Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở nhiều vị trí khác nhau của cột sống, nhưng thắt lưng là hay gặp nhất. Bệnh nhân thoát vị đĩa đệm nhẹ nếu có thể tập luyện và vận động vừa phải thì rất có ích trong việc hỗ trợ điều trị bệnh.
Các bài tập
Bài 1:
Khi bạn thức dậy vào buổi sáng, hãy làm động tác nằm úp mặt xuống giường. Hai tay đặt trên thắt lưng, nhấc đầu lên nhẹ nhàng, mặt vẫn hướng xuống giường, giữ 1-2 giây rồi hạ trán xuống chạm giường. Động tác này làm tăng đường cong ở cột sống dưới của bạn và giảm đau.
Bài 2:
Bắt đầu với tư thế nằm sấp, co hai tay lại các ngón tay ngang với đỉnh đầu. Hít sâu một hơi dùng lực từ cẳng tay đẩy thân trên lên khỏi thảm, uốn cong nửa thân trên về sau. Hai chân duỗi thẳng. Giữ trong 1-2 giây và lặp lại 6-8 lần.
Bài 3:
Bắt đầu trong tư thế nằm úp người lên thảm, khép 2 chân lại và duỗi thẳng ra sau, mu bàn chân áp sát mặt thảm. Trán chạm nhẹ xuống thảm, 2 vai thả lỏng. Khép 2 khuỷu tay, đưa 2 bàn tay về đặt gần 2 bên nách và lòng bàn tay úp xuống thảm. Từ từ hít vào và đồng thời chống cánh tay xuống thảm tập, nâng đầu và ngực cao lên. Mắt nhìn thẳng về phía trước, đầu hơi hướng ra sau và giữ tư thế này trong vài giây. Thở ra chậm rãi, hạ thân trước và đầu của bạn xuống sàn nhà trở về tư thế bắt đầu. Lặp lại 6-8 lần.
Bài 4:
Đứng thẳng, đặt tay lên hông. Chống tay vào hông và cong lưng ngả ra sau. Không sử dụng lưng dưới của bạn để làm điều này. Giữ trong 1-2 giây và lặp lại 6-8 lần.
Bài 5:
Chống người bằng hai tay và phần đầu gối. Căn chỉnh cho bàn tay thẳng hàng với dưới vai và đầu gối thẳng với hông. Cột sống lúc này sẽ đi theo một đường thẳng nối vai với hông cơ thể. Sau đó giãn dài cổ rồi nhìn xuống. Tiếp đến hít vào và nhón các ngón chân lên. Kéo xương chậu về sâu cho mông hơi nhô cao lên. Nhẹ nhàng nâng tầm mắt hướng lên trần nhà, không di chuyển cổ. Thở ra rồi vào tư thế con mèo. Áp các ngón chân xuống dưới sàn. Đẩy xương chậu về trước. Thở ra rồi hóp bụng lại. Thả đầu xuống và đưa mắt nhìn về phía rốn. Lặp lại tư thế và thở sao cho đúng nhịp khoảng 5-10 nhịp thở. Với nhịp thở cuối cùng hãy đưa cột sống về vị trí trung tính.
Bài 6:
Ban đầu bạn đứng trước một chiếc ghế giống như bạn sắp ngồi vào đó. Hai bàn chân đặt rộng hơn một chút so với chiều rộng hông. Hạ mông xuống cho đến khi bạn chạm vào ghế. Lặp lại trong 3-10 lần. Sau khi bạn đã tập thành thạo và sức mạnh được tăng cường, hãy lấy chiếc ghế ra và tập ngồi xuống cho đến khi đùi và cẳng chân tạo góc 90 độ. Đây là thử thách cao nhất của các bài tập thoát vị đĩa đệm.
Bài 7:
Bắt đầu với chống 2 tay và đầu gối trên sàn, như tư thế con mèo. Vươn tay phải về phía trước để song song với mặt sàn. Chân trái đồng thời nâng cao, duỗi thẳng song song với mặt sàn. Siết chặt các cơ và giữ vị trí này trong 15 giây. Quay trở lại vị trí bắt đầu. Đổi bên và lặp lại động tác 5-10 lần.
Các phương pháp điều trị khác
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng gây ra sự chèn ép dây thần kinh cột sống, khiến cho bệnh nhân gặp nhiều đau đớn. Với những cơn đau cấp tính, cần được bác sĩ khám và chỉ định điều trị, có thể là điều trị bằng thuốc, vật lý trị liệu.
Trong một số trường hợp, những bài tập này không đủ đem lại hiệu quả điều trị. Và bạn cần khám bác sĩ để được hướng dẫn chính xác phương pháp điều trị phù hợp mà không gây thêm đau đớn hay làm bệnh trầm trọng thêm.
Phẫu thuật
Đa số các trường hợp đau do thoát vị đĩa đệm có thể được điều trị mà không cần phẫu thuật, vì vậy lựa chọn này chỉ dành cho những trường hợp rất nặng. Tuy nhiên, nhiều ca phẫu thuật thoát vị đĩa đệm là xâm lấn tối thiểu và có tỷ lệ thành công rất cao.
Lời khuyên của thầy thuốc
Hãy luôn nhớ rằng tùy từng cá nhân mà có các lựa chọn điều trị khác nhau, rất tốt với người này không có nghĩa là cũng tốt với người khác. Tùy thuộc vào mức độ và vị trí thoát vị đĩa đệm, cũng như sức khỏe của người đó, các lựa chọn điều trị sẽ khác nhau. Vì thế, cần trao đổi với bác sĩ điều trị trước khi bắt đầu bất kỳ một kế hoạch điều trị hay tập luyện nào.
BS. Nguyễn Thị Thu Hà/ Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/