KHÔN KHÉO, THÂN THIỆN, … KHÔNG TÙY THUỘC VÀO TRÌNH ĐỘ

Thông minh thường do thiên phú. Tất nhiên cũng có ngoại lệ nhờ quá trình rèn luyện mà nên. Trình độ con người cao thấp phụ thuộc vào trí thông minh mà thành. Khôn khéo, thân thiện không tùy thuộc vào trình độ nhưng có thể được nói là thông minh…!

Khi nghe qua kiểu tư duy, suy luận như thế này, chắc hẳn mọi người luôn cảm thấy có điều gì đó lòng vòng, khó hiểu. Thông minh thì ai cũng có trí thông minh chứ? Có điều được khai sáng, được lộ diện với đời chưa mà thôi.

Mọi người thường cho rằng người thông minh thường có thể làm được tất cả. Nhưng với tôi chưa hẵn là như vậy. Bởi không ai lại bỏ công làm tất cả những gì mình chưa từng làm. Những việc chưa làm tất nhiên là chưa biết, chưa thạo. Và như vậy không thể nói là giỏi, là thông minh.

Nhưng ngược lại những người thường bị cho là kém cõi; chậm chạp; ù lì; thiếu nhạy bén, …; họ thường trổ tính cần mẫn, mài mò, chuyên sâu, thạo những lĩnh vực họ làm,… Nếu ai đó buông lời phán xét: Sao hay vậy?/ giỏi thế?/ thông minh quá!/… xứng đáng vô cùng.

KỸ NĂNG CẦN BIẾT chia sẻ câu chuyện mà các em học sinh tiểu học đã từng tìm hiểu nhiều năm qua để làm sáng tỏ những điều đã được xem qua.

CHUYỆN BÁN HÀNG

         Những người bán ớt sẽ luôn gặp phải câu hỏi như thế này: “ớt của anh (chị) có cay không?”. Gặp câu hỏi như thế thì phải trả lời sao đây nhỉ?

         Nếu nói cay, những người sợ cay, họ sẽ bỏ đi ngay; còn nếu bảo không cay, cũng có thể khách hàng lại là người thích ăn cay. Như vậy việc làm ăn lại gặp rủi ro.

         Một ngày kia, không có việc gì làm, tôi đến đứng bên cạnh chiếc xe ba gác của một chị bán ớt. Tôi thử xem chị ấy giải quyết hai vấn đề hoàn toàn tương phản này như thế nào.

        Nhân lúc không có người đến mua, tôi cố làm ra vẻ thông minh mà nói với chị ấy rằng: “Chị hãy chia số ớt này thành hai đống đi. Nếu có người muốn mua cay thì cho họ đống này; còn nếu không, thì cho họ đống kia”. Chị bán ớt cười với tôi và dịu dàng nói: “Không cần đâu!” Đang nói thì một người đến mua, và điều thần kỳ đã xảy ra, rốt cuộc bà chủ ớt đã nói thế nào nhỉ? …

        Quả nhiên chính là câu hỏi đó: “Ớt của chị có cay không?” Chị bán ớt rất chắc chắn mà bảo khách hàng rằng: “Màu đậm thì cay, còn nhạt thì không cay!”. Người mua ngỡ là thật, chọn xong liền trả tiền, vui lòng mà đi. Chẳng mấy chốc, chỉ những quả ớt có màu nhạt sót lại và chẳng còn bao nhiêu.

          Lại có khách hàng đến, vẫn là câu hỏi đó: “Ớt của chị có cay không?” Chị bán ớt nhìn vào số ớt của mình một cái, liền mở miệng nói…

Lần này bà chủ trả lời: “Ớt dài thì cay, ớt ngắn không cay!” Quả nhiên, người mua liền dựa theo tiêu chuẩn phân loại của chị mà bắt đầu chọn lựa. Kết quả lần này chính là: ớt dài rất nhanh đã hết sạch.

Nhìn những quả ớt vừa ngắn vừa đậm màu còn sót lại; trong lòng tôi nghĩ: “Lần này xem chị còn nói thế nào đây?”. Tuy thế, khi một khách hàng khác hỏi: “Ớt có cay không?”

Chị bán ớt hoàn toàn tự tin mà trả lời rằng: “Vỏ cứng thì cay, vỏ mềm không cay!”.

Tôi thầm bội phục, không phải vậy sao? Bị mặt trời phơi cả nửa ngày trời. Quả thực có rất nhiều quả ớt vì mất nước mà trở nên mềm nhũn đi.

Chị bán ớt bán xong số ớt của mình. Trước khi đi, chị nói với tôi rằng: “Cách mà cậu nói đó, thật ra những người bán ớt chúng tôi đều biết cả; còn cách của tôi thì chỉ có mình tôi biết thôi”. Thật là thần kỳ vậy! Chỉ cần một chút khéo léo, bà chủ đã bán ớt nhanh hơn.

Câu chuyện kỳ thực đã để lại trong lòng tôi quá nhiều cảm xúc. Tôi thầm kính phục những con người khéo léo, thân thiện, biết phát huy giá trị chân thiện mỹ của chính công việc mình đang làm.

Không chờ đợi phải trình độ cao. Không cần phải chứng tỏ mức độ cao vượt trội để tự hào là thông minh. Hãy hoàn thiện mình từ việc nhỏ! Hãy chứng tỏ tôi làm công việc nhỏ kia không ai thành thạo hơn! Giá trị của thông minh là ở chỗ đó!

Thật tuyệt vời!

Chúc mọi người sở hữu những ngày cuối tuần tràn đầy niềm vui và thật hạnh phúc!

Tô Ngọc Sơn – KỸ NĂNG CẦN BIẾT

Advertisement