Khôn ngoan quá cũng dễ thua thiệt, đôi khi ngốc nghếch một chút lại hay

Làm người hiểu biết đã khó, làm được người “ngốc nghếch” lại càng khó hơn.

Người ta nghĩ rằng có tài năng thì phải bộc lộ hết ra ngoài, chứng minh với xã hội để mưu cầu tiến thân. Tuy nhiên, thông minh hay khôn ngoan không phải điều nên thể hiện mọi lúc mọi nơi. Có những thời điểm, “giả ngu” cũng là một nghệ thuật, là cảnh giới cao nhất của sự thông minh.

Nếu để ý và quan sát, hẳn chúng ta sẽ nhận ra xã hội ngày nay có rất nhiều người thông minh, họ phán đoán suy nghĩ của người khác một cách nhanh chóng và không bao giờ bị mắc lừa. Họ tính toán chi li, so đo từng chút để làm sao không thua thiệt, không bị người lừa gạt. Nhưng họ đã quên câu nói của cổ nhân dạy rằng: “Thông minh quá sẽ bị thông minh hại”. Nếu chứng kiến trực tiếp những việc người thông minh làm, chúng ta sẽ phát hiện, bởi vì quá thông minh nên những người này thường bị người khác phòng bị.

Kỳ thực, thông minh cũng không phải là xấu, tuy nhiên, đôi khi trong cuộc sống lại cần “giả ngốc” một chút mới tốt, hơn thế, làm được người thông minh “giả ngốc” quả không dễ dàng. Bởi vậy nên người xưa cho rằng, người thông minh nhưng biết “giả ngốc” đúng lúc mới là đạo xử thế của nhà thông thái, khiến mọi việc được tiến triển thuận lợi hơn. 

Bất cứ ai cũng đều mong bản thân mình được người khác khen ngợi là thông minh, tài giỏi; càng được khen nhiều càng tốt. Nhưng thông minh tài giỏi thật sự phải là luôn được hưởng hạnh phúc vui vẻ; chứ không phải kiểu thông minh luôn phải toan tính, vướng bận trong tâm.

Người thông minh thường nghĩ quá nhiều, tâm trạng cũng vì vậy mà dễ phiền muộn. Quan tâm quá nhiều, dễ mẫn cảm đa nghi. Làm người phải ngốc nghếch một chút; thì mới có thể thản nhiên đối đãi với mọi sự tình trên đời.

Khờ khạo không phải thể hiện chỉ số thông minh thấp hay là người chậm hiểu; mà là thấu tỏ nhân sinh nên thêm một phần thản nhiên. Vậy cho nên, làm người ngốc nghếch một chút sẽ tốt hơn; quá tính toán sẽ chỉ làm khổ bản thân mình.

Với người tham món lợi nhỏ, người biết giả khờ đừng ngại mà nhượng lại họ vài phần. 

Với người ham sĩ diện bề ngoài, đừng ngại mà không buông lời khen họ vài câu.

Với những người thích nịnh hót a dua, tốt nhất hãy yên lặng rời xa, không để ý đến.

Có những người nhìn không thuận mắt thì đừng để ý đến nữa.

Có những lý lẽ không thể nói rõ ràng thì thôi không giải thích thêm nữa.

Có những tư tưởng không thể nghĩ thông, thì thôi đừng mãi vướng bận trong lòng.

Ở đời, không tranh giành là một loại trí tuệ. Buông tha chính mình, cũng là buông tha cho người khác. Khi đó, cuộc đời sẽ thanh thản hơn rất nhiều. Làm người, nên ngốc một chút cũng không có gì là thiệt thòi.

Huy Phạm (sưu tầm)