Chỉ số xét nghiệm gan nói gì về sức khỏe của bạn?

Xét nghiệm máu đánh giá chức năng gan để phát hiện tổn thương, giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp cho các bệnh lý ở gan.

Theo BS.CKI Hoàng Đình Thành, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, xét nghiệm máu để đánh giá chức năng gan là một trong những biện pháp chẩn đoán cận lâm sàng được chỉ định để đo lường sức khỏe của gan, kiểm tra tình trạng nhiễm trùng, theo dõi sự phát triển của bệnh lý ở gan, đánh giá tác dụng phụ có thể xảy ra của các loại thuốc điều trị.

Các xét nghiệm chức năng gan, kiểm tra nồng độ của một số men, albumin, protein, đường, chỉ số về đông máu… Khi chỉ số cao hơn hoặc thấp hơn giới hạn bình thường có thể cho thấy một số vấn đề về gan của người bệnh. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm bất thường không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của bệnh lý. Bác sĩ điều trị sẽ đọc kết quả, giải thích với người bệnh ý nghĩa của chỉ số và tư vấn phù hợp.

Một số chỉ số xét nghiệm chức năng gan phổ biến bao gồm các loại men như Alanin transaminase (ALT), Aspartate transaminase (AST), Alkaline phosphatase (ALP), Gamma-glutamyltransferase (GGT), L-lactate dehydrogenase (LDH)… Nhóm các men này đảm nhiệm nhiều chức năng khác nhau ở gan và ít xuất hiện trong máu. Ở mức độ nhẹ, nồng độ men tăng từ 1-2 lần, mức độ trung bình tăng trên 2-5 lần và trên 5 lần là tổn thương nặng.

Albumin liên quan đến sức khỏe của gan. Đây là loại protein quan trọng được tổng hợp tại gan với định lượng khoảng 10,5 gram/ngày. Vai trò của albumin là duy trì áp lực thẩm thấu, vận chuyển các chất, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng… Nồng độ albumin trong máu thấp hơn mức bình thường cho thấy chức năng gan suy giảm.

Chỉ số bilirubin cũng được chỉ định để đánh giá sức khỏe của gan. Bilirubin là sắc tố màu vàng cam được tạo ra bởi quá trình phân hủy của hồng cầu. Hàm lượng sắc tố này trong máu tỷ lệ thuận với nguy cơ mắc các bệnh lý có liên quan đến gan, thiếu máu… Để đánh giá sức khỏe của gan, bác sĩ còn khuyến khích người bệnh xét nghiệm prothrombin nhằm kiểm tra thời gian đông máu. Chỉ số prothrombin tăng khi gan đang bị tổn thương hoặc một số trường hợp do tác dụng phụ của thuốc làm loãng máu.

Bác sĩ Đình Thành cho biết, với các chỉ số liên quan đến men gan, thường không có giới hạn cao nhất. Tùy theo loại bệnh sẽ có mức độ cụ thể. Tuy nhiên, nếu chỉ số này tăng hoặc giảm bất thường đều tiềm ẩn nguy cơ tổn thương gan nặng hoặc các tế bào gan đã bị hủy hoại hoàn toàn.

Làm gì khi chỉ số xét nghiệm bất thường?

Khi nhận được kết quả xét nghiệm bất thường, một số người bệnh có thể thấy hoang mang. Tuy nhiên, các chuyên gia gan mật khuyến cáo không nên quá lo lắng. Xét nghiệm máu chỉ là một phần trong quá trình thăm khám cận lâm sàng. Đó chưa phải là kết luận cuối cùng về tình trạng sức khỏe.

Bác sĩ dựa trên kết quả xét nghiệm để xác định các bước tiếp theo phải thực hiện. Nếu nghi ngờ người bệnh có bệnh lý tiềm ẩn, bác sĩ chỉ định xét nghiệm lại vào thời điểm khác hoặc làm thêm các xét nghiệm viêm gan như A, B, C, D, E; xác định tải lượng ADN hoặc ARN của virus…

Người bệnh cũng cần thực hiện thêm các chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, siêu âm đo độ đàn hồi gan (fibroscan), chụp cắt lớp vi tính (CT), cộng hưởng từ (MRI)… để xác định mức độ tổn thương gan hoặc phát hiện các tổn thương gan như ung thư hoặc áp xe gan. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định sinh thiết gan để loại trừ nguyên nhân ung thư hay đánh giá nguy cơ xơ hóa, nhiễm mỡ.

Với những trường hợp khác, bác sĩ sẽ bắt đầu từ việc xem xét lại tiền sử bệnh, loại thuốc đang dùng (nếu có) để xác định nguyên nhân khiến cho các chỉ số xét nghiệm bất ổn. Nếu do tác dụng phụ của thuốc, người bệnh sẽ được điều chỉnh thuốc. Với người bệnh có thói quen sử dụng rượu bia, ít vận động… bác sĩ khuyến khích thay đổi lối sống để cải thiện sức khỏe tổng thể, bao gồm sức khỏe của gan.

Bác sĩ Hoàng Đình Thành khuyến khích người bệnh nên xét nghiệm máu kiểm tra sức khỏe gan định kỳ hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ để tầm soát hoặc đánh giá tiến triển, điều chỉnh kế hoạch điều trị. Xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, lối sống lành mạnh. Người bệnh không tự ý dùng các loại thuốc chưa được khoa học kiểm chứng hay tự chữa bệnh gan tại nhà theo lời truyền miệng để phải đánh mất cơ hội chữa trị sớm và hiệu quả.

Số liệu thống kê của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IACR), trực thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2020 nước ta có gần 26.420 ca ung thư gan phát hiện mới, đứng đầu trong 5 loại ung thư phổ biến.

Theo https://vnexpress.net/