Câu chuyện về chàng thư sinh

Vào thời nhà Tống, có một thư sinh nọ đi lên kinh thành tham dự kỳ thi của triều đình. Trên đường đi, anh vô tình trông thấy một người đàn ông bán tranh trên phố. Vốn là một người rất thích thưởng tranh, anh tiện chân ghé ngang qua ngắm nhìn một lúc.

Do có nhiều hiểu biết trong việc thưởng tranh, chàng thư sinh này chỉ cần nhìn qua một thoáng là biết được ngay bức tranh đó có đẹp hay không và đáng giá bao nhiêu.

Đến khi anh chuẩn bị rời đi thì người bán hàng bỗng gọi lại và hỏi: “Này anh thư sinh, cậu nghĩ bức tranh của tôi đáng giá bao nhiêu?”

“Xin thứ lỗi cho lời nói của tôi, nhưng bức tranh của ông chỉ đáng giá một xu bạc”, chàng thư sinh trả lời rồi sau đó xin cáo từ để đến nơi dự thi.

Sau cuộc thi lần đó, chàng thư sinh đã xuất sắc giành được thứ hạng cao nhất, và được gọi đến diện kiến nhà vua.

Nhưng khi bước chân đến chính điện, chàng thư sinh rất đỗi kinh ngạc khi phát hiện, nhà vua cũng chính là người đàn ông bán tranh ngoài phố mà anh từng gặp. 

Nhà vua khi đó cũng nhận ra anh, nhưng ông muốn thử lòng chàng trai một chút nên bèn cho lôi ra đúng bức tranh hôm đó và hỏi anh cùng một câu hỏi tương tự.

Chàng thư sinh vô cùng bối rối trước câu hỏi của nhà vua, nếu như anh trả lời giống như trước tức là anh đã xúc phạm đến vua, còn nếu anh đưa ra mức giá cao hơn tức là anh đã lừa dối và phạm vào nguyên tắc kỷ luật của chính mình.

Suy nghĩ một lúc, chàng thư sinh trả lời: Nếu bệ hạ trao cho tôi bức vẽ này thì nó sẽ trở nên vô giá, nhưng nếu bệ hạ bán nó ở ngoài đường thì bức họa chỉ đáng giá 1 xu bạc mà thôi”.

Nhà vua sau khi nghe xong không hề tỏ ra cáu giận mà còn vô cùng hài lòng với câu trả lời của chàng thư sinh, bởi anh ta đã không vứt bỏ những nguyên tắc của bản thân mình, điều đó khiến anh trở nên đáng giá và đáng để trọng dụng, tin tưởng hơn.

Để trọng thưởng cho điều này, nhà vua còn phong cho chàng thư sinh vào một chức vụ quan trọng và cao quý trong triều đình.

Nguyên tắc kỷ luật có thể phản ánh con người thật của một cá nhân. Để biết được xem người này có tính cách tốt hay xấu, cách đơn giản nhất chính là xác định sự kiên trì của họ trong việc tuân thủ theo những nguyên tắc căn bản mà họ đặt ra. 

Nếu ai đó có thể dễ dàng vứt bỏ đi những nguyên tắc của mình, nghĩa là họ đã vứt bỏ đi chính trách nhiệm đối với bản thân, một người như vậy làm sao có thể chịu trách nhiệm cho công việc của người khác được?

Chúc Di (Theo Vision Times)/Viet Ta (sưu tầm)