BÌM BỊP KÊU

Khai giảng năm học mới ngắn gọn, anh em giáo viên trong trường tụm lại căn tin phía sau trường coi như họp mặt đầu năm. Bỗng phía bên kia vạt vườn mít ngút ngàn, tiếng bìm bịp  cất lên một giọng dài trong trẻo, nghe da diết đến nao lòng: “Bịp, bịp,…bi…i…i…p…”. Phụ âm Pờ đứng cuối kết hợp với nguyên âm I, được mặt lưỡi của con chim bìm bịp đẩy lên khoang mũi, tống mạnh môt làn hơi vang xa.

Chim bìm bịp có thể ăn các loài động vật nhỏ hơn nó. Nhưng về sống xứ sông nước quê hương miền Tây nầy, chúng khoái ăn côn trùng và ốc hến, cua con,… dưới lòng sông. Cho nên bìm bịp thường kiếm mồi khi con nước dưới kênh, rạch rút cạn.

Đứa em dạy Văn ngồi kế bên cất giọng: “Nước đang lớn anh ơi”. Ơ hay, vấn đề được đặt ra là tại sao em nó lại biết nước đang lớn. Từ lâu rồi ta đã bỏ sông ôm đường, khai thác mạch ngầm để sống. Câu nói đó khiến nhiều người khá bất ngờ. Nó trả lời tỉnh khô bằng câu ca dao quen thuộc: “Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi/ Mua bán không lời chèo chống mỏi mê.

Giáo viên dạy hóa nói con bìm bịp kêu khi nước lớn bởi dòng nước đẩy các chất khí có trong lòng đất sình bùn, từ cây cỏ phân hủy như: Mê tan, H2S sộc vô lỗ mũi chúng. Tụi bìm bịp chịu không nổi nên bị sặc mà cất thành tiếng kêu. Lâu dần rồi trở thành phản xạ có điều kiện. Khí độc bay loáng thoáng hít với một lượng nhỏ không chết mà làm mê man, chợt tỉnh, chợt mê. Dân nghệ thuật của mấy ông biết chuyện đó mà: lằn ranh giữa mơ và thực chính là nơi đầy ngẫu hứng và sáng tạo phi phàm. Con bìm bịp kêu mà như hót, như phiêu phiêu đâu có chi là lạ.

Giáo viên dạy toán ngồi đấy lắng nghe, giảng giải thực tế hơn: Chẳng bằng con nước lớn tràn vô ngập “mà” nên tụi bìm bịp kiếm ăn không được, giận dữ mà kêu to. Suy nghĩ sâu xa cho mệt.

Dân tâm lí giáo dục xã hội còn nghĩ sâu sắc: Nước lớn nó rảnh rổi, không có chuyện chi làm nên cất giọng nghêu ngao cho đời bớt khổ vậy mà.

Tôi lại trăn trở: nhân vật trữ tình trong bài ca dao kia là ai? Người vợ hay quần chúng nhân dân lao động nói chung. Họ thương xót cho một kiếp thương hồ, bán buôn mà không gặp thời gặp lúc. Như người nông dân có đất phải làm ruộng, người chủ quán mỗi ngày phải mở cửa,…còn kiếp thương hồ nước lớn phải chèo chống bán buôn trên sông nước. Dẫu vừa mỏi mệt lại mê man. Ai cũng phải chạy. Chạy để tìm miếng ăn.

Chỉ một âm thanh “bịp” của tiếng chim có tên gọi cùng thanh mà chứa đầy tâm trạng, cung bậc cảm xúc. Năm học mới như con nước lớn đang tràn về các ngả sông, kênh rạch. Tiếng bìm bịp kêu khiến mỗi người trong chúng tôi càng chắt chiu những cơ hội mình đang có.

Hồ Văn