Cách nhớ bàn phím để đánh máy nhanh ‘vun vút’ trong 7 ngày

Cho dù bạn là nhà văn, thư ký, kế toán, hay thậm chí… game thủ, thì đều có một điểm chung. Đó là có một kỹ năng giúp bạn gia tăng hiệu suất gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp 10. Đó là sử dụng bàn phím không cần nhìn, còn gọi là đánh máy nhanh 10 ngón. Vậy cách nhớ bàn phím ra sao để những con chữ có thể tuôn ra như nước chảy, chứ không phải “mổ cò”?

Vậy cách nhớ bàn phím không cần nhìn và đánh máy nhanh trong 7 ngày là gì?

Nếu để ý, bạn sẽ thấy việc đánh máy nhanh không cần nhìn bàn phím sẽ có hai khía cạnh, giống như chân trái và chân phải. Một là bạn biết cách nhớ bàn phím mà không cần nhìn, và hai là tốc độ di chuyển các ngón tay của bạn tới các phím đó. Tôi không cam kết trong 7 ngày sẽ giúp bạn đánh máy nhanh như tên lửa, song có một điều chắc chắn, bạn sẽ không phải nhìn bàn phím!

Bước 1 – Tập thói quen đặt tay chuẩn trên bàn phím

Nếu để ý bạn sẽ thấy trên bất cứ bàn phím nào, hai chữ cái F và J đều có một đấu _ ở dưới. Dấu này có vai trò gì? Đơn giản là dù có kỹ năng đánh máy nhanh đến mấy, mà trời tối và không thể xác định được phím nào với phím nào, thì cũng bó tay phải không bạn?

Dấu _ ở đây đóng vai trò như cột mốc, mà khi xác định được nó, là bạn có thể biết được vị trí của các phím xung quanh. Điều này có nghĩa là khi bạn biết cách nhớ bàn phím không cần nhìn, thì mất điện hay trời tối, bạn cũng có thể đánh máy chính xác, miễn là xác định được hai chữ F và J này và đặt tay chuẩn như hình dưới.

Theo đó thì:

Bàn tay trái

Ngón út Đặt ở chữ A

Ngón áp út Đặt ở chữ S

Ngón giữa Đặt ở chữ D

Ngón trỏ Đặt ở chữ F

Ngón cái Phím cách

Bàn tay phải

Ngón trỏ Đặt ở chữ J

Ngón giữa Đặt ở chữ K

Ngón áp út Đặt ở chữ L

Ngón út Đặt ở dấu ;

Ngón cái dấu cách

Không ngẫu nhiên mà người ta lại gọi đánh máy nhanh, hay cách nhớ bàn phím và gõ không cần nhìn là đánh 10 ngón. Đó là vì khi bạn đặt tay chuẩn, thì toàn bộ 10 ngón tay sẽ được phát huy sức mạnh. Tốc độ rõ ràng sẽ nhanh gấp 10 lần so với việc mổ cò bằng 1 ngón tay đúng không nào?

Bước 2 – Thuộc từng phím ứng với từng ngón

Một khi bạn đã đặt tay chuẩn rồi, thì bước tiếp theo khá đơn giản. Để tận dụng sức mạnh của cả 10 ngón tay trong khi đánh máy, bạn cần phân chia nhiệm vụ cho từng ngón tay. Hệ bàn phím thông dụng nhất là hệ QWERTY và cách phân bổ ngón tay hợp lý bạn tham khảo hình bên dưới.

Theo đó thì các phím chính được phân bổ như sau:

Bàn tay trái

Ngón út – Q, A, Z, Ctrl trái, Shift trái

Ngón áp út – W, S, X

Ngón giữa – E, D, C

Ngón trỏ – R, T, F, G, V, B

Ngón cái – Phím cách

Bàn tay phải

Ngón cái – Phím cách

Ngón trỏ – Y, U, H, J, N, M

Ngón giữa – I, K

Ngón áp út – O, L

Ngón út – P, Ctrl phải, Shift phải, phím ;, phím /

Và cho dù thế nào, hãy luôn chỉ dùng các ngón tay ứng với từng phím đó mà thôi. Thói quen này rất quan trọng, vì không chỉ là một cách nhớ bàn phím hiệu quả, mà nó sẽ còn giúp bạn tối ưu sự di chuyển các ngón tay, giúp gia tăng tốc độ đánh máy nhanh sau này của bạn.

Có hai cách nhớ bàn phím giúp bạn nhớ từng ngón tương ứng với phím nào, một là thông qua luyện tập, chúng ta sẽ bàn tới ở bước ba. Còn hai là bạn sử dụng phương pháp liên tưởng để ghi nhớ nhanh, kết hợp với với móc treo trí nhớ trong sách Numagician – Đánh thức phù thủy trí nhớ trong bạn.

Đơn giản là bạn coi mỗi ngón tay là một móc treo trí nhớ, bạn có thể loại hai ngón cái ra vì chúng chỉ bấm dấu cách, và cũng chỉ cần tập trung vào chữ cái, loại các ký tự. Lúc này công việc cần làm là biến các chữ cái thành một hình ảnh gì đó dễ nhớ, và liên kết nó với ngón tay của bạn, dễ như treo quần áo vào móc.

Bạn có thể tham khảo cách Fususu làm dưới đây. Đơn giản là nghĩ tới một ngón tay nào đó của bạn, và tưởng tượng ra một hình ảnh dựa trên các chữ cái. Bạn có thể vừa tưởng tượng vừa động đậy các ngón tay tương ứng, sau một vài lần là sẽ thuộc cả bàn phím rất dễ dàng ^^!

Bàn tay trái

Ngón út Q, A, Z – Tưởng tượng dùng ngón út rát ra một Quân ÁT (Q-A), trên đó có hình thần Zeus.

Ngón áp út W, S, X – Tưởng tượng đi vào WC để… Sản Xuất trứng.

Ngón giữa E, D, C – Tưởng tượng hình một EDê Con

Ngón trỏ R, T, F, G, V, B – Tưởng tượng Rờ Tay Fải Gắng Vuốt Bụng

Bàn tay phải

Ngón trỏ Y, U, H, J, N, M – Tưởng tượng một cô bé tên YU (đọc như You), Hát Jữa Nắng Mưa

Ngón giữa I, K – Tưởng tượng về một em bé (6) ÍKhóc

Ngón áp út O, L – Tưởng tượng nó đang Ôm cây Lúa

Ngón út P – Tưởng tượng ngón út phải có cái bụng Phệ

Bằng cách nhớ bàn phím độc đáo này, và tưởng tượng ra các câu chuyện như trên một vài lần, cả bàn phím máy tính sẽ được liên kết với các ngón tay của bạn cực kỳ nhanh chóng. Nhắm mắt bạn cũng có thể hình dung phím nào gần ngón tay nào, và dần dần là cả bàn phím trong đầu mà không cần nhìn!

Bước 3 – Luyện tập đánh máy nhanh với top các từ thông dụng

Việc biết cách nhớ bàn phím mà không cần nhìn không đồng nghĩa với việc bạn có thể đánh máy nhanh. Thực tế là hồi trước khi tập đánh máy nhanh không cần nhìn, tôi có thể nhìn bàn phím và… đánh máy nhanh hơn rất nhiều những người không cần nhìn đấy, ha ha.

Lý do là thời đó chưa có smartphone, nên tôi đã dành nhiều giờ mỗi ngày lang thang trên mạng, và chát chít qua Yahoo Messenger, rồi tham gia các diễn đàn, đóng góp cả triệu chữ trên đó. Do có quá nhiều kinh nghiệm thực chiến, nên kể cả “mổ cò”, thì tôi cũng có thể “mổ” khá nhanh (tốc độ chắc khoảng 50-60wpm).

Song tất nhiên, khi tôi biết tới lợi ích của việc đánh máy nhanh không cần nhìn, tôi đã luyện tập và tăng gấp đôi tốc độ đánh máy của mình, lên khoảng 90-115wpm tùy loại văn bản như bạn đã thấy. Để luyện tập một cách hiệu quả, thì bạn cũng cần phải có chiến thuật.

Việc theo một phần mềm luyện tập đánh máy nhanh nào đó cũng tốt, vì chúng thường được nghiên cứu với các bài tập tối ưu, giúp bạn rút ngắn thời gian luyện tập. Song cá nhân tôi thường thích kết hợp mọi thứ với nhau, nên nghĩ ra một cách giúp bạn tối ưu hơn cả.

Đó là bạn hãy luyện tập với danh sách các từ thông dụng. Khi bạn đã quen gõ các từ thông dụng rồi, thì tất nhiên tốc độ đánh máy của bạn sẽ được tăng lên rất đáng kể đấy. Bạn có thể truy cập trang 10fastfingers.com/top1000 để có danh sách các từ này trong từng ngôn ngữ và bắt đầu luyện tập.

Một cách khác là bạn tải danh sách 1000 từ thông dụng do Fususu dày công biên tập tại đây. Đây thực ra là danh sách các từ tiếng Anh thông dụng, song có cả nghĩa tiếng Việt nên hoàn toàn áp dụng được cho tiếng Việt. Sau đó bạn đơn giản là mở Google Docs, và tập gõ lại danh sách từ này mỗi ngày cho tới khi quen tay.

Cách nhớ bàn phím và đánh máy nhanh không cần nhìn áp dụng cho tiếng Việt có dấu?

Hầu hết các phần mềm đánh máy thường chỉ hỗ trợ luyện tập cho tiếng Anh, song bạn cũng đừng quá lo lắng. Nếu bạn có thể đánh máy nhanh tiếng Anh, thì việc đánh máy nhanh tiếng Việt cũng không quá khó. Bản chất đánh máy có dấu trong tiếng Việt là bạn phải gõ thêm một vài phím cho các dấu, vậy thôi!

Chẳng hạn trong hệ gõ tiếng Việt Telex, nếu bạn gõ 2 phím E thì sẽ có chữ Ê, hai phím O sẽ có chữ Ô, rồi gõ A và S thì sẽ có dấu sắc thành Á, v.v… còn trong hệ gõ VNI thì sẽ quy định khác, kết hợp với các con số từ 1 tới 9 để thành dấu. Bạn nên thử và chọn cho mình một kiểu gõ phù hợp, và luyện tập thêm một chút là được.

Vậy là bạn đã biết cách nhớ bàn phím và đánh máy nhanh và không cần nhìn rồi!

Bạn thấy đấy, việc đánh máy nhanh không chỉ cần bàn tay nhanh, mà còn cần sử dụng bộ não nữa đúng không nào. Mọi thứ đều phải có chiến thuật của nó thì mới mang lại hiệu quả được. Mà thật ra thì có gì không phải dùng tới não đâu cơ chứ? Bạn có biết cách đánh máy nhanh hay cách nhớ bàn phím không cần nhìn nào không? Hãy comment nhé!!!

Phạm Thị Ngọc Nga (sưu tầm)/ Nguồn: https://xahoi360.com/