CÁCH NHÌN NGƯỜI ĐẰNG SAU CHIẾC MẶT NẠ

Nhìn người, biết nhìn người là một trong những kỹ năng rất cần thiết. Bài viết CÁCH NHÌN NGƯỜI ĐẰNG SAU CHIẾC MẶT NẠ sẽ giúp chúng ta có thêm nhiều ý tưởng hay, bổ ích cho cuộc sống!

1. Dùng THỜI GIAN nhìn người

Tục ngữ có câu: “Thức lâu mới biết đêm dài, chơi lâu mới biết là người cố nhân”. Thông thường, con người dù có che giấu tính cách của mình thế nào; rồi cuối cùng sẽ lộ ra bộ mặt thật. Ta dùng “thời gian” thường rất dễ để nhận ra mấy loại người dưới đây:

– Người không thành khẩn: Vì người ta không thành thật. Do vậy lúc đầu rất nhiệt tình, sau đó lại thờ ơ. Lúc đầu thân thiện, sau lại xa lạ.

– Người nói dối: Nói dối lâu, sau đó sẽ lộ ra từ đầu đến cuối. Cây kim trong bọc lâu ngày còn lộ ra.

– Người lời nói không đi đôi với hành động: Loại người này nói; và làm là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Trước mặt họ dạ vâng nhưng sau lưng họ làm những điều hoàn toàn khác.

2. Dùng NGHE NGÓNG để nhìn người.

Con người ta luôn phải giao tiếp với người khác; đồng thời bản tính dễ bị lộ ra bởi người thứ ba không liên quan. Nếu bạn nghe từ bạn thân của người ta thì đương nhiên bạn chỉ nghe những lời nói tốt. Nếu nghe từ những đối thủ của họ, bạn sẽ nghe được những lời nói xấu.

Chúng ta thường nói “rau nào sâu nấy”, “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Điều này có nghĩa là người như thế nào sẽ chơi với người thế nấy. Cách nhìn nhận và quan điểm sống của những người bạn chơi cùng nhau; phải có những điểm tương đồng thì họ mới có thể chơi với nhau.

Do vậy người có tính tình cương trực, thẳng thắn khó có thể hợp với người mưu lược. Người thích rượu chè, cờ bạc không thể trở thành bạn thân của người chuẩn mực.

Ngoài ra, ta còn có thể nghe ngóng tình hình trong gia đình người ta. Hãy xem người ta cư xử với cha mẹ như thế nào; đối với anh chị em, vợ chồng, con cái ra sao, đối với hàng xóm như thế nào.

3. Dùng ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG, SỞ THÍCH để nhìn người.

Tôi có đọc 1 truyện ngụ ngôn Hy Lạp kể rằng: “Có một vị quân vương nuôi vài con khỉ trong nhà. Anh ta luyện cho chúng cách nhảy múa, và mặc cho chúng những bộ quần áo tuyệt đẹp, đeo cho chúng những chiếc mặt nạ hình mặt người. Khi lũ khỉ nhảy múa trông rất giống như người thật.

Một ngày kia, vị quân vương bắt bọn khỉ nhảy múa cho các triều thần thưởng thức. Diễn xuất điêu luyện của lũ khỉ đã nhận được nhiều tràng vỗ tay khen ngợi. Nhưng trong số các triều thần, có một vị đã cố ý làm rơi một trái chuối trên sàn nhà. Những con khỉ thấy vậy đã tháo lớp mặt nạ, lao vào để tranh nhau trái chuối. Kết quả là cuộc trình diễn tinh vi của lũ khỉ đã trở thành trò chế giễu cho mọi người.”

Câu chuyện ngụ ngôn này nói rõ cho ta thấy bản tính của khỉ không thể thay đổi dù đã được học nhảy múa và đeo mặt nạ. Khỉ vẫn là khỉ, nhìn thấy trái chuối sẽ lộ nguyên hình. Cũng vẫn đúng nếu ta đem so sánh giữa con người với các chú khỉ ở trên.

Con người ta hàng ngày không phải đang đeo những chiếc mặt nạ để đóng các vai và để biểu diễn trên sân khấu của cuộc đời hay sao?

Do vậy kẻ tiểu nhân đang đeo mặt nạ nhiều khi sẽ làm cho bạn lầm tưởng đó là quân tử. Kẻ ác đeo mặt nạ nhiều khi làm cho bạn nhầm tưởng đó là người lương thiện. Kẻ háo sắc đeo mặt nạ làm bạn tưởng nhầm là người đoan chính, tử tế.

Biểu hiện của con người có thể không trực tiếp giống như khỉ, nhưng cho dù người đó có cải trang thế nào, gặp phải thứ trong lòng yêu thích, người ta sẽ vô thức và hiện rõ bộ mặt thật của chính mình.

Do vậy kẻ háo sắc bình thường rất tử tế nhưng nhìn thấy người đẹp, hai mắt sẽ dán chặt vào người đẹp, ngôn từ thất thái. Kẻ thích đánh bạc bình thường không đam mê, nhưng nhìn thấy chiếu bạc không thể kìm nén được bản thân. Kẻ dám danh lợi bình thường sẽ không thể hiện nhưng khi thấy được danh lợi sẽ bất chấp mọi thủ đoạn để đạt cái mình muốn.

SÓI THÌ MÃI LÀ SÓI CHỨ KHÔNG THỂ ĐEO MÃI BỘ MẶT CỦA CỪU.

Huỳnh Triều (chia sẻ)