáo viên có tiềm năng trong đổi mới hình thức dạy học, áp dụng công nghệ thông tin” – ông Đào Chí Mạnh kỳ vọng.
Dạy học trực tuyến bằng Zoom đã được thực hiện khá phổ thông.
Cùng quan điểm, bà Hoàng Thị Yến khẳng định: Thông tư được ban hành là hết sức cần thiết, trở thành hành lang pháp lý để các nhà trường chỉ đạo, tổ chức, triển khai dạy học trực tuyến đến giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh. Ban giám hiệu, giáo viên, nhân viên, học sinh được xác định rõ quyền, nhiệm vụ trong việc tham gia dạy học trực tuyến. Không chỉ vậy, đây còn là căn cứ để đánh giá chất lượng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên.
Góp ý cho dự thảo, bà Hoàng Thị Yến cho rằng: Dự thảo mới đề cập việc dạy học văn hóa, nên đề nghị bổ sung nội dung giáo dục đạo đức, quy định về việc xử lý đối với học sinh vi phạm. Cùng với đó, cần làm rõ cách đánh giá học sinh bằng hình thức trực tuyến; làm rõ trong trường hợp học sinh không đến trường, việc tính tiết tối thiểu/tuần cho giáo viên sẽ như thế nào? Trường hợp học sinh không thể đến trường thì quy định chương trình học điều chỉnh ra sao? Giáo viên, học sinh không có thiết bị dạy học, hoặc nơi ở không có đường truyền, nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến tại trường như thế nào? Việc quy định xếp thời khóa biểu tối đa là bao nhiêu tiết/ngày để bảo đảm sức khỏe cho giáo viên, học sinh?…
Cho rằng, ban hành quy định về dạy học trực tuyến trong thời điểm này là cần thiết, NGƯT Tô Ngọc Sơn (Sở GD&ĐT Đồng Tháp) cũng đồng tình cao với những quy định trong dự thảo. Mong văn bản này sớm được ban hành, NGƯT Tô Ngọc Sơn đề nghị ngành Giáo dục cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh về việc học, cũng như việc sử dụng phần mềm học trực tuyến. Cùng với đó, phối hợp các cấp thúc đẩy nhu cầu sử dụng thiết bị điện tử hỗ trợ phần mềm dạy học trực tuyến.
Thảo Đan/Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/