Nguồn gốc tên gọi 63 tỉnh, thành phố Việt Nam

Là người Việt, đã bao giờ bạn tìm hiểu về nguồn gốc tên gọi 63 tỉnh thành chưa? Nếu chưa rõ hãy theo dõi nội dung bài viết dưới đây nhé!

1. An Giang

An Giang xưa là đất Tầm Phong Long, về sau nước Chân Lạp dâng cho chúa Nguyễn, vua Gia Long tổ chức mộ dân đến khai hoang, đưa dân vào định cư trở thành một trong Nam Kỳ lục tỉnh thời nhà Nguyễn độc lập. Tên gọi An Giang nghĩa là dòng sông an lành có thể định cư lâu dài, ý nghĩa cho việc khuyến khích di dân khẩn hoang lập làng.

Trong ảnh là phong cảnh ở Châu Đốc chụp khoảng năm 1920-1929, phía xa là núi Sam nổi tiếng của Châu Đốc.

2. Bắc Giang

Bắc Giang thuộc bộ Võ Ninh thời vua Hùng dựng nước Văn Lang, đời Lý – Trần gọi là lộ Bắc Giang, đời Lê là phủ Bắc Hà, năm 1822 đổi là phủ Thiên Phúc, đến đời Tự Đức là phủ Đa Phúc. Đến nay chưa thấy tài liệu nào chứng minh, nhưng tên gọi Bắc Giang có nghĩa là phía bắc sông.

Trong ảnh là trung tâm Phủ Lạng Thương tức thành phố Bắc Giang nay trên một bưu thiếp có dấu bưu điện ngày 7/5/1908.

3. Bắc Kạn

Bắc Kạn là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam. Bản sao bài văn bia “Tam hải hồ sơn chí” bằng tiếng Hán khắc trên đá dựng ở Bó Lù, bờ hồ Ba Bể, do tác giả Phan Đình Hoè án sát tỉnh Bắc Kạn viết, ông Vi Văn Thượng khắc và dựng bia năm 1925: Chữ “Kạn” trong từ Bắc Kạn có bộ “tài gẩy” bên chữ “Can”, âm Hán Việt đọc là “cản”, chữ này có nghĩa là “ngăn giữ, bảo vệ, chống cự” (phía bắc).

Trong ảnh là một trang sách của cuốn “Chải tinh kỷ hoa” bằng chữ Nôm của dân tộc Tày, dân tộc chiếm hơn 50% dân số của tỉnh Bắc Kạn.

4. Bạc Liêu

Bạc Liêu được phát âm theo tiếng Hán Việt từ tiếng Triều Châu là “Pô Léo”, có nghĩa là xóm nghèo, làm nghề hạ bạc (chài lưới, đánh cá, đi biển). Ý kiến khác lại cho rằng “Pô” là “bót” hay “đồn”, còn “Liêu” có nghĩa là “Lào” (Ai Lao) theo tiếng Khơme, vì trước khi người Hoa kiều đến sinh sống, nơi đó có một đồn binh của người Lào. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng tên gọi Bạc Liêu xuất phát từ tiếng Khmer Po Loenh, nghĩa là cây đa cao.

Trong ảnh là chợ Bạc Liêu khoảng năm 1890 – 1910.

5. Bắc Ninh

Bắc Ninh là tỉnh được được nhà Nguyễn lập năm 1822 từ một phần xứ Kinh Bắc. Thời kỳ Hồng Bàng, nước Văn Lang chia làm có 15 bộ, bộ Vũ Ninh là vùng lãnh thổ thuộc phần lớn tỉnh Bắc Ninh hiện nay. Tên gọi Bắc Ninh có thể từ Kinh Bắc và Vũ Ninh mà thành.

Trong ảnh là cổng vào thành Bắc Ninh, thành cổ đầu tiên của Việt Nam được xây dựng theo hình lục giác, lúc đầu được đắp bằng đất, cho tới năm Minh Mạng thứ 6 (1825), thành được xây lại bằng đá ong và cuối cùng xây lại bằng gạch vào thời Thiệu Trị (1841).

6. Bà Rịa – Vũng Tàu

Bà Rịa – Vũng Tàu là địa danh ghép bởi Bà Rịa và Vũng Tàu. Địa danh Bà Rịa là phiên âm tên nữ thần trấn sóng Chăm Po Riyak, cũng có thể được cấu tạo theo phương thức chuyển hóa từ nhân danh Nguyễn Thị Rịa người Phú Yên, năm 15 tuổi cùng đoàn lưu dân từ Dinh Trấn Biên vào nam, có công lớn trong việc khai khẩn vùng rừng núi Đồng Xoài.

Trong ảnh là tỉnh Bà Rịa chụp khoảng năm 1920-1929.

Vũng Tàu được thành lập năm 1895, tuy nhiên trong bộ Phủ biên tạp lục năm 1776 của Lê Quý Đôn đã nhắc đến chữ Vũng Tàu: “Đầu địa giới Gia Định là xứ Vũng Tàu, nơi hải đảo có dân cư”, đó chính là ba làng Thắng Nhất, Thắng Nhị, Thắng Tam được chúa Nguyễn Phúc Tần lập năm 1658, vùng đất này có ba mặt giáp biển, rất thuận lợi cho tàu bè đậu tránh gió trước khi vào Gia Định, nên về sau gọi là Vũng Tàu.

7. Bến Tre

Bến Tre ngày xưa, theo cuốn “Monographie De La Province De Bến Tre” của tác giả Ménard in năm 1903, người Khơme gọi là Xứ Tre vì các giồng xứ này tre mọc rất nhiều, sau đó người dân lập chợ buôn bán và gọi là chợ Bến Tre, gọi tắt của bến xứ tre.

Trong ảnh là rạp Casino ở thị xã Bến Tre thập niên 1920.

8. Bình Định

Bình Định là tên do vua Nguyễn Ánh đặt năm 1799 sau khi hạ được thành Quy Nhơn, Nguyễn Ánh bèn cho đổi tên Bình Định, dụng ý thể hiện tư thế của người chiến thắng, có thể Nguyễn Ánh cho rằng mình đã vào tận đất phát tích của nhà Tây Sơn, bình định được “loạn đảng nguỵ Tây” theo cách nói của các vua triều Nguyễn trước đây.

Trong ảnh là Nhà Thờ Chánh Tòa Giáo Phận Quy Nhơn, khánh thành ngày 10/12/1939 với tước hiệu Đức Mẹ Mân Côi.

9. Bình Dương

Bình Dương trong Địa chí Sài Gòn – Gia Định xưa cho rằng được lấy tên từ địa danh thời Trung cổ Trung Quốc, tên đất khởi nghiệp của vua Nghiêu. Khi làm vua, Nghiêu chỉ ở nhà tranh, vách đất, ăn mặc như thứ dân, ngày cày ruộng cùng dân, đêm đọc sách Thánh hiền, suốt thời gian vua cai trị dân chúng thái bình, thịnh trị, không trộm cắp, trên dưới hòa thuận an lành. Bình Dương nay là một phần của tỉnh Thủ Dầu Một xưa.

Về tên gọi Thủ Dầu Một, nhiều người cho rằng có nguồn gốc từ tiếng Campuchia, nhưng phần đông tác giả khác đều nghĩ Thủ Dầu Một là một cụm từ tiếng Việt được hình thành từ sự kết hợp giữa hai thành tố Thủ (giữ) Dầu Một (tên đất), vì theo truyền khẩu thì đồn binh canh giữ tại Bình An nằm trên ngọn đồi có cây dầu lớn gọi là “cây dầu một” nên tên gọi Thủ Dầu Một ra đời.

Trong ảnh là một dãy phố buôn bán ở chợ Thủ Dầu Một khoảng năm 1920-1929. Thời điểm này chưa có điện, mỗi góc chợ có một trụ đèn đường chiếu sáng bằng đèn dầu, có dây treo vào ròng rọc để hạ xuống thắp đèn mỗi tỗi hay để châm dầu. Ở cuối đường có mái nhà hình bát giác là chợ cá, phía sát bờ sông..

10. Bình Phước

Bình Phước có tên gọi từ ngày 30/1/1971, khi Trung ương Cục miền Nam ra nghị quyết sáp nhập 2 tỉnh Bình Long, Phước Long thành một đơn vị trực thuộc Trung ương Cục.

Trong ảnh là thị xã An Lộc khoảng năm 1970, thuộc tỉnh Bình Long, ảnh Bill Flora.

11. Bình Thuận

Bình Thuận là tên gọi có từ năm 1697, khi chúa Nguyễn cho lập Bình Thuận Phủ gồm 2 huyện An Phước và Hòa Đa. Bình chỉ sự khai phá, bình định một vùng đất, Thuận là sự sinh sống hòa thuận mà ở đây là giữa 2 dân tộc Chămpa và Kinh, do lúc này vùng đất này chưa yên ổn nên chúa Nguyễn đặt tên như vậy. Năm 1827, thời vua Minh Mạng, Bình Thuận được đặt thành tỉnh.

Trong ảnh, bên phải là tháp nước Phan Thiết ở tả ngạn sông Cà Ty, khởi công xây dựng vào cuối năm 1928, hoàn thành vào đầu năm 1934.

12. Cà Mau

Cà Mau (cách viết cũ là Cà-mâu) là cái tên được hình thành do người Khmer gọi tên vùng đất này là “Tưk Kha-mau”, có nghĩa là nước đen, do lá tràm của thảm rừng tràm U Minh bạt ngàn rụng xuống làm đổi màu nước thành đen. Cà Mau là xứ đầm lầy ngập nước, có nhiều bụi lác mọc tự nhiên và hoang dã. Chính vì lẽ đó từ thuở xưa đã có câu ca dao: “Cà Mau là xứ quê mùa/ Muỗi bằng gà mái, cọp tùa bằng trâu”.

Trong ảnh phía xa là cầu quay Cà Mau, khoảng năm 1940, nay là đoạn Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau).

13. Cần Thơ

Cần Thơ là địa danh khi đối chiếu với tên Khmer nguyên thủy của vùng này; là Prek Rusey (sông tre) không có liên quan gì về ngữ âm. Nhưng trước đây có một con rạch mang tên một loài cá; có tên Khmer là kìntho (cá sặt rằn), về sau biến âm thành Cần Thơ. Bản thân tỉnh Cần Thơ đã được thành lập vào từ 1/1/1900 dưới thời Pháp thuộc. Sau đó theo được tách nhập và xê dịch về địa lý nhiều lần.

Trong ảnh là chợ Hàng Dừa chụp năm 1955, nay là chợ Cần Thơ.

14. Cao Bằng

Cao Bằng xưa thuộc bộ Vũ Định thời Hùng Vương, đến đời Lý về sau là đất Thái Nguyên. Năm 1467 gọi là phủ Bắc Bình, về sau đổi thành phủ Cao Bình. Năm 1676, nhà Lê thu phục từ tay nhà Mạc đặt lại thành trấn Cao Bình. Đến đời Tây Sơn, tên Cao Bình dần trại ra thành Cao Bằng cho đến bây giờ.

Trong ảnh là thác Bản Giốc thời Pháp thuộc với nhóm lính tập và viên chỉ huy người Pháp (cưỡi ngựa) chụp bên thác.

15. Đắk Lắk

Đắk Lắk có tên gọi đặt theo tiếng M’Nông nghĩa là “hồ Lắk”, với dak nghĩa là “nước” hay “hồ”. Đắk Lắk được xem là một trong những cái nôi nuôi dưỡng không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật nhân loại thế giới công nhận.Trong ảnh là bản dịch bài báo về đám tang ông Ama Thuột, là một tù trưởng nổi tiếng của người Êđê xưa, mất năm 1923.

16. Đắk Nông

Đắk Nông đặt theo tiếng M’Nông có nghĩa là Nước (hoặc đất) của người M’Nông. Đắk Nông nằm ở cửa ngõ phía tây nam của Tây Nguyên, phía bắc và đông bắc giáp với địa phận tỉnh Đắk Lắk, phía đông và đông Nam giáp tỉnh Lâm Đồng, phía nam giáp tỉnh Bình Phước, phía tây với Vương quốc Campuchia.

Trong ảnh là hồ Tà Đùng, được mệnh danh là vịnh Hạ Long của Tây Nguyên.

17. Đà Nẵng

Đà Nẵng có tên gọi được biến dạng của từ Chăm cổ Đaknan. Đak có nghĩa là nước, nan hay nưn, tức Ianưng là rộng. Đaknan hàm ý vùng sông nước rộng mênh mông ở cửa sông Hàn. Có nhà nghiên cứu cho rằng “Đà Nẵng” có thể xuất phát từ nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer, Đakdơng – Đà dơng, có nghĩa là sông nguồn.

Trong ảnh là quần đảo Hoàng Sa trên bản đồ của Đức năm 1876 với lời ghi rõ quần đảo thuộc xứ “Annam”

18. Điện Biên

Điện Biên là vùng đất cổ. Điện Biên Phủ vốn được gọi là Mường Thanh, từ chữ Mường Then theo tiếng dân tộc Thái, nghĩa là Xứ trời. Đây được xem là vùng đất thiêng ở miền biên viễn, theo quan niệm xưa, là nơi thông trời đất. Tên gọi Phủ Điện Biên, hay Điện Biên Phủ được vua Thiệu Trị đặt vào năm 1841, chữ Điện hiểu theo nghĩa này nghĩa là một vùng núi to nhưng đất thiêng, là điện thờ, Biên là biên viễn.

Trong ảnh là những người dân tộc Thái thu nhặt dù của quân Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ năm 1953-1954.

19. Đồng Nai 

Đồng Nai có nguồn gốc tên gọi vẫn chưa rõ ràng. Dân gian quen giải thích do cánh đồng có nhiều nai. Cũng có ý kiến cho rằng Đồng trong Đồng Nai là cách gọi biến âm từ chữ Đờng trong Đạ Đờng (Sông Cái) của người Mạ; bởi vì còn có rất nhiều tên gọi khác bắt nguồn từ chữ Đồng (Đờng?) mà không phải là cánh Đồng: Đồng Tranh, Đồng Môn, Đồng Tràm, Đồng Trường… Vào thế kỷ 17, Đồng Nai hay vùng đất Đồng Nai là ám chỉ cả một vùng Nam Bộ rộng lớn của bây giờ.

Trong ảnh là thành Kèn, tháng 12-1861 cổ thành của Biên Hòa rơi vào tay thực dân Pháp, quân đội Pháp xây dựng lại thành, thu gọn lại còn 1/8 so với trước và gọi là thành “Xăng đá” (Soldat), nghĩa là thành lính. Buổi sáng lính thường sử dụng kèn báo thức, âm thanh vang cả một vùng, nên dân địa phương gọi là “thành Kèn”.

20. Đồng Tháp

Đồng Tháp có tên gọi từ Đồng Tháp Mười, tư liệu thành văn viết “đồng Tháp Mười” (không viết hoa chữ “đồng”), có nghĩa “tháp thứ 10” hoặc “tháp 10 tầng”, thậm chí có nhiều cách giải thích về 2 ý nghĩa trên theo nhiều giả thuyết khác nhau. Nhiều người cho rằng địa danh Tháp mười được hình thành và chuyển hóa như sau: tháp Mười -> gò Tháp Mười (gọi tắt Gò Tháp) -> đồng Tháp Mười -> vùng Đồng Tháp Mười -> Tháp Mười + Đồng Tháp.

Trong ảnh là đình thần Vĩnh Phước, được xây dựng vào năm 1807, thờ quan Thượng đẳng thần Tống Phước Hoà.

21. Gia Lai

Gia Lai nguồn gốc tên gọi bắt nguồn từ chữ Jarai, tên gọi của một tộc người bản địa có số dân đông nhất trong tỉnh, cách gọi này vẫn còn giữ trong tiếng của người Eđê, Bana, Lào, Thái Lan và Campuchia để gọi vùng đất này là Jarai, Charay,Ya-Ray có nghĩa là vùng đất của người Jarai, có thể là ám chỉ vùng đất của Thủy Xá và Hỏa Xá thuộc tiểu quốc Jarai xưa.

Trong ảnh là Hồ T’nưng năm 1969, còn gọi là Hồ Tơ Nuêng, hồ Tơ Nưng hay Biển Hồ, hồ Ea Nueng… là một hồ nước ngọt nằm ở phía tây bắc thành phố Pleiku.

22. Hà Giang

Hà Giang, theo cách giải thích về nghĩa chữ là con sông nhỏ chảy vào dòng lớn.

Trong ảnh là thị xã Hà Giang khoảng năm 1910, phía xa là núi Cấm, dưới chân núi là những phố phường đông đúc dân cư sầm uất.

23. Hải Dương

Hải Dương có tên chính thức từ năm 1469, ý nghĩa “Hải là miền duyên hải” vùng đất giáp biển, “Dương là ánh sáng” ánh mặt trời. Hải Dương nằm ở phía đông kinh thành Thăng Long. Hướng Đông cũng là hướng mặt trời mọc. Vì vậy Hải Dương có nghĩa là “ánh mặt trời biển Đông” hay “ánh sáng từ miền duyên hải (phía đông) chiếu về”. Trong “Dư địa chí”, Nguyễn Trãi đã đánh giá Hải Dương là trấn thứ nhất trong bốn kinh trấn và là phên giậu phía đông của kinh thành Thăng Long.

Trong ảnh là thành Hải Dương tức Thành Đông năm 1885, một trong 4 thành trong Thăng Long tứ trấn.

24. Hải Phòng

Hải Phòng còn được gọi là Đất Cảng, hay thành phố Cảng, thành phố Hoa phượng đỏ, thành lập vào năm 1888. Cái tên Hải Phòng có thể là gọi rút ngắn trong cụm từ “Hải tần phòng thủ” của nữ tướng Lê Chân đầu thế kỉ 1, hoặc từ tên gọi rút ngắn từ tên gọi của một cơ quan đời Tự Đức trên đất Hải Dương: Hải Dương thương chính quan phòng, cũng có thể bắt nguồn từ ti sở nha Hải phòng sứ hay đồn Hải Phòng do Bùi Viện lập từ năm 1871 đời Tự Đức.

Trong ảnh là toàn cảnh thị xã Kiến An xưa nhìn từ núi Đấu Đong. Doanh trại lính khố đỏ nằm dưới chân núi, phía xa là núi Thiên Văn, tên gọi này bắt nguồn từ đài thiên văn do người Phá xây năm 1902 trên đỉnh núi. Kiến An nằm trong thung lũng của hai dãy núi Thiên Văn (tức Đẩu Sơn) và núi Cột Cờ (tức Phù Liễn).

25. Hà Nam

Hà Nam được thành lập năm 1890, Nam Định được tách ra thành tỉnh Thái Bình và một phần phía bắc tách ra để cùng một phần phía nam Hà Nội lập thành tỉnh Hà Nam. Hà lấy từ chữ Hà Nội, Nam lấy từ chữ Nam Định.

Trong ảnh là sông Đáy chảy qua huyện Kim Bảng Hà Nam khoản năm 1950.

26. Hà Nội

Hà Nội chính là Thăng Đông, Đông Đô xưa đổi tên từ năm 1831 dưới thời vua Minh Mạng. Hà Nội có nghĩa nằm trong sông, Hà Nội được bao bọc bởi 2 con sông: sông Hồng và sông Đáy.

Trong ảnh là Cửa Bắc, tức Chính Bắc Môn, một trong năm cổng của thành Hà Nội thời Nguyễn. Khi Pháp phá thành Hà Nội họ giữ lại cửa Bắc vì nơi đây còn hai vết đại bác do pháo thuyền Pháp bắn từ sông Hồng năm 1882 khi Pháp hạ thành Hà Nội lần thứ hai. Ngày nay trên cổng thành là nơi thờ hai vị tổng đốc Hà Nội là Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu.

27. Hà Tĩnh

Hà Tĩnh có tên gọi từ năm 1831, khi vua Minh Mệnh chia tách Nghệ An để đặt tỉnh Hà Tĩnh. 

Trong ảnh là khu vực núi Nài năm 1975.

28. Hậu Giang

Hậu Giang là địa danh có tên gọi bắt nguồn từ tên sông Hậu. Năm 1976 cũng từng có một tỉnh Hậu Giang thuộc miền Tây Nam Bộ, bị giải thể năm 1991 do bị chia thành tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng, sau đó năm 2004 tỉnh Cần Thơ được chia thành thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương và tỉnh Hậu Giang hiện nay.

Trong ảnh là khu vực chợ nổi Ngã Bảy được chụp từ trên cao, năm 1961.

29. Hòa Bình

Hòa Bình là tỉnh được thành lập năm 1886 theo nghị định của Kinh lược Bắc Kỳ với tên gọi là tỉnh Mường. Tỉnh lỵ đặt tại thị trấn Chợ Bờ nên cũng còn gọi là tỉnh Chợ Bờ, cuối năm 1886 chuyển về xã Phương Lâm, năm 1888 đổi tên thành tỉnh Phương Lâm. Năm 1896 tỉnh lỵ được chuyển về đóng tại xã Hòa Bình, phía bờ trái sông Đà, đối diện với Phương Lâm và từ đó gọi là tỉnh Hòa Bình, sau nhiều lần tách nhập, đến nay vẫn giữ tên gọi này.

Trong ảnh là hình ảnh tư liệu việc nổ mìn thi công kênh dẫn dòng nhà máy thủy điện Hòa Bình năm 1979.

30. Hưng Yên

Hưng Yên có ý nghĩa của sự hưng thịnh và yên bình, tỉnh được thành lập năm 1831 gồm các huyện Đông Yên, Kim Động, Thiên Thi, Tiên Lữ, Phù Dung của trấn Sơn Nam và Thần Khê, Hưng Nhân, Duyên Hà của trấn Nam Định.

Vùng đất Hưng Yên nổi danh từ thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh đã nổi tiếng do có Phố Hiến, dân gian có câu “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Trong ảnh là Văn miếu Xích Đằng được xây dựng vào khoảng năm 1701, thờ Chu Văn An – nhà sư phạm tài năng đức độ thời Trần.

31. Khánh Hòa

Khánh Hòa là tỉnh được thành lập năm 1831 từ trấn Bình Hòa, còn phủ Bình Hòa khi đó trở thành phủ Ninh Hòa. Khánh Hòa là phần đất cũ của xứ Kauthara thuộc vương quốc Chăm Pa. Năm 1653, lấy cớ vua Chiêm Thành là Bà Tấm quấy nhiễu dân Việt ở Phú Yên, Chúa Nguyễn Phúc Tần sai quan cai cơ Hùng Lộc đem quân sang đánh chiếm được vùng đất Phan Rang trở ra đến Phú Yên. Trong tiếng Hán, chữ “Khánh” thuộc bộ tâm, quy định nét nghĩa liên quan đến tâm trạng, cảm xúc, tính cách… nghĩa gốc là “mừng” rồi chuyển loại mang nghĩa “chúc mừng” và “việc mừng, lễ mừng”. Chữ Hòa tạm hiểu là đồng thuận, hòa hợp.

Trong ảnh là di tích quốc gia, bia chủ quyền quần đảo Trường Sa của Việt Nam xây dựng từ năm 1956: “Quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy. Phái bộ quân sự thị sát nghiên cứu đến viếng quần đảo này ngày 22 tháng 8 năm 1956 dưới sự hướng dẫn của Hải quân Việt Nam”.

32. Kiên Giang

Kiên Giang là tỉnh được thành lập năm 1975, phần lớn là vùng đất thuộc trấn Hà Tiên cũ do Mạc Cửu khai phá vào thế kỷ XVII. Địa danh Kiên Giang có thể bắt nguồn từ tên một con sông ở Rạch Giá, đó là sông Kiên. 

Trong ảnh là nhà thờ Rạch Giá năm 1926, lúc này chưa xây xong (chưa có tháp chuông)

33. Kon Tum

Kon Tum, theo ngôn ngữ Ba Na thì Kon là làng, Tum là hồ, chỉ tên gọi một ngôi làng gần một hồ nước cạnh dòng sông Đăk Bla mà hiện nay là làng Kon Kơ Nâm ở thành phố Kon Tum. 

Trong ảnh là nhà thờ chính tòa ở Kon Tum, trích từ video Kontum et de sa région prises en 1947 của Michel Grisey.

34. Lai Châu

Lai Châu có tên gọi xuất phát từ chữ châu Lay. Vào đầu thế kỷ X, các thủ lĩnh Thái chiếm vùng đất này đã đặt tên là Mường Lay, năm 1435 Dư địa chí của Nguyễn Trãi ghi là châu Lai do phiên âm chữ Lay.

Trong ảnh là quang cảnh một góc Lai Châu nhìn trừ trên cao, chụp bởi tác giả Võ An Ninh (1907-2009).

35. Lâm Đồng

Lâm Đồng được thành lập từ việc sáp nhập tỉnh Lâm Viên với tỉnh Đồng Nai Thượng.

Trong ảnh là hình ảnh Đà Lạt chụp từ trên cao năm 1960, đây là bức ảnh Đà Lạt đầu tiên được chụp từ máy bay, tác giả là ông Trần Văn Châu.

36. Lạng Sơn

Lạng Sơn là một trong 13 tỉnh được vua Minh Mạng thành lập đầu tiên ở Bắc Kỳ (năm 1831), tên gọi xuất phát từ danh xưng “xứ Lạng”. 

Trong ảnh là chợ Bắc Lệ nay thuộc xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, chụp năm 1915.

37. Lào Cai

Lào Cai là cách phát âm của người địa phương đọc chữ Lão Nhai có nghĩa là Phố Cũ hoặc Chợ Cũ. Người địa phương thường gọi Bảo Thắng, là khu phố do Lưu Vĩnh Phúc xây dựng nằm ở vùng thuộc thị xã Lào Cai ngày nay bằng tên Lảo Kay, sau đó người Pháp cũng phiên âm lại cách gọi đó bằng chữ Latinh là Lao Kai hoặc Lao Kay. 

Trong ảnh là một con phố nhỏ ở khu vực Cốc Lếu thời Pháp thuộc.

38. Long An

Long An là địa danh được hiểu theo nghĩa: An là yên ổn, an toàn. Long là đầy đủ, hưng thịnh, lớn, tốt đẹp.

Trong ảnh là Cầu Sắt Eiffel, năm 1930, lúc này chưa có cầu Tân An.

39. Nam Định

Nam Định có nguồn gốc tên gọi từ năm 1822, khi triều Nguyễn đổi tên trấn Sơn Nam Hạ thành trấn Nam Định, chữ Nam có từ thời Lê nghĩa là phía Nam chữ Định nghĩa là bình định là chữ nhà Nguyễn đặt cho nhiều vùng đất. Năm 1832 đổi trấn Nam Định thành tỉnh Nam Định (bao gồm cả Thái Bình và một phần đất Hà Nam hiện nay). Năm 1890, Thái Bình tách ra thành tỉnh riêng và một phần phía bắc Nam Định tách ra để cùng một phần phía nam Hà Nội lập thành tỉnh Hà Nam.

Trong ảnh là chợ Nam Định khoảng năm 1900-1910.

40. Nghệ An

Nghệ An là danh xưng có từ năm 1030 thời nhà Lý, niên hiệu Thiên Thành thứ 2 đời Lý Thái Tông, lúc đó gọi là Nghệ An châu trại,cùng với Hà Tĩnh có cùng một tên chung là Hoan Châu thời Bắc thuộc, đời vua Lê Thánh Tông đổi thành xứ Nghệ, rồi trấn Nghệ An. Năm 1831, vua Minh Mệnh chia trấn Nghệ An thành 2 tỉnh: Nghệ An và Hà Tĩnh.

Trong ảnh là toàn cảnh Bến Thủy khoảng năm 1920-1929.

41. Ninh Bình

Ninh Bình nghĩa là phẳng lặng, yên ổn, yên tĩnh có tên là đạo Ninh Bình. Từ năm 1822, năm 1831 đổi thành tỉnh Ninh Bình. 

Trong ảnh là hình ảnh Ninh Bình trên một tấm bưu thiếp thời Pháp thuộc.

42. Ninh Thuận

Ninh Thuận là tên gọi xuất hiện đầu tiên với tư cách là phủ Ninh Thuận; vào năm 1832 thời vua Minh Mạng, kéo dài đến năm 1888. Sau đó lập tỉnh Phan Rang, cũng gọi là tỉnh Ninh Thuận; từ 1945 tách nhập nhiều lần; đến nay được gọi lại tên cũ Ninh Thuận.

Trong ảnh là chợ Phan Rang khoảng năm 1900-1930.

43. Phú Thọ

Phú Thọ là tên gọi xuất phát từ tên làng Phú Thọ thuộc tổng Yên Phú; huyện Sơn Vi, tỉnh Hưng Hóa mà lập nên thị xã Phú Thọ năm 1903. Sau đó Pháp chuyển tỉnh lỵ của tỉnh Hưng Hóa lên thị xã Phú Thọ; và đổi tên tỉnh Hưng Hóa thành tỉnh Phú Thọ.

Trong ảnh là toàn cảnh núi Nghĩa Lĩnh; nơi Đền Hùng tọa lạc trong một kỳ lễ hội đền Hùng, khoảng năm 1920-1929.

44. Phú Yên

Phú Yên thuộc quyền quản lý của Chăm Pa với tên gọi Ayaru cho đến năm 1471; vua Lê Thánh Tông thân chinh cầm quân đánh Chăm Pa đến tận đèo Cả. Sau đó cho sát nhập vùng đất; từ đèo Hải Vân tới đèo Cù Mông (phía bắc Phú Yên) vào lãnh thổ Đại Việt. Từ đó vùng đất Ayaru là nơi tranh chấp thường xuyên giữa người Việt và người Chăm.

Năm 1611, Nguyễn Hoàng sai tướng tấn công vào Aryaru, Chăm Pa thất bại; Nguyễn Hoàng sáp nhập Ayaru vào lãnh thổ Đàng Trong với tên gọi Phú Yên; với ước nguyện về một miến đất trù phú, thanh bình trong tương lai. 

Trong ảnh là thị xã Sông Cầu năm 1970.

45. Quảng Bình

Quảng Bình là vùng đất được Chúa Nguyễn Hoàng đặt tên năm từ 1558; các tên gọi cũ khu vực này gồm: Bố Chính, Tân Bình, Lâm Bình, Tiên Bình, Tây Bình. Đời Lê Trung Hưng có tên là Tiên Bình. Năm 1604, đổi tên là tỉnh Quảng Bình, trong đó Quảng là sự rộng lớn.

Trong ảnh là cầu Dài, chụp năm 1964.

46. Quảng Nam

Quảng Nam có tên gọi mang ý nghĩa mở rộng về phía nam. Có thể thấy được miền Trung có khá nhiều địa danh mang yếu tố quảng. Bởi vì đây là một dải đất hẹp; nên việc đặt tên các địa danh mang yếu tố quảng; là với mong muốn sự rộng lớn, bao la vì từ quảng mang nghĩa như vậy.

Trong ảnh là Lối vào Chùa Cầu, công trình biểu tượng của phố cổ Hội An; khoảng thập niên 1940, ảnh của phóng viên tạp chí Life.

47. Quảng Ngãi

Quảng Ngãi có thể là tên gọi mang ý nghĩa dải đất tình nghĩa. Năm 1602 Trấn Quảng Nam đổi thành dinh Quảng Nam; phủ Tư Nghĩa thuộc dinh Quảng Nam đổi thành phủ Quảng Nghĩa. Năm 1807, xã Cù Mông (sau là Chánh Mông rồi Chánh Lộ); được chọn làm nơi xây dựng tỉnh Quảng Nghĩa; năm 1832 tỉnh Quảng Nghĩa tức Ngãi được thành lập.

Trong ảnh là một bệnh viện ở Quảng Ngãi thời Pháp thuộc, ảnh in trong cuốn Mes Trois ans d’Annam

của tác giả Pháp Gabrielle M. Vassal, xuất bản năm 1911.

48. Quảng Ninh

Quảng Ninh là vùng đất lịch sử lâu đời. Ở khu vực Vịnh Hạ Long đã khảo cổ được di chỉ của người tiền sử từ 3000 – 1500 năm TCN. Khi hình thành Nhà nước đầu tiên của người Việt; thời Hùng Vương vùng đất Quảng Ninh nay là bộ Lục Hải. Một trong 15 bộ của nhà nước Văn Lang.

Thời Phong kiến khu vực tỉnh Quảng Ninh; hiện nay có tên lần lượt là: Lục Châu, lộ Đông Hải, lộ Hải Đông, trấn An Bang, tỉnh Quảng Yên. Sau này Quảng Yên được tách ra thành nhiều đơn vị khác, trong đó có Hải Ninh; về sau Quảng Yên cùng với Hải Ninh và các đơn vị này nhập thành Quảng Ninh bây giờ. Như vậy Quảng Ninh hiện nay gần như là Quảng Yên cũ.

Trong ảnh là Hòn Gai, chụp năm 1915.

49. Quảng Trị

Quảng Trị tồn tại với tên gọi Cựu Dinh Quảng Trị thuộc vào trấn Thuận Hoá sau suốt gần 300 năm. Đến khi Gia Long lên ngôi năm 1802 đổi tên Cựu Dinh thành dinh Quảng Trị. Năm 1827 thành Quảng Trị đổi tên thành Trấn Quảng Trị, năm 1832 trấn Quảng Trị đổi tên thành Tỉnh Quảng Trị .

Bản đồ Hành chính tỉnh Quảng Trị

50. Sóc Trăng

Sóc Trăng là biến âm của Sốc Trăng, xuất phát từ tiếng Khmer “Srock Khléang”. Srock có nghĩa là xứ, Khléang là kho chứa vàng bạc của vua. Trước kia người Việt viết là Sốc Kha Lăng, sau nữa biến thành Sốc Trăng. Tên Sốc Trăng đã có những lần bị biến đổi hoàn toàn. Thời Minh Mạng, đã đổi lại là Nguyệt Giang tỉnh; có nghĩa là sông trăng (sốc thành sông, tiếng Hán Việt là giang; trăng là nguyệt). 

Trong ảnh là đường chính ở Sóc Trăng khoảng năm 1920-1929, nay là đường Hai Bà Trưng.

51. Sơn La

Sơn La có tên gọi xuất phát từ nguồn gốc của Nậm La; một phụ lưu cấp 2 của sông Đà. Sơn La trước năm 1479 phần lớn là lãnh thổ của vương quốc Bồn Man; chính thức được sáp nhập vào Đại Việt năm 1749. Năm 1886 thành lập châu Sơn La thuộc phủ Gia Hưng tỉnh Hưng Hoá. Năm 1895 thành lập tỉnh Vạn Bú, tỉnh lỵ ở Vạn Bú tức Tạ Bú; ngày 23/8/1904 đổi tên thành tỉnh Sơn La.

Trong ảnh là toàn cảnh các công trình của Pháp trên đồi Khau Cả, Sơn La, khoảng năm 1930-1940.

52. Tây Ninh

Tây Ninh từ thời xưa vốn là một vùng đất thuộc Thủy Chân Lạp; với tên gọi là Romdum Ray, có nghĩa là “Chuồng Voi”; vì nơi đây chỉ có rừng rậm với muôn thú dữ như cọp, voi, beo, rắn,… cư ngụ. Tên gọi Tây Ninh có nghĩa là yên ổn về chính trị ở phía tây.

Trong ảnh là bến Kéo năm 1900, nằm trên quốc lộ 22, hướng về Sài Gòn, cách trung tâm Tp. Tây Ninh khoảng 8km.

53. Thái Bình

Thái Bình với tên gọi phủ Thái Bình gồm phần lớn đất đai tỉnh Thái Bình. Ngày nay có từ năm 1005 với sự kiện đổi tên đất Đằng Châu thành phủ Thái Bình. Ngày 21/3/1890 Toàn quyền Đông Dương ra nghị định lấy phủ Kiến Xương; tách từ tỉnh Nam Định và huyện Thần Khê; tách từ tỉnh Hưng Yên và sáp nhập vào phủ Thái Bình để lập tỉnh Thái Bình; còn phủ sau đổi tên là Thái Ninh.

Trong ảnh là cảnh một khu chợ ở Thái Bình năm 1945, ảnh: Võ An Ninh.

54. Thái Nguyên

Thái Nguyên là tên gọi có gốc từ Hán Việt, Thái có nghĩa là to lớn hay rộng rãi; Nguyên có nghĩa là cánh đồng hoặc chỗ đất rộng và bằng phẳng. Tỉnh được thành lập năm 1831; năm 1890 chính quyền Pháp chia tỉnh Thái Nguyên thành 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn.

Năm 1965, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sáp nhập 2 tỉnh với tên gọi Bắc Thái; năm 1996 lại chia tỉnh Bắc Thái để tái lập tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên. Như vậy, Thái Nguyên ngày thành lập gần như toàn bộ tỉnh Bắc Thái cũ.

Trong ảnh là cổng trại lính khố xanh tỉnh Thái Nguyên; nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917.

55. Thanh Hóa

Thanh Hóa là tỉnh chuyển tiếp giữa miền Bắc và miền Trung Việt Nam; là tỉnh có số lần sát nhập và chia tách ít nhất cả nước. Ở thời Nhà Đinh và Tiền Lê Thanh Hóa gọi là đạo Ái Châu. Ở thời Nhà Lý thời kỳ đầu gọi là trại Ái Châu; vào năm Thuận Thiên 1 tức năm 1009 gọi là Phủ Thanh Hóa.

Năm 1469 lại đổi thành Thừa Tuyên Thanh Hoa, tên Thanh Hoa có từ đây. Năm 1802 đổi gọi là trấn Thanh Hóa; có thể do tên cũ trùng với tên một phi tần của vua. Năm 1831 đổi trấn thành tỉnh, bắt đầu gọi là tỉnh Thanh Hoa (Hoa: tinh hoa). Đến năm 1841 lại đổi thành tỉnh Thanh Hóa cho tới ngày nay.

Trong ảnh là thành Thọ Hạc, được xây dựng dưới thời vua Gia Long và Minh Mạng; chụp khoảng năm 1920-1929.

56. Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế là phủ Phú Xuân dưới thời Tây Sơn. Khi vua Gia Long chia cả nước thành 23 trấn và 4 dinh; Thừa Thiên Huế ngày nay thuộc dinh Quảng Đức. Năm 1822, dinh Quảng Đức được vua Minh Mạng đổi tên thành phủ Thừa Thiên. Từ năm 1831-1832, vua Minh Mạng chia cả nước thành 31 đơn vị hành chính; gồm 30 tỉnh và 01 phủ là Thừa Thiên.

Cùng với sự thăng trầm theo dòng chảy lịch sử; tên gọi và địa giới hành chính tỉnh thay đổi theo từng thời kỳ lịch sử khác nhau; và ổn định với tên gọi Thừa Thiên Huế và địa giới từ năm 1989 đến nay.

Trong ảnh là sông Hương ngày vua Khải Định băng hà, 6/11/1925.

57. Tiền Giang

Tiền Giang là địa danh được đặt theo tên sông Tiền, là vùng đất được người Việt. Trong đó phần lớn là từ vùng Ngũ Quảng đến khai hoang và định cư từ thế kỷ XVII. Sau nhiều lần thay đổi tên, thay đổi vùng địa lý; đến năm 1976 mới có tên chính thức là tỉnh Tiền Giang trên cơ sở hợp nhất tỉnh Mỹ Tho; tỉnh Gò Công và thành phố Mỹ Tho.

Trong ảnh là Mỹ Tho chụp năm 1910; vào thế kỷ 17 Mỹ Tho đã trở thành một trong hai trung tâm thương mại lớn nhất Nam Bộ; lúc bấy giờ cùng với Gia Định – Sài Gòn.

58. Thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh vẫn được gọi phổ biến với tên cũ là Sài Gòn. Có nhiều thuyết về tên gọi Sài Gòn; nhưng thuyết được cho là đúng và hợp lí nhất đó là Brai Nagara là nguồn gốc. Bởi vì thế kỷ 18 vùng Gia Định xưa có hai địa danh Rai-gon thong (Sài Gòn thượng); và Rai-gon ha (Sài Gòn hạ).

Mà nguồn gốc của Rai gon là Brai Nagara hay Prey Nokor. Hơn nữa, địa danh này không có ý nghĩa trong tiếng Việt; nên khả năng phiên âm từ tiếng dân tộc khác là có cơ sở.

Trong ảnh là ngã 3 Gia Định, Lê Văn Duyệt – Chi Lăng – Bạch Đằng; nay là Phan Đăng Lưu – Bạch Đằng – Đinh Tiên Hoàng. Sài Gòn có rất nhiều ảnh xưa; tôi từng đăng một bộ 80 ảnh cũng chỉ hết góc nhỏ bộ sưu tập; tôi chọn ảnh này vì phù hợp với bản đồ.

59. Trà Vinh 

Trà Vinh là một địa danh gốc Khmer tên tiền thân là Tra Vang; có thể là biến âm từ “prha trapenh” có nghĩa là ao, ao Phật hay ao linh thiêng. Vì cho rằng ngày xưa người ta đã đào được tượng Phật dưới ao ở vùng đất này. Thời nhà Nguyễn thì Trà Vinh là tên phủ sau thành huyện thuộc phủ Lạc Hóa tỉnh Vĩnh Long; được lập ra năm 1832.

Trong ảnh là những thương nhân chụp năm 1925 tại Trà Vinh.

60. Tuyên Quang

Tuyên Quang có tên bắt nguồn từ sông Tuyên Quang mà nay là sông Lô. “An Nam chí lược” của Lê Tắc; soạn thảo năm 1335 viết: Nước sông Quy Hóa từ Vân Nam chảy về; nước sông Tuyên Quang từ đạo Đặc Ma chảy về; nước sông Đà từ Chàng Long chảy về, nhân có ngã ba sông mà đặt tên như vậy. Tuyên Quang trở thành tỉnh dưới triều vua Minh Mạng. 

Trong ảnh là sông Lô khoảng năm 1920-1940, trước thời gian diễn ra “trận sông Lô”.

61. Vĩnh Long

Vĩnh Long âm Hán Việt có nhiều nghĩa; có thể ngụ ý: “sự thịnh vượng (long) bền lâu, mãi mãi (vĩnh)”. Tên Vĩnh Long, một thời được gọi Vãng Long nhưng “vãng” khó lý giải mối quan hệ ngữ nghĩa; vì nghĩa của “vãng” là “đi, đã qua, thường” không phù hợp với nghĩa của “vĩnh”; như trong từ ghép “vĩnh long”. Có thể lý giải con đường chuyển đổi ngữ âm cho dễ phát âm hơn; nhiều từ cũng chuyển từ inh sang ang như vậy.

Trong ảnh là vui chơi giải trí Bungalow (Công Quán) do người Pháp xây tại Vĩnh Long; khoảng năm 1900, ngang sông là Phường 5 ngày nay.

62. Vĩnh Phúc

Vĩnh Phúc được thành lập vào ngày 12/2/1950 do kết hợp hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên. Nhưng do nhiều lần tách nhập nên Vĩnh Phúc hiện nay; bao gồm tỉnh Vĩnh Yên và thị xã Phúc Yên trước đây. Giai đoạn 1946-1954, Pháp tạm chiếm đóng miền Bắc. tỉnh này còn có tên gọi là tỉnh Vĩnh Phúc Yên. 

Trong ảnh là một ngôi chùa trên đường lên Tam Đảo, chụp tháng 6/1916.

63. Yên Bái

Yên Bái là tên được lấy từ tên làng Yên Bái. Ngày 11/4/1900 thực dân Pháp thành lập tỉnh Yên Bái gồm có phủ Trấn Yên; hai châu Văn Chấn, Văn Bàn và thị xã tỉnh lỵ đặt tại làng Yên Bái. Từ năm 1910 – 1920 chuyển châu Lục Yên (tỉnh Tuyên Quang); và châu Than Uyên (tỉnh Lai Châu) vào tỉnh Yên Bái. Từ năm 1945 đã có nhiều lần tách nhập một phần hoặc cả tỉnh.

Theo: TRAVELMAG