10 Phẩm Chất Tạo Nên Một Người Giáo Viên Thành Công

Có rất nhiều định nghĩa về thành công của giáo viên nhưng có lẽ thước đo thành công chính xác nhất vẫn là cách mà học sinh nhìn nhận và đánh giá về người thấy của chúng. Một giáo viên tuyệt vời sẽ truyền cảm hứng cho học sinh, tạo nên những điều khác biệt trong cuộc đời của đứa trẻ.

“Ảnh hưởng của người thầy có thể kéo dài đến vĩnh cửu; chính người thầy cũng không thể thể biết được sự ảnh hưởng của mình lớn lao đến nhường nào”- Henry Adams

Có rất nhiều định nghĩa về thành công của giáo viên nhưng có lẽ thước đo thành công chính xác nhất vẫn là cách mà học sinh nhìn nhận và đánh giá về người thấy của chúng. Một giáo viên tuyệt vời sẽ truyền cảm hứng cho học sinh, tạo nên những điều khác biệt trong cuộc đời của đứa trẻ.

Có thể nhận thấy 10 yếu tố cơ bản của một giáo viên thành công:

1. Sự nhiệt tình và cẩn thận

Điều gì sẽ lôi cuốn học sinh tham gia vào một bài giảng khi chúng đã quá mệt mỏi. Điều gì khiến học sinh tiếp tục có động lực để học tiếp khi những nội dung bài học không phục vụ cho kì thi sắp tới? phải chăng đó chính là sự nhiệt tình của giáo viên và sự cẩn thận chỉnh chu của họ trong công việc. Chính nụ cười, sự nhiệt tình với công việc sẽ mang lại nguồn năng lượng tích cực cho học sinh của họ.

2. Tôn trọng nghề nghiệp và học sinh

Tôi chưa từng thấy một người giáo viên thành công nào mà lại coi thường công việc giảng dạy mà họ đang làm. Người giáo viên thành công luôn có cảm giác rằng họ đang làm một công việc tuyệt vời. Đồng thời, họ cũng thể hiện sự tôn trọng đối với học sinh của mình, luôn lắng nghe và thấu hiểu học sinh. Họ luôn tạo điều kiện và cơ hội để học sinh được bày tỏ ý kiến. Những người giáo viên như vậy, sẽ cảm thấy mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui.

3. Xác định rõ các mục tiêu của bài học

Một giáo viên giỏi cần xác định rõ các mục tiêu của từng hoạt động trong bài học, mục tiêu của từng bài học trong chương trình giảng dạy. Các mục tiêu của bài học không đơn giản chỉ là đích đến mà còn là thang đo và sự hướng dẫn để học sinh có thể đạt được mục tiêu một cách tích cực và chủ động.

Mục tiêu bài học cũng là cơ sở để người giáo viên soi chiếu, suy ngẫm về quá trình giảng dạy của bản thân để liên tục cải thiện.

4. Kĩ năng tổ chức, lãnh đạo

Giáo viên phải là người lãnh đạo để duy trì kỷ luật trong lớp và kiểm soát mọi hoạt động của học sinh. Lớp học là một tập thể và trong một giới hạn nào đó, giáo viên chính là người lãnh đạo để kiểm soát và trao cơ hội cho thành viên. Kĩ năng lãnh đạo còn được thể hiện trong mọi khía cạnh của công việc giảng dạy từ việc quản lý bản thân, đến việc hợp tác với đồng nghiệp, phát triển chuyên môn và thực hiện các nhiệm vụ được giao…

5. Kỹ năng quản lý lớp học

Một giáo viên tuyệt vời phải có kỹ năng quản lý lớp học tốt. Điều này được thể hiện ở khả năng thiết lập các nội quy, quy trình, áp dụng các kĩ thuật duy trì hành vi tích cực của học sinh. Nó cũng là cách người giáo viên giải quyết với các tình huống phát sinh trong lớp học và xây dựng cộng đồng lớp hoc tích cực. Có thể nói, quản lý lớp học hiệu quả chính là cơ sở để tạo nên một tiết học thành công.

6. Khả năng thiết kế chương trình giảng dạy

Một người giáo viên thành công nên có kiến ​​thức toàn diện về chương trình giảng dạy. Họ có khả năng thay đổi, cấu trúc, sắp xếp và xây dựng chương trình giảng dạy phù hợp với yêu cầu của nhà trường và năng lực của học sinh. Việc xây dựng chương trình giảng dạy sẽ đưa các giáo viên lên một tầm cao mới, họ không chỉ là những người làm công việc dạy học đơn thuần mà trở thành các chuyên gia, nhà giáo dục ngay trong chính lớp học của mình.

7. Là chuyên gia trong môn học đang giảng dạy

Hãy tưởng tượng, điều gì sẽ xảy ra nếu như một ngày kia bạn đứng trước học sinh và nói cho chúng những điều “vô nghĩa” hay chỉ đọc lại nội dung của sách giáo khoa? Chắc chắn đó sẽ không phải là một người giáo viên tốt. Người giáo viên thành công phải thực sự là chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn mà họ đang giảng dạy. Họ phải có khả năng đối mặt với bất kỳ câu hỏi nào mà học sinh đặt ra. Chỉ có kiến thức chuyên môn vững vàng, giáo viên mới có thể áp dụng thành công các phương pháp giảng dạy để tạo nên sự hấp dẫn, hứng thú trong tiết học.

8. Đam mê công việc giảng dạy

Nếu giáo viên không có niềm đam mê với công việc giảng dạy, họ không thể trở thành một giáo viên giỏi. Chỉ khi giáo viên thực sự tâm huyết với công việc giảng dạy mới có thể tác động và tạo ảnh hưởng đến học sinh. Hãy nhớ rằng, đam mê không phải lời nói mà nó phải được thể hiện bằng hành động, bằng sự cam kết, dành thời gian và công sức cho công việc, là sự nỗ lực, cố gắng để vượt qua những giới hạn của bản thân. Chính niềm đam mê sẽ tạo nên một người giáo viên thành công.

9. Giao tiếp với phụ huynh

Giao tiếp hiệu quả với phụ huynh sẽ giúp giáo viên hiểu rõ hơn về học sinh của mình. Bằng cách đó, giáo viên cũng xây dựng được mối quan hệ đồng minh tin cậy, thúc đẩy phụ huynh tham gia vào các hoạt động ở trường và điều đó rất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của học sinh. Một người giáo viên thành công cũng thiết lập những ranh giới và giúp phụ huynh biết được đâu là giới hạn trong mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường.

10. Học hỏi và phát triển bản thân

Người giáo viên thành công sẽ không ngừng nâng cao năng lực giảng dạy bằng cách học hỏi và tham gia các khóa học phát triển chuyên môn. Họ luôn bị hấp dẫn, hứng thú bởi những điều mới mẻ về về phương pháp giảng dạy và kiến thức của bộ môn. Một giáo viên thành công cũng sẽ vượt qua những nỗi sợ hãi của ứng dụng công nghệ thông tin để áp dụng vào mỗi bài học. Người giáo viên thành công sẽ là một hình mẫu về việc phát triển chuyên môn thường xuyên mà không cần bất kỳ lời khen, phần thưởng hay sự nhắc nhở nào.

Trên đây là những phẩm chất của người giáo viên tuyệt vời, họ chính là những người mang đến nguồn cảm hứng và tạo nên sự khác biệt trong cuộc đời của những đứa trẻ.

Duy Trinh (sưu tầm)/ Nguồn: https://taogiaoduc.vn/