Bìa cuốn sách.
Cuốn sách “Miền Tây dung dị” (Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, năm 2020) của tác giả Dương Út tập hợp 27 bài phóng sự như những bức họa sống động, dựng nên không gian miền Tây sông nước với nhiều lớp cảnh khác nhau thật bình dị, mộc mạc, để ta yêu thêm cảnh vật, con người quê hương Việt Nam.
Nhà báo Dương Út mới ngoài 30 tuổi, hiện đang công tác tại Báo Đồng Tháp. Sức trẻ cùng với nhiều năm làm báo đã giúp cho Dương Út có nhiều trải nghiệm, được đi, được viết, được gặp gỡ, trao đổi với nhiều người. Cũng chính lợi thế làm báo nên tác giả viết “Miền Tây dung dị” chẳng thể nào mà dung dị hơn, gần gũi hơn. Tất cả lời văn, câu chữ đều toát lên cái vẻ đằm thắm, đôi khi lại rộn ràng, “một chút nhẩn nha với ly rượu đế, một chút tự hào, phóng khoáng với chất anh Hai Nam Bộ”.
Với lối viết mộc mạc, tác giả đã dẫn dắt bạn đọc đi theo hai mảng đề tài, người và đất, quê hương và những ngành nghề đã tạo ra một hồn quê đặc trưng của miền Tây Nam Bộ. Ở “Miền Tây dung dị”, ta bắt gặp rất nhiều con người chân chất, đôn hậu, một lòng sắt son với quê hương. Đó có thể là những người níu giữ ngành nghề truyền thống dệt thổ cẩm Chăm, làm lồng đèn, làm chiếu cói hay gìn giữ những trang sách cổ đầy tri thức. Hoặc, những con người liên nối giữa thời chiến tranh và hiện tại bằng tình đồng đội.
Có thể là những tấm gương người dân chân chất, tham gia thiện nguyện vì cộng đồng của ông Phước “luật sư”, hay ông Huỳnh Khắc Nam-người có số lần hiến máu cứu người cao kỷ lục của miền Tây: 45 lần. Những lão nông, dù kinh tế gia đình chẳng khá giả hơn ai nhưng vẫn hiến hàng ngàn mét vuông đất, góp hàng ngàn công lao động để mở mang trường học, đường sá… làm nông thôn mới ngày càng khởi sắc. Những nông dân gây dựng những thương hiệu nông sản qua mô hình nông sản sạch, hữu cơ như: “Cây xoài nhà tôi”, “cây cam vườn tôi”… Những hình ảnh thiên nhiên đặc trưng của miền Tây cũng hiện lên sinh động qua các bài viết: “Miền Tây đón lũ về”, “Săn chuột đồng miền Tây”…
Một yếu tố đặc biệt để làm nên một “Miền Tây dung dị” thanh bình, an yên như thế, theo Dương Út, đó chính là có sự đồng thuận của ý Đảng, lòng dân. Các cấp ủy đảng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong các việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, các xã đạt được nhiều kết quả hết sức quan trọng. Yếu tố góp phần thành công trong xây dựng nông thôn mới là phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận của nhân dân. Qua phong trào xây dựng nông thôn, còn cho thấy sự đoàn kết, gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân đã làm nên những thắng lợi to lớn.
Với hơn 200 trang sách ngắn gọn, súc tích, với sự chăm chút, tỉ mỉ, “yêu con chữ như người nông dân yêu thửa ruộng, mảnh vườn của mình”, Dương Út đã miêu tả một cách chân thực mà sống động về đất và người Miền Tây đậm chất nghĩa tình. Qua đó, độc giả sẽ dần nhận ra cảm xúc chung của những người con miền Tây sông nước, từ người lãnh đạo địa phương đến người dân bình thường nhất, đều hiện rõ sự tự hào về quê hương đổi mới từng ngày.
YẾN VŨ/ Nguồn: https://www.qdnd.vn/