Thầy cô đã thay đổi: “Kỷ luật thép” chỉ tạo nên áp lực

Không chỉ giáo viên cần sự tôn trọng của học sinh mà các em cũng cần điều đó từ thầy cô.

Trong dòng chảy đổi mới, cùng với thay đổi tích cực của đội ngũ giáo viên về tư duy quản lý lớp học, vẫn còn bộ phận thầy cô quan niệm dạy học là truyền thụ kiến thức, quản lý học sinh bằng kỷ luật thép…

Dồn mọi thứ lên học trò

Nhiều năm gắn bó với bục giảng, NGƯT Tô Ngọc Sơn, giáo viên Trường Tiểu học Chu Văn An, thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp, cảm nhận rõ sự chuyển biến tích cực của giáo dục. Đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng, tiếp nhận đổi mới và đã mạnh dạn áp dụng vào thực tế giảng dạy. Những tiết dạy theo hướng tiếp cận năng lực người học được vận dụng một cách linh hoạt và sáng tạo… Thế nhưng, bên cạnh những tín hiệu vui ấy, đâu đó vẫn còn những trăn trở. Vẫn còn có học sinh sợ đến trường bởi quá nhiều áp lực; nhiều thầy cô còn vướng mắc rào cản khuôn khổ…

“Bản thân tôi trong quá trình giảng dạy vẫn còn trách phạt học sinh, dù đó chỉ là những lời lẽ quở trách đơn thuần, phạt đứng lên vài phút… Những lần thể hiện thái độ bức xúc của mình trước học trò ấy đều để lại trong tôi cảm giác day dứt. Tôi dần hiểu rằng, khi dùng kỷ luật thép với học trò, các em có thể thực hiện đúng nội quy, lớp học có thể sẽ rất trật tự nền nếp; nhưng các em sẽ ngày càng thụ động và mỗi ngày đến trường, đến lớp đều cảm thấy áp lực” –  NGƯT Tô Ngọc Sơn chia sẻ.

Ông Hà Đình Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS, THPT ICOSchool (Bắc Giang) thì trăn trở với tư duy sính bằng cấp và cho rằng, biểu hiện rõ nhất của bệnh sính bằng cấp là ai cũng thích điểm số cao và đánh đồng điểm số cao là năng lực, thành công của người học. Nên, vì điểm số trong học tập mà cha mẹ tạo áp lực cho con cái học ngày học đêm, học chính khóa không đủ thì học thêm ở trường; ở trường chưa yên tâm lại đưa con về học thêm ở nhà thầy cô. Trong nhà trường, vẫn còn hiện tượng hiệu trưởng ép kết quả môn học với giáo viên; rồi giáo viên ép xuống học sinh; học sinh thì quá tải; phụ huynh lo lắng đã tạo nên những căng thẳng không có hồi kết.

“Xét ở tầm vĩ mô, hiện nay, các cấp chính quyền địa phương vẫn quản lý giáo dục một cách phiến diện; tiêu chí đánh giá xếp loại các nhà trường và ngành Giáo dục hầu như chỉ căn cứ vào kết quả học tập của học sinh và không chú ý đầy đủ đến nhiều tiêu chí khác nên càng khiến cho các nhà trường chạy theo thành tích điểm số và các giải học sinh giỏi. Bởi thế mà nhiều đứa trẻ sợ hãi khi nghĩ đến việc học tập và thi cử” – ông Hà Đình Sơn trăn trở.

Thầy và trò Trường THPT Phạm Phú Thứ (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng).

Tự tạo áp lực cho mình

Từng nhiều năm làm quản lý giáo dục ở các vị trí khác nhau, ông Nguyễn Đình Vĩnh – Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng cho rằng: Không ít giáo viên tự tạo áp lực về chất lượng cho mình và áp lực lên học sinh. Trong khi đó, với chuẩn giáo dục, học sinh trung bình sẽ là số đông chứ không phải là học sinh khá, giỏi. Việc giáo viên mong muốn có nhiều HS khá, giỏi nên cứ “đôn” những kiến thức khó khiến cả hai bên đều bị căng thẳng. 

Ông Vĩnh kể, có HS cũ viết thư chia sẻ rằng: “Em trúng tuyển vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn với rất nhiều tự ti, cô đơn và lạc lõng. Vừa bị áp lực từ phía thầy giáo dạy đội tuyển, vừa thêm áp lực từ những lời căn dặn phải học làm sao để xứng đáng với truyền thống của trường, em căng thẳng và suy sụp tinh thần”. Điều này cho thấy, thành tích cũng như sự kỳ vọng vào những tiến bộ nhanh chóng, vượt bậc của HS, trong rất nhiều trường hợp, trở thành một áp lực với cả giáo viên và HS. 

Ông Ngô Ngọc Hoàng Vương – Trưởng phòng Chính trị – Tư tưởng, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã dẫn ví dụ về trường hợp một GV được đánh giá có chuyên môn tốt, đạo đức tốt nhiều năm liền nhưng đã dùng roi đánh học trò vì các em bị ghi sổ đầu bài, kéo thành tích thi đua của lớp đi xuống. Đòn roi trong lúc nỏng nảy sẽ xả được cơn giận của người giáo viên. “Vết hằn” trên cơ thể HS sẽ mờ đi chỉ sau vài ba ngày, nhưng “vết hằn” trong tâm hồn các em sẽ còn mãi khi nhớ về những ngày tháng đi học. 

Mới đây, vụ việc cô giáo A.T.T. – GV chủ nhiệm lớp 3, Trường Tiểu học Nguyễn Du (xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk) dùng thước gỗ đánh bầm tím đùi một HS ngay trong lớp học đã khiến dư luận không khỏi bức xúc. Nguyên nhân do em này không mang theo đồ dùng học tập, không làm được bài trong giờ học môn Toán. Trong bản tường trình, cô T. cũng cho biết, bản thân muốn HS tiến bộ nên đã bức xúc, không kiềm chế được nên mới có hành động không đúng. 

Theo cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), nguồn gốc của những cơn phẫn nộ, ứng xử lệch chuẩn của phụ huynh phần lớn là do cách xử lý tình huống của giáo viên. Cô Nguyệt đơn cử một HS của trường có ba mẹ ly hôn, hay tới trường để giành đón con; thường xuyên cho con nghỉ học, đi học muộn, sách vở cũng không chuẩn bị đầy đủ.

“Năm cháu học lớp Một không có vấn đề gì xảy ra. Em được cô giáo hỗ trợ nhiều trong học tập, có vở dự phòng cho học sinh, thậm chí, giáo viên đã gặp phụ huynh để trao đổi nhằm hạn chế những ảnh hưởng đến tâm lý cũng như việc học của con. Sau đó, phụ huynh đã có nhiều thay đổi, điều chỉnh, quan tâm hơn đến việc hướng dẫn con học ở nhà, chuẩn bị sách vở, đồ dùng đầy đủ cho con. Nhưng khi em lên lớp 2, phụ huynh lại đến trường chất vấn cô giáo vì sao lại gây áp lực khiến con sợ đi học, sợ đến trường. Chúng tôi phải mời phụ huynh đến trường để tìm hiểu câu chuyện từ hai phía. “Nguyên nhân do giáo viên muốn HS tự lập, chuẩn bị sách vở đầy đủ đồ dùng trước khi đến lớp nhưng cách nói của giáo viên khiến HS căng thẳng và thấy mình bị bỏ rơi” – cô Nguyệt phân tích.

Thầy cô đã lắng nghe các em bằng tấm lòng, tin tưởng học sinh hơn. Ảnh minh họa

Thấu hiểu và sẻ chia

“Người làm giáo dục không phải là người chỉ dạy. Người thầy không thể cứ truyền thụ kiến thức một chiều” – đưa quan điểm này, NGƯT Tô Ngọc Sơn cho rằng: Người thầy phải trong vai trò là người giúp đỡ, cầu nối vững chắc giữa học trò với thế giới xung quanh. 

Người thầy biết kích thích, động viên, kích hoạt để trò hoạt động, khám phá tìm tri thức trong kế hoạch giảng dạy của mình; luôn xuất hiện đúng lúc và cung cấp đúng chỗ những điều học sinh cần, học sinh mong muốn. Khi học sinh bí lối, người thầy sẽ định hướng, hỗ trợ giúp trò tháo gỡ… 

Khi học sinh mắc lỗi, giáo viên là người bạn, người anh/chị, người bố, người mẹ, chỉ cho các em nhận ra lỗi của mình để tự điều chỉnh. Việc tự nhận ra lỗi để điều chỉnh bản thân là cơ sở cho sự phát triển hoàn thiện nhân cách. “Hãy giáo dục trẻ bằng tình yêu thương và sự cảm thông” – NGƯT Tô Ngọc Sơn nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, ông Hà Đình Sơn cho rằng: Năng lực bao gồm kiến thức, kĩ năng và thái độ. Nếu học, thi chỉ thiên về truyền thụ và tái hiện kiến thức mà bỏ qua hai chân kiềng còn lại, tất yếu gây ra những hệ lụy to lớn và lâu dài. Áp lực của xã hội với nhà trường, thầy cô giáo từ đó mà nảy sinh. Do đó, cần đổi mới nội dung giáo dục để nó gần với cuộc sống hơn. Cần nâng cấp quan niệm về dạy học ở tầm triết lý cao hơn chứ không chỉ đơn giản dừng lại ở việc truyền thụ kiến thức đơn giản, một chiều.

Chỉ có lòng nhiệt huyết, đam mê với nghề, yêu thương học sinh mới tạo nên cảm hứng học tập trong học trò. “Người thầy trung bình chỉ biết nói; người thầy giỏi biết cách giải thích; người thầy xuất chúng biết cách minh họa; người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng” – ông Hà Đình Sơn dẫn 2 câu nói nổi tiếng về giáo dục để thể hiện quan điểm và mong muốn của mình.

  Hà Nguyên – Hải Bình/ Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/