5 Bảo vật Quốc gia được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh An Giang

Theo thông tin của Bảo tàng tỉnh An Giang, Bảo tàng tỉnh An Giang mở cửa phòng trưng bày Bảo vật Quốc gia cho 5 Bảo vật quốc gia thuộc sở hữu của Bảo tàng An Giang gồm: Tượng Brahma Giồng Xoài (niên đại: Thế kỷ VI – VII); Bộ Linga-Yoni Đá Nổi (niên đại: Thế kỷ V – VI); Tượng Phật đá Khánh Bình (niên đại: Thế kỷ VI – VII); Tượng Phật gỗ Giồng Xoài (niên đại: Thế kỷ IV – VI) và Bộ Linga – Yoni Linh Sơn (niên đại: Thế kỷ VII).

Tượng Brahma Giồng Xoài

Tượng Brahma Giồng Xoài thể hiện chặt chẽ các đặc điểm quy chuẩn của một tượng thần Brahma

Tượng Brahma Giồng Xoài (niên đại Thế kỷ VI – VII) bằng sa thạch. Hiện vật được tìm thấy ở khu vực Giồng Xoài (khu di tích Óc Eo-Ba Thê) vào năm 1983. 

Tượng thần Brahma là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Tượng thể hiện chặt chẽ các đặc điểm quy chuẩn của một tượng thần Brahma với nhiều nét đặc điểm của nghệ thuật Ấn-Âu còn rất rõ. 

Tượng thần Brahma là một trong số những tư liệu khảo cổ học rất quan trọng tại di tích Giồng Xoài (khu di tích Óc Eo – Ba Thê).  Là sản phẩm của quá trình trao đổi giao lưu văn hóa giữa văn hóa Ấn Độ với cư dân bản địa ở vùng đất Nam Bộ trong trong quá trình hình thành và phát triển của văn hóa Óc Eo. 

Bộ Linga-Yoni Đá Nổi

Bộ Linga-Yoni Đá Nổi là hiện vật duy nhất loại này làm bằng vàng được tìm thấy trong văn hóa Óc Eo hiện nay

Bộ Linga-Yoni Đá Nổi (niên đại: Thế kỷ V – VI): bộ linga-yoni được phát hiện ở khu di tích Đá Nổi (Phú Hòa, An Giang); là hiện vật gốc, được phát hiện trong cuộc khai quật khảo cổ học.

Bộ linga-yoni bằng kim loại bằng vàng, đồng thau; là sản phẩm của quá trình trao đổi, giao lưu văn hóa của cư dân văn hóa Óc Eo với bên ngoài, đặc biệt là văn hóa Ấn Độ gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của văn hóa Óc Eo.

Bộ linga-yoni là hiện vật tiêu biểu cho dấu ấn lịch sử mạnh mẽ của văn hóa Ấn Độ đối với vùng đất Nam Bộ và khu vực Đông Nam Á, đặc biệt trong nữa sau thiên niên kỷ I. Nó là bằng chứng quan trọng trong việc nhận diện lịch sử phát triển của các hoạt động trao đổi thương mại, tương tác văn hóa cùng lịch sử truyền bá-ảnh hưởng của tôn giáo từ nền văn minh Ấn Độ đến vùng đất này trong lịch sử.

Tượng Phật đá Khánh Bình

Tượng Phật đá Khánh Bình là một trong số rất hiếm hoi tượng Phật thuộc thời kỳ văn hóa Óc Eo còn nguyên vẹn và có thể được xếp vào nhóm những điêu khắc Phật giáo bằng đá còn nguyên vẹn

Tượng Phật đá Khánh Bình (niên đại Thế kỷ VI – VII) bằng sa thạch hạt mịn màu xám nhạt, được phát hiện ở xã Khánh Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang. 

Tượng Phật đá là một trong số rất hiếm hoi tượng Phật thuộc thời kỳ văn hóa Óc Eo còn nguyên vẹn và có thể được xếp vào nhóm những điêu khắc Phật giáo bằng đá còn nguyên vẹn, có độ hoàn thiện rất cao và rất tiêu biểu thuộc nền văn hóa này đã đươc phát hiện và biết đến hiện nay.

Xét trên bình diện chung của đồng bằng sông Cửu Long, tượng Phật đá có thể xếp chung nhóm với các hiện vật bằng đá cùng loại như tượng Phật Sơn Thọ (bảo vật quốc gia năm 2018), tượng Phật Nền Chùa (Kiên Giang)… là những hiện vật đẹp nhất và tiêu biểu nhất thuộc phạm trù văn hóa Óc Eo ở đồng bằng sông Cửu Long.

Tượng mang đặc trưng của phong cách nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ với những đường nét tiêu biểu từ nền nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ, thông qua giao lưu, trao đổi thương mại du nhập đến khu vực Đông Nam Á vào khoảng giữa thiên niên kỷ I Công nguyên.

Hiện vật là sản phẩm của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa diễn ra rất mạnh trong thiên niên kỷ I Công nguyên giữa cư dân đồng bằng sông Cửu Long với Ấn Độ nói riêng thông qua các hoạt động trao đổi thương mại rất phát triển trong thời kỳ này.

Tượng Phật gỗ Giồng Xoài

Tượng Phật gỗ Giồng Xoài là sản phẩm của quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa vốn diễn ra rất mạnh mẽ trong giai đoạn phát triển đỉnh cao của nền văn hóa Óc Eo

Tượng Phật gỗ Giồng Xoài (niên đại Thế kỷ IV – VI): Tượng được phát hiện vào năm 1983 khi người dân đào mương dẫn nước ở khu vực gò Giồng Xoài và được Bảo tàng tỉnh An Giang sưu tầm chuyển về bảo tàng vào năm 1984. Các điêu khắc tôn giáo thuộc nhóm hiện vật đặc biệt tiêu biểu và quý hiếm trong các di tích văn hóa Óc Eo ở đồng bằng sông Cửu Long.

Tượng được chế tác theo mẫu quy chuẩn của tượng Phật giáo Theravada có nguồn gốc từ Ấn Độ, song chất liệu, đặc điểm khuôn mặt cùng các chi tiết thể hiện cho thấy nó là sản phẩm của quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa vốn diễn ra rất mạnh mẽ trong thời kỳ văn hóa Óc Eo, đặc biệt vào giai đoạn phát triển đỉnh cao của nền văn hóa này.

Đây là là tư liệu lịch sử quan trọng đối với việc tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử mỹ thuật, tôn giáo, lịch sử trao đổi-quan hệ văn hóa cũng như nhận diện các đặc điểm văn hóa – xã hội – tín ngưỡng – cư dân ở Óc Eo – Ba Thê nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung trong thời kỳ này.

Bộ Linga – Yoni Linh Sơn

Bộ Linga – Yoni Linh Sơn là đại diện tiêu biểu cho nghệ thuật tạo hình đặc trưng của văn hóa Óc Eo

Bộ Linga – Yoni Linh Sơn (niên đại Thế kỷ VII): Bộ linga – yoni liền khối được chế tác từ sa thạch hạt mịn màu nâu đen.

Hiện vật được người dân phát hiện năm 1985 tại chân núi phía đông thuộc khu vực chùa Linh Sơn thuộc ấp Trung Sơn, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Bộ linga – yoni cùng với khối bệ nhiều tầng còn nguyên vẹn với đặc trưng trong kết cấu và sự hoàn thiện về kỹ thuật điêu khắc chế tác và thẩm mỹ, là sản phẩm của quá trình giao thoa, trao đổi văn hóa và đặc biệt mang đậm nét văn hóa – tôn giáo Ấn Độ giáo. Là một hiện vật đại diện tiêu biểu cho nghệ thuật tạo hình đặc trưng của văn hóa Óc Eo  vốn có quá trình hình thành, phát triển lâu dài để kết tinh và định hình nên một phong cách nghệ thuật riêng – nghệ thuật Óc Eo hay nghệ thuật Phù Nam. Nền nghệ thuật này khác với Champa, phát triển trước và là nền tảng, có tác động lan tỏa đối với các nền nghệ thuật cổ đại trong khu vực.

Các hiện vật được trưng bày lần này là đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia; là những tư liệu rất quý, hiếm, có giá trị quan trọng cho việc góp phần nghiên cứu lịch sử tôn giáo ở Nam Bộ, lịch sử văn hóa Óc Eo, lịch sử vùng đất Nam Bộ cũng như lịch sử Việt Nam, đặc biệt là lịch sử quan hệ quốc tế, trao đổi, giao lưu đa dạng của vùng đất Nam Bộ với thế giới bên ngoài trong thiên niên kỷ I Công nguyên, nhất là với Ấn Độ, Trung Quốc, Đông Nam Á và Địa Trung Hải.

Theo Cổng thông tin điện tử An Giang (http://www.angiang.gov.vn/)

Dinh Phương (sưu tầm)