7 Điều Giáo Viên Cần Tránh Trong Giao Tiếp Với Phụ Huynh

Giao tiếp hiệu quả với phụ huynh học sinh là yếu tố quan trọng trong công việc của người giáo viên. Để tạo nên sợi dây liên lạc cởi mở, giáo viên cần phải tránh hiểu lầm và những sai lầm trong giao tiếp. Sau đây là 7 Điều Giáo Viên Cần Tránh Trong Giao Tiếp Với Phụ Huynh phổ biến mà các giáo viên thường mắc phải và cách khắc phục những sai lầm này.

1. Giao tiếp một chiều

Giao tiếp với phụ huynh là con đường hai chiều chứ không phải chỉ từ một phía. Đôi khi giáo viên chỉ quan tâm đến công việc hàng ngày mà mình làm, hoàn thành những nhiệm vụ mà mình được giao, chúng ta nhắn tin, gửi email, tin nhắn điện thoại nhưng chúng ta lại không chú ý nhiều lắm đến phản hồi của phụ huynh. Để giải quyết vấn đề này, giáo viên có thể sử dụng các ứng dụng như Class Dojo hoặc Zoom để trao đổi tích cực hơn với phụ huynh.

Class Dojo cung cấp nhiều tính năng cho phép phụ huynh nhận và trả lời tin nhắn của giáo viên, xem bài tập của con mình và theo dõi những gì đã xảy ra trong lớp học. Phụ huynh cũng có thể đăng ký để nhận phản hồi về các vấn đề hành vi của con qua ứng dụng.

Zoom là một công cụ khác cho phép giáo viên tương tác trực tiếp với phụ huynh học sinh. Ứng dụng này cho phép tổ chức các cuộc họp ảo; trong đó giáo viên có thể chia sẻ màn hình máy tính của mình để trình bày các thông tin; hoặc bài làm của học sinh.

2. Giao tiếp không thường xuyên

Một sai lầm phổ biến khác của giáo viên là không liên lạc với cha mẹ thường xuyên. Vào đầu năm học hoặc khi có các sự kiện, giáo viên thường gửi rất nhiều thông báo hoặc email đến phụ huynh. Nhưng có những thời điểm, phụ huynh lại không nhận được bất kỳ thông tin nào từ giáo viên. Hãy lưu ý, trong giao tiếp với phụ huynh, sự cân bằng và thường xuyên là điều cần thiết.

Một số trường học yêu cầu giáo viên viết nhật ký lớp học để gửi cho phụ huynh mỗi ngày. Tuy nhiên, việc làm đó cũng có thể khiến phụ huynh cảm thấy bị làm phiền. Thông thường, giáo viên có thể liên hệ với phụ huynh ít nhất một lần mỗi tháng; và luôn kèm theo các sản phẩm học tập của học sinh trong các thông báo.

3. Không ghi lại thông tin trong quá trình giao tiếp

Trong quá trình liên hệ, giao tiếp với phụ huynh học sinh; vì nhiều lý do khác nhau mà giáo viên không ghi chép lại những nội dung đã trao đổi. Điều này đưa đến những hệ quả không tốt về sau. Có thể lần sau, giáo viên lại thông báo hoặc nói lại một vấn đề đã nói từ lần trước.

Cũng có nhiều trường hợp, có những vấn đề phụ huynh phản hồi; lưu ý với giáo viên để hỗ trợ học sinh trên lớp; nhưng vì không ghi chép lại nên giáo viên đã nhanh chóng quên đi những điều đó. Việc ghi chép lại các thông tin trong quá trình giao tiếp; giúp giáo viên chủ động phản hồi lại các vấn đề mà phụ huynh quan tâm; đồng thời không bỏ sót những thông tin quan trọng.

Một cách đơn giản mà giáo viên có thể làm là luôn chuẩn bị sẵn một cuốn sổ nhỏ; thường xuyên ghi chép lại trong khi nói chuyện hoặc trao đổi với phụ huynh.

4. Quá thụ động khi giải quyết vấn đề

Trong nhiều trường hợp, giáo viên có thể thụ động khi giải quyết các vấn đề; như hành vi hoặc các thiếu sót trong quá trình giao tiếp với phụ huynh. Muốn khắc phục nó, không còn cách nào khác, giáo viên cần truyền đạt những kỳ vọng rõ ràng; kịp thời, những thông tin cần thiết đến phụ huynh. Giáo viên cũng nên tỏ ra tích cực, chủ động và tự tin trong quá trình giao tiếp. Một số cách để thể hiện sự tự tin và chuyên nghiệp khi giao tiếp với phụ huynh; giáo viên có thể tham khảo:

  • Hãy rõ ràng, nói thông tin (hạn chế bình luận)
  • Hãy đưa ra các bằng chứng về các vấn đề mà bạn đang đề cập với phụ huynh
  • Mời ban giám hiệu hoặc giáo viên kỉ luật tham gia cùng trong các hoạt động thảo luận
  • Giữ nhật ký giao tiếp để tham khảo lại khi cần
  • Đặt mục tiêu cho các buổi giao tiếp
  • Truyền đạt những kỳ vọng rõ ràng
  • Suy ngẫm sau khi giao tiếp để xây dựng kỹ năng giao tiếp

5. Mặc định rằng phụ huynh hiểu hết các quy định của trường

Khi một vấn đề xảy ra liên quan đến học sinh hoặc khi phụ huynh kiến nghị một điều gì đó liên quan đến chính sách của nhà trường, giáo viên cần bình tĩnh lắng nghe và giải thích một cách rõ ràng, chi tiết và cụ thể về nội quy và quy trình của trường.

Trong rất nhiều trường hợp, giáo viên mặc định rằng phụ huynh đã hiểu rõ những quy định đó và cho rằng phụ huynh cố tình không hiểu hoặc cố tình tạo nên sự căng thẳng. Điều này khiến cho việc giao tiếp giữa hai bên bị gián đoạn, thậm chí dẫn đến những xung đột gay gắt.

6. Đổ lỗi và kết tội

Khi một vấn đề xảy ra với học sinh, giáo viên cần bình tĩnh mô tả một cách thật khách quan, chi tiết và cụ thể những gì đã xảy ra. Giáo viên cần tránh việc đổ lỗi, kết tội học sinh. Việc làm này sẽ khiến phụ huynh cảm thấy rằng, giáo viên chỉ đang từ chối trách nhiệm của mình.

Từ đó khiến cho việc giao tiếp gặp nhiều khó khăn. Cũng tương tự như vậy, khi có một vấn đề xảy ra liên quan đến phụ huynh, việc đầu tiên giáo viên cần làm là bình tĩnh xử lý, tránh đổ lỗi cho phụ huynh.

7. Không thừa nhận sai lầm

Một sai lầm khác mà các giáo viên có thể mắc phải, đó là không thừa nhận sai lầm của bản thân. Không có ai là hoàn hảo, giáo viên cũng vậy. Mắc sai lầm là điều hoàn toàn bình thường, tuy nhiên khi mắc sai lầm, tốt nhất bạn nên nhanh chóng nhận trách nhiệm và xin lỗi. Khi xin lỗi, hãy giải thích những gì đã xảy ra thật trung thực. Cuối cùng, hãy để phụ huynh nhận thấy cam kết của bạn, để tránh những sai lầm khác xảy ra trong tương lai.

Có thể nói phụ huynh và giáo viên là một mối quan hệ phức tạp. Tuy nhiên, nếu giáo viên tránh được những sai lầm này, chắc chắn sẽ tạo dựng được mối quan hệ tích cực với phụ huynh. Từ đó, tạo nên sự hỗ trợ hiệu quả cho công việc giảng dạy của mình.

Theo https://taogiaoduc.vn/