Dân tộc nào đông dân thứ hai Việt Nam?

Trong cộng đồng 54 dân tộc ở Việt Nam, dân tộc này có dân số đứng thứ hai sau người Kinh, giỏi thủy lợi, đặc trưng với trang phục truyền thống đơn giản, ít họa tiết.

Theo kết quả tổng điều tra dân số ngày 1/4/2019, Việt Nam có hơn 96,2 triệu người. Theo Cổng thông tin Ủy ban Dân tộc, dân tộc Kinh có 82 triệu người, chiếm hơn 86% dân số toàn quốc.

Câu 1: Dân tộc nào đông dân thứ hai Việt Nam?

Đó là dân tộc Tày

Theo Cổng thông tin Ủy ban Dân tộc, dân tộc Tày có tên gọi khác là Thổ, dân số hơn 1,84 triệu người (2019). Tiếng nói người Tày thuộc nhóm ngôn ngữ Tày – Thái (ngữ hệ Thái – Ka Ðai). Người Tày có mặt ở Việt Nam từ rất sớm, có thể từ nửa cuối thiên niên kỷ thứ nhất trước công nguyên.

Người Thái có dân số đông thứ ba ở Việt Nam, sau dân tộc Kinh và Tày, với khoảng 1,82 triệu người; tiếp theo là người Mường với khoảng 1,45 triệu người.

Một hoạt động văn hóa truyền thống của người Tày. Ảnh: Báo Hà Giang

Câu 2: Người Tày sinh sống chủ yếu ở khu vực nào?

Người Tày sống chủ yếu ở Đông Bắc Bộ

Hiện người Tày sống tập trung các tỉnh Ðông Bắc, từ Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang đến Lào Cai, Yên Bái.

Bản của người Tày thường ở chân núi hay ven suối. Tên bản thường gọi theo tên đồi núi, đồng ruộng, khúc sông. Mỗi bản có từ 15 đến 20 nóc nhà, bản lớn chia ra nhiều xóm nhỏ. Nhà ở có nhà sàn, nhà đất và một số vùng giáp biên giới có loại nhà phòng thủ. Trong nhà phân biệt phòng nam ở ngoài, nữ ở trong buồng.

Trang phục người Tày. Ảnh: Cổng thông tin tỉnh Bắc Kạn

Câu 3: Nhà sàn là loại nhà truyền thống của người Tày. Họ tính quy mô nhà bằng đơn vị gì?

Người Tày tính quy mô nhà bằng số cột chính

Theo Dư địa chí Thái Nguyên, người Tày thích sống thành bản làng đông đúc, nhiều bản có tới hàng trăm nóc nhà. Ngôi nhà truyền thống của người Tày là nhà sàn có bộ sườn làm theo kiểu vì kèo 4-7 hàng cột. Nhà có hai hoặc bốn mái lợp ngói, tranh hay lá cọ. Ở xung quanh, nhà được thưng ván gỗ hoặc che bằng liếp nứa.

Còn theo tài liệu Bức tranh văn hóa các dân tộc Việt Nam (Nhà xuất bản Giáo dục, 1997), trước đây, do còn nhiều rừng nên người Tày dựng nhà bằng các loại nguyên vật liệu được lấy từ rừng như tre, gỗ, lá cọ. Loại hình nhà sàn cột chôn là loại hình phổ biến.

Sau năm 1960, khi thành lập hợp tác xã nông nghiệp, người dân mới có điều kiện làm loại nhà sàn cột kê trên đá tảng. Phần sàn dùng cho người ở, phần gác để sấy khô, cất giữ một số lương thực, thực phẩm và gầm sàn dùng để nhốt gia súc, gia cầm, chất củi, để nông cụ, cối giã và đan lát.

Người Tày không tính quy mô ngôi nhà bằng số gian mà tính bằng cột chính, chẳng hạn loại nhà 8 cột, 10 cột, 12 cột. Mặt bằng nhà có dạng hình chữ nhật hay dạng gần hình vuông, trong đó dạng gần hình vuông là phổ biến.

Nhà sàn của người Tày ở Định Hóa, Thái Nguyên. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Thái Nguyên

Câu 4: Hoạt động sản xuất nông nghiệp nào chiếm vị trí quan trọng hàng đầu của người Tày?

Đó là nghề trồng lúa nước.

Ruộng nước chiếm vị trí hàng đầu trong hoạt động sản xuất nông nghiệp của người Tày. Ở những địa phương không đủ ruộng nước để canh tác, người Tày trồng lúa khô trên nương rẫy.

Người Tày nổi tiếng làm thủy lợi giỏi. Từ rất lâu đời, họ đã biết áp dụng nhiều biện pháp “dẫn thủy nhập điền”; đưa nước về tưới cho ruộng lúa như đào đắp mương; bắc đường ống nước hoặc máng dẫn nước, đắp đập; làm guồng nước tự động. Họ có tập quán đập lúa ở ngoài đồng trên những máng gỗ; được gọi là loỏng rồi mới dùng dậu gánh thóc về nhà.

Bánh chưng dài mang đặc trưng hương vị ngày tết của người Tày ở vùng cao Bắc Kạn. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bắc Kạn

Ngoài lúa nước, người Tày còn trồng lúa khô, hoa màu, cây ăn quả. Chăn nuôi phát triển với nhiều loại gia súc, gia cầm; nhưng cách nuôi thả rông cho đến nay vẫn còn khá phổ biến. Các nghề thủ công gia đình được chú ý; nổi tiếng nhất là nghề dệt thổ cẩm với nhiều loại hoa văn đẹp và độc đáo.

Nguồn lương thực của người Tày khá phong phú, chủ yếu là từ các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi. Trước đây, người Tày ăn xôi nếp là chính, cơm tẻ được ăn ít hơn, khoai, sắn, đậu, bí… ; thường được dùng để nấu độn với gạo hoặc dùng để chăn nuôi gia súc.

Câu 5: Nhạc cụ dưới đây có mặt trong hầu hết hoạt động văn hóa, văn nghệ của người Tày?

Đó là đàn tính

Trong đời sống người Tày, loại văn học truyền miệng chiếm vị trí quan trọng nhất với các thể loại như thần thoại, cổ tích, truyện cười. Dân ca người Tày gồm lượn, thơ lẩu và hát Then. Người Tày có nhiều làn điệu dân ca như lượn, phong slư, phuối pác, phuối rọi, vén eng.

Cùng với điệu hát Then, chiếc đàn tính là một phần không thể thiếu; trong đời sống sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Cây đàn tính gồm ba bộ phận chính: bầu vang, cần đàn và dây đàn. Bầu vang là bộ phận tăng âm được làm bằng nửa quả bầu khô. Vì vậy, kích thước phụ thuộc vào quả bầu lớn nhỏ khác nhau. Để có độ vang, âm sắc chuẩn, người ta thường chọn quả bầu tròn và dày đều.

Cần đàn được làm bằng gỗ, có một đầu xuyên qua bầu vang; đầu còn lại được uốn cong hình lưỡi liềm gọi là đầu đàn. Một cây đàn tính hát Then thường có ba dây, tượng trưng cho cha, mẹ và đất nước.

Theo https://vnexpress.net/