Băn khoăn về bài toán tỉ số phần trăm

Bài toán về tỉ số phần trăm là một trong những kiến thức rất cơ bản và cần thiết trong mạch kiến thức toán học của chương trình toán lớp 5 ở Tiểu học.

Kiến thức này mang tính thực tiễn rất cao, từ kết quả tính toán của những câu tính; bài tính phần trăm sẽ giúp học sinh nhìn nhận được vấn đề; rút ra được rất nhiều nguyên lý, bài học về những vấn đề diễn ra xung quanh.

Cũng từ đó, học sinh có thể điều chình hành vi, thái độ trước một sự việc; hiện tượng, góp phần hoàn thiện nhân cách.

Mặc dù bài toán về tỉ số phần trăm đã có từ rất lâu; đã được giáo viên nghiên cứu giảng dạy cũng rất nhiều năm; nhưng theo thầy thầy Tô Ngọc Sơn – Giáo viên Trường Tiểu học Chu Văn An (TP Cao Lãnh, Đồng Tháp); đến nay vẫn còn một số ý kiến, một số vấn đề chưa thông liên quan đến dạng toán này.

Thầy Tô Ngọc Sơn là gương mặt giáo viên tiêu biểu của tỉnh Đồng Tháp, cũng là một trong những gương mặt nhà giáo xuất sắc của ngành Giáo dục được vinh danh giai đoạn 2008 – 2013.

Suy ngẫm từ một số cải tiến 

Theo thầy Tô Ngọc Sơn, sách giáo khoa hiện hành đã hướng dẫn cách thực hiện bài toán về tỉ số phần trăm rất rõ ràng và cụ thể.

Theo đó, muốn tìm tỉ số phần trăm của hai số 315 và 600 ta làm như sau: Tìm thương của 315 và 600;

Nhân thương đó với 100 và viết thêm kí hiệu % vào bên phải tích vừa tìm được.

Bài toán được đưa ra trong sách giáo khoa cũng rất cụ thể:

“Trong 80 kg nước biển có 2,8 kg muối. Tìm tỉ số phần trăm của lượng muối trong nước biển”.

Bài giải: Tỉ số phần trăm của lượng muối trong nước biển là:

2,8 : 80 = 0,035

0,035 = 3,5 %

Đáp số: 3,5 %

Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy, một số giáo viên ghi bước tính có phần “cải tiến” không đúng như sách giáo khoa hướng dẫn, chẳng hạn:

2,8 : 80 x 100 = 3,5 %

Hoặc: 2,8 : 80 = 3,5 %

Câu hỏi đặt ra là: Những “cải tiến” trên có phù hợp với chuẩn kiến thức không? Có sai kiến thức không?

Giải toán không nên cứng nhắc?

Thầy Tô Ngọc Sơn cho biết: Trong quá trình giảng dạy; tôi thường khuyến khích học sinh sáng tạo trong cách giải. Sự sáng tạo chính là bí quyết riêng của mỗi người học toán và giải toán; hơn nhau là ở chỗ đó.

Vì vậy, sau khi hình thành đủ các kiến thức về giải toán tỉ số phần trăm; tôi thường giúp học sinh nhận dạng 3 kiểu bài: Tìm tỉ số % của hai số; Tìm giá trị phần trăm của một số; Tìm một số khi biết giá trị % của một số.

Các em nhận dạng được 3 kiểu bài trên cũng đồng nghĩa là có bí quyết riêng của mình để giải quyết vấn đề.

Cũng từ kiến thức này, tích hợp nội bộ môn học, dẫn học sinh đến kiến thức tỉ số và phân số mà các em đã được học ở lớp 4, cũng có 3 kiểu bài về phân số có liên quan: Lập tỉ số; Tìm giá trị của phân số; Tìm một số khi biết giá trị của phân số.

Sau đó, tiếp tục chỉ ra cho học biết cách giải những bài toán tổng tỉ, hiệu tỉ liên quan đến tỉ số phần trăm.

Như vậy, từ chuẩn kiến thức đã được hình thành; giờ đây học sinh vận dụng kiến thức đó như một công thức để giải toán.

Và vì đây là bài toán đố, có lời giải rõ ràng nên các cách ghi của các em như trên theo tôi đều đúng, chấp nhận và được xem như là một cách viết, cách trình bày.

Tôi sẵn sàng khuyến khích học sinh thực hiện theo cách mà các em đã làm, bởi lí do sau:

Học sinh tiểu học thường hay quên, đây là đặc điểm tâm lí lứa tuổi. Khi các em chia xong, tìm được kết quả, các em rất mừng và sẽ viết ngay kết quả đó vào, quên nhân nhẩm với 100, điều này thường xuyên xảy ra.

Khi nhìn thấy nhân với 100, các em sẽ thực hiện tiếp và ghi được kết quả đúng.

Có ý kiến bảo rằng, học sinh phải ghi với 100% thì mới đúng; mới cân bằng được giá trị của 2 vế, điều này quả thật không sai.

Tôi thiết nghĩ, nếu những cách trình bày trên, học sinh thực hiện trong một bài toán dạng biểu thức thì ý kiến trên hoàn toàn đúng.

Còn đây là bài toán đố, lời giải có thể nói lên cách tính và kí hiệu % lúc này có thể được xem là đơn vị nên tôi đồng ý cách làm này của học sinh.

Theo thầy Sơn, giải toán không nên cứng nhắc cách này hay cách kia mà phải nghĩ đến việc giúp học sinh rèn được điều gì qua bài toán, làm cách nào để khơi dậy được sự sáng tạo, độ nhạy bén của các em, các em nhớ lâu và thực hiện đúng.

Theo GIÁO DỤC VÀ THỜI ĐẠI