Làm dâu, câu chuyện đầy tính nhân văn và một gia đình tuyệt vời

Đây là trong những câu chuyện rất hay, ý nghĩa, gần gũi đời thực cuộc sống này. Câu chuyện sẽ là thông điệp tốt lành cho mọi người nhất là những nàng dâu. Năm 2021 hứa hẹn nhiều đổi thay, hứa hẹn một năm sung túc và ấm cúng khi mọi người xem qua câu chuyện và thấu hiểu được ý nghĩa câu chuyện!

Hảo bước chân vào làm dâu nhà San với bao bỡ ngỡ.

Sau một tuần trăng mật trở về, ăn cơm cùng gia đình, anh Hai của San nói: Hai em lên nhà nghỉ ngơi để anh rửa bát.

Hảo đảo mắt và nghĩ: ôsin dám nghỉ thăm quê.

Nhưng sực nhớ – trong bữa ăn anh Hai chỉ bảo: Hai em lau vệ sinh phòng mình, nhà nào lo nhà nấy, má yếu, ba đau, anh lo nhà anh, lo phòng ba má. Sau này hết “trăng mật”, hai em trông nom thêm cho ba má! Con dâu út, “các cụ” thường quý nhất nhà.

San đi làm trước, Hảo ở nhà một mình, cô trộm nhìn dưới cầu thang không có ai mới cầm bình xuống nhà lấy nước lọc.

Bỗng gặp mẹ chồng xốc bao gạo đổ vào thùng, Hảo chạy xuống đỡ. Trút gạo xong đi lên cầu thang, thấy “cụ bà” ngồi xuống nhặt từng hạt gạo rơi. Hảo trố mắt nhìn rồi lẳng lặng đi lên. Cô ngồi nhìn qua cửa sổ ngoài kia thênh thang quá. Trong nhà bị gò bó với bốn bức tường, chỉ còn ô cửa là của Hảo. Chị dâu sáng nay dậy nấu đồ ăn sáng cho cả nhà, mới 12 giờ kém chị chạy về hâm lại đồ ăn cho ba má và trong đó có Hảo.

Cả nhà ngồi ăn trưa, chị đon đả làm vui cho cả nhà: Má ba thấy em về, nhìn “hai cụ” vui và khỏe ra, em ráng chăm cho các cụ mạnh, cả nhà cùng vui.

Hảo chột dạ, nhìn xuống bữa ăn trưa đơn giản, gọn nhẹ đấy, nhưng để bắt tay vào làm thì … Hảo chưa từng nấu nướng, chăm sóc một ai. Ở tại gia, cả nhà lo chăm sóc Hảo.

Lại một ngày nghỉ tiếp ở nhà, San phải đi làm bù nên vội đi, vội về lại đi. Nhà vẫn lặp lại bữa ăn và những câu chuyện gắn vào đôi vợ chồng mới cưới Hảo San.

Anh Hai, chị dâu vẫn nai lưng ra làm như vậy. Họ vừa làm vừa vui, mà tự hào vì mình có gia đình đông đủ đầm ấm. Anh Hai là giáo sư, chị dâu là tiến sĩ, ba má cũng là tiến sĩ – nhà toàn “sĩ” cả mà sao việc gì cũng lăn ra làm (?)

Nhà Hảo bận bịu buôn bán, ăn uống do ôsin làm, mọi việc do ôsin lo. Má Hảo chỉ có một câu hỏi: Ăn gì chưa Hảo? Con đừng bỏ bữa nghe con, học hành làm việc được là nhờ ăn uống để có sức, tự lo cho mình, đừng để má phải bận tâm!

Má nói vậy nhưng ngày nào má cũng để tâm vào chuyện ăn uống nghỉ ngơi của Hảo. Sang nhà chồng thì ai cũng quan tâm Hảo làm gì để cả nhà cùng vui. Một bên thì ăn gì? Một bên thì làm gì? ở đâu hình như Hảo cũng không được yên.

Nhưng nhà mình thì mặc kệ, còn nhà chồng thì thành một nỗi lo nặng trĩu.

Nhà có hai chị em gái, chị lấy chồng ở nước ngoài, còn lại Hảo là trung tâm của bố mẹ nên được cưng chiều. Khi yêu San cả cha mẹ Hảo đều bằng lòng vì con gái được gả vào gia đình tử tế, có truyền thống học hành.

Nhưng chỉ mới hai ngày làm dâu, Hảo lại muốn về với mẹ. San đi làm về mệt lử vì phải làm bù công việc của mười ngày nghỉ, ăn xong là lăn ra ngủ. Bỗng Hảo lại nghe văng vẳng lời chị dâu: Em ráng chăm cho “hai cụ” khỏe, cả nhà mình cùng vui!

Biết chăm gì cho “hai cụ”. Thấy chị dâu đang dỗ dành: Ba má ăn ráng thêm một chút, bát súp con nấu loãng để dễ ăn.

Hảo ngồi nhẩm tính: Ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều (bữa chính), “hai cụ” ăn tối (bữa chính). Mở cửa đi ra cầu thang, Hảo thấy anh Hai cặm cụi bên giáo trình nước ngoài, bàn của chị dâu máy tính mở, tất cả còn đang làm việc, nhưng chị bỏ đó để chăm sóc “hai cụ”.

Anh Hai cách San 13 tuổi, so với San anh lấy vợ sớm, nên con cái đã lớn đi học ở Hà Nội. Trong nhà toàn người già và người lớn, việc ai người nấy lo cho tròn. Nhìn thấy San lau nhà, đó là công việc của ôsin, nên Hảo đã bàn với mẹ cho một ôsin sang đây lo việc cho cả nhà. Mẹ Hảo còn hào hứng nói: Lương của ôsin, con nói với “các cụ” để mẹ lo, coi như con đi làm về làm những việc trong nhà là được.

Đem chuyện này ra bàn với San, anh không suy xét mà đã gạt phắt đi: Anh Hai không chịu đâu, nhà mình cũng chẳng có mấy việc.

Hảo nằm nghĩ về một núi việc mà cô chưa từng làm, và có làm cũng chẳng có thời gian. Nay mai đi làm, Hảo đi từ sáng đến lúc tắt mặt trời.

Ngày thứ ba ở nhà, trong nhà vắng lặng, Hảo xuống lấy nước uống, “cụ bà” ngồi một mình nhặt rau, xếp ngọn ra ngọn, gốc ra gốc, thấy Hảo đi xuống thì gọi:
– Xuống đây nhặt rau với má cho vui.
Hảo ngồi vào nhặt rau, ướm theo ý mẹ chồng, chỉ trong giây lát “cụ bà” lại nói:
– Về làm dâu nhà này con đừng nghe các anh chị “dọa” mà phiền lòng! Nhà ta ai làm được đến đâu thì làm, ráng sức mình, chẳng ai chê trách!
– Con sợ nấu nướng không hợp ý ba má, có gì má dạy!
– Con theo chị dâu, có chị đầu trò còn lo chi!
Tiếng mở cửa lạch cạch ngoài cổng.
– Con ra cổng đón chị “công lên việc xuống cùng làm cùng lo”!
Nghe vậy Hảo chạy ra đón, mồ hôi còn mướt mải chị vẫn hỏi:
– Đỡ mệt chưa, mấy bữa em ngồi trong phòng chị lo em bệnh!
– Cũng mệt sơ sơ, em mong chị bảo em làm việc nhà.

Trưa nay – Hảo mới nhìn rõ mặt “cụ ông”, từng là hiệu trưởng trường sư phạm. Đi học ở Tây, Tàu, hai ba ngoại ngữ nói như gió, đôi lúc hai cụ nói với nhau bằng tiếng Anh. Giơ tay, “cụ ông” xin cái muỗng bằng tiếng Anh, cụ bà trả lời là muỗng của ông nằm bên đĩa. Ông cười phá lên và nói: Thằng điên, cụ bà cười thật hiền hậu xong cũng trả lời: Cái điên đáng yêu.

Quay sang nói với Hảo: Sợ quên hết tiếng Anh nên ba má thi thoảng dùng để “chặn cái quên”.

Ăn xong ông bám cầu thang đi lên, bà lẽo đẽo theo sau, chị dâu nói: Chị em mình về già được như hai cụ thì chẳng còn gì để mà ước.

Ngày thứ tư Hảo dậy sớm đi siêu thị cùng chị dâu, vừa đi chị vừa nói: Nhà mình ăn không nhiều, nhưng lại nhiều loại rau, thịt, cá, hoa quả. Dự trù hai ngày đi một lần, em đi với chị lần nữa là quen, còn giỏi hơn chị là cái chắc!

Hảo đỏ mặt.

“Hai cụ” thấy các con dâu đi chợ về, mặt mày rạng rỡ, “cụ ông” vào phòng khách ngồi, hai chân doãi ra co lại. “Cụ bà” lấy rau trong giỏ ra nhặt xếp gọn gàng. Cụ quen cách làm từ bé, nên làm vậy, còn con dâu nhặt ít rau thơm vứt nhào vào nhau có sao đâu? Cụ ít nói, hay nghĩ nhiều.

Nồi súp ngô đặt trên bàn, ít rau thơm rắc lên, cả nhà cùng ăn nhẹ. Chỉ tiếng cười của anh Hai và San thì đã toại nguyện. “Hai cụ” thấy các con cười cũng cười theo. Hình như chỉ có Hảo là quan sát mọi người thì phải. Chị dâu biết ý, đập tay lên vai chồng: Anh dạy giờ đầu, khẩn trương lên kẻo muộn.

Và từng người từng người rời bàn ăn, còn lại “hai cụ” và Hảo, “cụ bà” vui vẻ nói: Nhà này thằng anh và thằng em vô tư như lúa, mặc nắng mặc mưa, cốt là trổ bông, con theo được chúng thì trẻ và khỏe ra.

“Cụ ông” nhăn mặt nói: Bà nói cho con dễ hiểu, gì mà nắng mưa, lúa má.

Cụ bà chậm rãi nói: Tôi chưa thấy con nói chuyện nhiều nên bắt mạch chưa ra, nên nói vòng vo một chút có sao đâu.

Vậy “cụ bà” trông hiền lành ít nói mà tế nhị, Hảo đành thổ lộ: Con cũng ít nói chuyện với người lớn, ba má con thì đi quanh năm ngày tháng, có nhắn gì con thường nhắn qua ôsin. Về nhà ta con còn phải lựa.

“Cụ ông” khua tay nói thẳng: nghĩ gì con nói nấy, có gì mà phải lựa, nhà này dễ với con cái. Chuyện trò cũng chỉ vào lúc ăn chớp nhoáng rồi ai đi đường nấy, nên chuyện vui là chính.

“Cụ bà” quay sang “cụ ông”: Con nó nói vậy là thật lắm, ngày xưa tôi về nhà ông, cả mười ngày chưa ai cậy được miệng tôi lấy một lời. Má đã chả chạy theo gọi và nói: Con có gì cứ nói với má, biết gì má sẽ chỉ bảo. Tôi như vớ được gậy chỉ đường.

“Cụ ông” lại cắt ngang: Ngày xưa nó khác, bây giờ khác xa, phải giao lưu mới hiểu được nhau.

Khi hai cụ đã lên nhà, Hảo ngồi lại một mình với tiếng điện thoại reo, nhấc máy lên có tiếng chị gái hỏi: Em ở nhà San có sao không? Đừng để má can thiệp vào là hỏng mọi việc đấy, phải tự mình xử lý mọi tình huống thì đâu vào đó, có sao không mà yên lặng vậy?

Hảo trả lời nhỏ đủ hai chị em nghe: Em đang cố gắng nhưng cảm thấy mình mới đặt được một chân vào ngôi nhà đông người, phải làm gì để thông cảm cho nhau đó là điều khó nhất chị Hai ơi!

Lời đầu dây bên kia nhỏ nhẹ: Muốn vậy phải chủ động trò chuyện, ráng lên em!

Nghe chị Hai nói càng mênh mông. Nhưng thôi cứ sống thử, khi về làm dâu, má có dặn: Nếu con sống bên đó khó quá má sẽ cho một căn hộ để vợ chồng ở riêng.

Tết đến, Hảo San bận việc công ty, một mình chị dâu gánh vác. Hảo thấy áy náy, má lại gọi sang: Có gì đâu, má cho người đi siêu thị một buổi mang sang là đủ tết. Nói sáng, chiều má đã cho người chở đồ chất đầy bàn với mảnh giấy: Mai ba má đi sang Pháp ăn tết với chị con, mua ít đồ biếu ông bà thông gia, nhờ con nói hộ.

Tết đối với Hảo xa ba má là chuyện thường. Bởi quanh năm bận bịu, ba má lấy mấy ngày tết để nghỉ ngơi bằng cách ra nước ngoài du lịch, hay thăm con cái cũng là cách xả stress. Chị gái của Hảo sống theo chồng nay nước này mai nước khác. Chị và các cháu phải thích nghi với hoàn cảnh sống để có một gia đình riêng dẫu có sống bất kỳ ở đâu trên thế giới.

Năm nay đáng lý Hảo sống vui hơn vì có San, có “các cụ” cùng anh chị Hai luôn hòa thuận nhưng Hảo vẫn tách mình ra để “quan sát” mọi người trong nhà chồng. Dẫu muốn đặt cả hai chân vào gia đình San, nhưng một chân còn rất gượng. Vì lối sống khác, cách thể hiện tình cảm cũng khác, chi tiêu cũng khác.

Nhà bên mỗi tuần ba má dẫn Hảo đi ăn hàng một lần vào trưa chủ nhật, để có bữa cơm gia đình đầm ấm. Còn bên chồng cả nhà xúm xít cùng nấu, ăn xong Hảo thấy mệt lử. Đang ngồi nhìn ra của sổ thì chị dâu lên: Coi em mệt dữ. Hảo nắm tay chị và nói: Khi mới về làm dâu chị có ngỡ ngàng lắm không? Chị dâu cười và đặt tay lên vai Hảo: chỉ chút chút thôi, làm chủ mình thì mọi việc lại trở nên dễ dàng.

Hảo im lặng, cô dựa người vào chị dâu và cảm thấy hơi thở của hai chị em trở nên nhịp nhàng hơn.

Sáng 30 Tết – cả nhà đang hối hả lo tết nhất, mẹ chồng ngồi gọt mấy củ cà rốt, bà rủ rỉ nói: má cám ơn bà thông gia mua nhiều thứ quá, sang năm không phải mua bán gì, nhà mình ăn ít, sang mùng 3 Tết đã đi chợ mua cả giỏ xuân về nhà.

Bà nói xong cười rất chân thật. Bỗng có điện thoại gọi, Hảo nghe xong xanh cả mặt:
– Cô ơi phải có tiền, bệnh viện mới mổ cho vợ con!
Trong máy, tiếng khóc vẫn thút thít. Mẹ chồng hỏi con dâu:
– Chuyện lành hay dữ vậy con?
Miệng Hảo run run trả lời:
– Cháu con phải mổ, nó cần tiền.
Bà quýnh lên rung chuông cả nhà xuống hết, mẹ chồng nói như ra lệnh:
– Tiền là cứu được người, cả nhà đi rút tiền cứu cháu kẻo chết.

Anh Hai mang xuống sổ 10 triệu, San cũng vậy và bố chồng có 20 triệu. Một lát sau họ tản ra ngân hàng rút tiền rồi đưa cho Hảo và San vào bệnh viện.

Cháu gái ở quê chửa ngoài dạ con, phải mổ ngay. Nhưng dưới nhà có 2 triệu mang theo là phải ráng hết sức, một lúc nộp 40 triệu, nghe đã hãi.

Chiều 30 Tết mọi việc đã yên ổn, Hảo và San trở về nhà tuy mệt mỏi, nhưng cũng thấy phấn chấn khi cứu được đứa cháu gái dưới quê. Hảo nhìn mẹ chồng ngồi nhặt những hạt gạo nếp rơi trên sàn. Cô thấy bàn tay cần mẫn của bà đã tạo dựng cho cả gia đình một lối sống, một phong cách ăn ở giản dị, nhưng luôn nghĩ về nhau, hy sinh cho nhau. Cụ ông đi lại gần nói bằng tiếng Anh và kéo cụ bà đứng dậy. Tuổi già đã quên đi nhiều thứ, nhưng gia đình, người thân, họ mạc thì “hai cụ” chẳng quên ai.

Hôm ăn hỏi, cháu gái dưới quê gánh lên chục đòn bánh tét, biếu mỗi nhà dăm đòn gọi là quà quê. Vậy mà nghe tin bệnh nặng, bà gọi cả nhà gom tiền lại cứu người bằng lưng vốn của mọi người. Tết năm nay, Hảo đã bước cả hai chân vào nhà chồng với một niềm tin trọn vẹn vào con người. Nhà chồng không giàu tiền bạc nhưng giàu tấm lòng.
Nghĩ tới đó, cô cùng mọi người lo bữa cơm cúng tất niên.

TRẦN THỊ THẮNG/ Tạ Quốc Việt (sưu tầm)