CHẤM ĐEN

Ảnh minh họa: Internet

Mỗi khi thấy một chấm đen trên làn da trắng nõn hồng hào là gương mặt ta sụ lại, nhất là mấy chị em phụ nữ. Đây là do mụt mụn nặn cùi không hết nên hóa thành tàn nhang, biến thành màu đen xấu xí, hay sắc tố da có vấn đề, trổ đồi mồi. Một chiếc áo trắng tinh, tà áo dài nữ sinh mà chỉ cần một vết sậm là gây biết bao khó chịu cho người mặc lẫn kẻ nhìn, chưa kể có nhiều chấm đen lên trên đó.

Tôi nhớ thuở mới bước vào lớp mười, học trò vùng nông thôn ra thị thành có nhiều ngỡ ngàng, xa lạ. Nhưng quen rồi lại quậy thành quỷ. Hôm đó tiết toán của thầy chủ nhiệm lớp. Quê thầy ở xứ Nghệ, giọng nói hơi khó nghe, lại thêm phương pháp dạy mới nên cả lớp buồn ngủ muốn chết. Buồn ngủ muốn hết mắc ngủ thì chỉ có nước là đi ngủ. Nhưng học sinh sao dám ngủ, đành bày đủ trò. Nhóm bạn chung bàn của tôi lấy hột quẹt đốt vỏ cây viết bíc rồi thẩy cho nhau. Đến lượt thằng Phong Bùi lửa cháy dữ quá. Nó sợ thầy phát hiện nên vứt thí đại, vô tình văng lên mấy nhỏ nữ ở bàn trên. Tụi nó la í á. Bọn con trai mặt xanh chành như tàu lá chuối. Thầy chủ nhiệm vẫn âm thầm phun châu, nhả từng con số lên trên bảng đen.

Hồi đó hỏng biết con nhỏ Thoại Vân xài loại vải gì mà ngọn lửa mới hôn môi gần, chạm nhẹ vô tà áo dài của nó tức thì xoắn dợn, xám đen. Khói từ vỏ viết bíc hôi rình, đen sì. Tiền đâu mà đền đây. Gia đình đa số không đủ cơm ăn áo mặc, không có tiền đóng học phí, chuyện giờ chơi mà xuống căn tin lại càng xa xỉ. Nhóm Thoại Vân quay xuống, lườm liếc ngang, liếc xéo hâm dọa. Bọn tôi chắp tay xá xá, tỏ vẻ năn nỉ, hối hận. Thầy trên bục giảng quay xuống lớp hít hít mũi hỏi:

-Cái mùi gì ngửi nghe khen khét vậy chúng mày?

– Dạ, chắc người ta đốt rác ở bên ngoài.

Hóa ra khi cây viết bíc rớt xuống đất, thằng Tâm Bùi đã nhanh nhẹn lấy chân đạp tắt lửa, nên chiếc dép mủ của nó cũng bị cháy thủng một lỗ bự chà bá. Sau lần ấy, chúng tôi không thấy Vân mặt chiếc áo đó nữa. Chắc nàng chê chiếc áo dài còn trắng tinh nhưng có một vết cháy đen xấu xí.

Đi coi thi, đến khi làm bài trắc nghiệm, tôi luôn nhắc nhở học trò phải suy nghĩ thật kỹ, rồi tô thật đậm vào phương án mình đã cho là đúng. Mỗi một chấm đen trên bài thi của bạn thật có giá trị. Nó quyết định kết quả học tập sau mười hai năm đèn sách, quyết định sự nghiệp, cuộc đời mình trong thời gian sắp tới.

Mỗi chấm tô đen là một niềm hy vọng. Vì vậy khi làm bài tuyệt đối không được bỏ sót câu nào. Ta gọi là phải phủ xanh đồi trọc.

Nhưng có rất nhiều bạn lại coi thường, đùa giỡn với những chấm đen đó bằng những trò chơi may rủi, tung các phương án lên trời, cái nào rớt xuống trước sẽ chọn. Tội cho mấy co kiến trong mùa thi, bị mấy sĩ tử làm vật thế thân, bắt bỏ vô mặt giấy, bò đến chỗ nào dừng lại sẽ tô đen câu đó. Có bạn lại chọn chấm đen trong trạng thái mơ và thực, lằn ranh mờ chồng của sự tỉnh táo và mê man bởi cơn buồn ngủ ập đến, làm bài thi xong liền gục xuống, nước miếng chảy lòng thòng, mắt trợn trắng như Trương Phi phát ra tiếng ngáy pho pho,…

Mỗi chấm đen tròn trịa trong bài thi của học trò thật sự có giá trị khi nó phải đậm đen và đúng chỗ. Người ta sợ những chấm đen xuất hiện trên làn da của mình, nhưng nếu chấm đen ấy như cái nốt ruồi nở trên khóe môi, mọc gọn xinh dưới chiếc cằm thì vô cùng duyên dáng. Người có chín nốt ruồi mọc ở sau lưng đích thị là chân mệnh thiên tử, nhưng chín nốt ruồi ấy mọc một lượt trên gương mặt thì nhìn thấy đã phát ghớm.

Có anh bạn đồng nghiệp của tôi dạy môn địa lý, hôm đó do vội quá, lấy quả địa cầu cất trong kho rồi đi thẳng lên lớp. Anh lấy cây thước chỉ chỉ vô chỗ cần chỉ rồi hỏi:

– Em biết đây là đâu không? Mấy em bàn cuối có thấy gì không?

– Thấy thầy ơi.

– Thấy gì đứng lên nói coi.

– Tụi em thấy có cục cứt thằn lằn đen sì dính trên quả địa cầu.

Một chấm đen trên quả địa cầu tưởng nhỏ nhưng có thể che lấp gần cả một lục địa, một đại dương. Hai chấm đen tròn trịa trên trang giấy trắng làm liên tưởng đến đôi mắt nai tơ, xoe tròn của một ai đó khiến ta ngơ ngẩn suốt đời. Màu đen vẫn ẩn hiện đâu đó trong bảy sắc màu nhân gian. Trong cuộc sống, người ta thích màu trắng, xa lánh, tránh né những gì đen tối. Chợt nhớ trong “Sắc màu” của Trần Tiến có lời nhạc: “Một màu đen đen, một màu trắng trắng/ Chiều hoang vắng chiếc xe tang đi thật vội vàng”.

Đấy! Người đời thích màu trắng. Nhưng màu trắng trong câu hát của Trần Tiến lại là màu tang tóc, chết chóc, đau thương.

Trắng đen chỉ là hình thức, sắc màu do con người ám thị nhau, còn giá trị, lợi ích mà nó mang lại cho cuộc đời này mới là điều quý trọng nhất.

Một dấu chấm đen đâu chỉ để kết thúc đoạn văn, bài thơ, mà nó còn mở ra một trang đời, một giai đoạn mới.

Hơn hai mươi năm, ngày trở lại trường xưa, mặc dầu trên đầu mỗi đứa tóc đã pha sương, nhưng gặp nhau vẫn vui nhộn như thuở học trò. Thay đổi về vóc hình nhưng tánh tình vẫn y chang vậy. Sau bao nhiêu kí ức trào ra, bỗng có đứa nhắc lại chuyện chiếc áo dài bị cháy một chấm đen. Cả nhóm cười nắc nẻ, cười mà rơi cả nước mắt, kìm lại mà sao nó cứ tuôn hoài.

Tôi quan sát Thoại Vân giật cả mình thốt lên với mấy thằng bạn:

– Con nhỏ Vân bữa nay mặc chiếc áo dài trắng tinh thời đi học kìa tụi bây ơi.

– Vết cháy đen đâu mất rồi?

– Là chỗ mấy bông sen hồng tươi, xinh xắn đó.

Những chấm đen thuở học trò đã hóa thành những hoa thơm dâng đời.

Tháp Mười/ Mùa thi muộn, 2020

Hồ Văn