Hướng dẫn đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT

Mục đích đánh giá là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, xác định được thành tích học tập, rèn luyện theo mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học và sự tiến bộ của học sinh để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Giúp giáo viên điều chỉnh, đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp giáo dục trong quá trình dạy học, giáo dục; kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của học sinh nhằm động viên, khích lệ và phát hiện những khó khăn chưa thể tự vượt qua của học sinh để hướng dẫn, giúp đỡ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động học tập, rèn luyện của học sinh; góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục tiểu học.

Giúp học sinh có khả năng tự nhận xét, tham gia nhận xét; tự học, tự điều chỉnh cách học; giao tiếp, hợp tác; có hứng thú học tập và rèn luyện để tiến bộ; Cha mẹ học sinh tham gia đánh giá quá trình và kết quả học tập, rèn luyện, quá trình hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; tích cực hợp tác với nhà trường trong các hoạt động giáo dục học sinh.

Cán bộ quản lý giáo dục các cấp kịp thời chỉ đạo các hoạt động giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá nhằm đạt hiệu quả giáo dục. Các tổ chức xã hội nắm thông tin chính xác, khách quan, phát huy nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển giáo dục.

NGUYÊN TẮC

1. Các trường tổ chức đánh giá, kiểm tra định kỳ khách quan, công bằng, nghiêm túc, đánh giá chính xác kết quả học tập của học sinh tiểu học.

2. Nội dung kiểm tra đáp ứng yêu cầu cần đạt. Đề kiểm tra phải đảm bảo kiến thức cơ bản, khả năng ứng dụng và phát triển tư duy của học sinh; phù hợp đối với từng môn học, hoạt động giáo dục ở cấp tiểu học.

3. Đổi mới việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

4. Đề kiểm tra định kỳ phân loại được đối tượng học sinh, phù hợp với thời gian quy định đối với từng môn học, hoạt động giáo dục ở cấp tiểu học.

ĐÁNH GIÁ THƯỜNG XUYÊN, ĐÁNH GIÁ ĐỊNH KỲ

Thủ trưởng các trường tổ chức đánh giá, kiểm tra định kỳ an toàn, nghiêm túc, đúng theo quy định tại Thông tư số 27. Cụ thể là:

1. Đánh giá thường xuyên

Đánh giá thường xuyên là hoạt động đánh giá diễn ra trong tiến trình thực hiện hoạt động dạy học theo yêu cầu cần đạt và biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục và một số biểu hiện phẩm chất, năng lực của học sinh. Đánh giá thường xuyên cung cấp thông tin phản hồi cho giáo viên và học sinh để kịp thời điều chỉnh quá trình dạy học, hỗ trợ, thúc đẩy sự tiến bộ của học sinh theo mục tiêu giáo dục tiểu học. (Khoản 2, Điều 2, Thông tư số 27)

Đánh giá thường xuyên thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 6 của Qui địnhđánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 27. Trong quá trình thực hiện đánh giá thường xuyên, khuyến khích giáo viên sử dụng linh hoạt, phù hợp các phương pháp đánh giá; kết hợp nhiều biện pháp đánh giá khác nhau, có giải pháp lưu giữ minh chứng để làm căn cứ đánh giá định kì, đặc biệt là quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh đáp ứng yêu cầu cần đạt và biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.

2. Đánh giá định kỳ

Đánh giá định kỳ là đánh giá kết quả giáo dục học sinh sau một giai đoạn học tập, rèn luyện, nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập, rèn luyện của học sinh theo yêu cầu cần đạt và biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục được qui định trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học và sự hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. (Khoản 3, Điều 2, Thông tư số 27)

Đánh giá định kỳ thực hiện theo theo hướng dẫn tại Điều 7 của Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 27.

Việc kiểm tra định kỳ được tổ chức theo thời khóa biểu vào buổi học chính khoá, không gây áp lực, lo lắng, băn khoăn cho học sinh và cha mẹ học sinh.

a) Đánh giá định kỳ về nội dung học tập các môn học, hoạt động giáo dục

– Vào giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học, giáo viên dạy môn học căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và yêu cầu cần đạt, biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục để đánh giá học sinh đối với từng môn học, hoạt động giáo dục theo các mức sau:

+ Hoàn thành tốt: thực hiện tốt các yêu cầu học tập và thường xuyên có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học hoặc hoạt động giáo dục.

+ Hoàn thành: thực hiện được các yêu cầu học tập và có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học hoặc hoạt động giáo dục.

+ Chưa hoàn thành: chưa thực hiện được một số yêu cầu học tập hoặc chưa có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học hoặc hoạt động giáo dục.

– Vào cuối học kỳ I và cuối năm học, đối với các môn học bắt buộc: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử và Địa lí, Khoa học, Tin học và Công nghệ có bài kiểm tra định kỳ;

Đối với lớp 4, lớp 5, có thêm bài kiểm tra định kỳ môn Tiếng Việt, môn Toán vào giữa học kỳ I và giữa học kỳ II.

Bài kiểm tra môn Tiếng Việt có thể thiết kế gồm 02 bài kiểm tra (bài kiểm tra đọc và bài kiểm tra viết). Điểm bài kiểm tra môn Tiếng Việt được tính theo nguyên tắc trung bình cộng của bài kiểm tra đọc và bài kiểm tra viết (làm tròn 0.5 trở lên thành 1), không làm tròn từng bài kiểm tra. Ngữ liệu trong bài kiểm tra đọc không có trong sách giáo khoa.

b) Đánh giá định kỳ về sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực vào giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm phối hợp với các giáo viên dạy cùng lớp, thông qua các nhận xét, các biểu hiện trong quá trình đánh giá thường xuyên về sự hình thành và phát triển từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi của mỗi học sinh, đánh giá theo các mức sau:

– Tốt: Đáp ứng tốt yêu cầu giáo dục, biểu hiện rõ và thường xuyên.

– Đạt: Đáp ứng được yêu cầu giáo dục, biểu hiện nhưng chưa thường xuyên.

– Cần cố gắng: Chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu giáo dục, biểu hiện chưa rõ.

c) Cuối năm học, căn cứ vào quá trình tổng hợp kết quả đánh giá về học tập từng môn học, hoạt động giáo dục và từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi, giáo viên chủ nhiệm đánh giá kết quả giáo dục học sinh theo bốn mức:

– Hoàn thành xuất sắc: Những học sinh có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học của các môn học đạt 9 điểm trở lên.

– Hoàn thành tốt: Những học sinh chưa đạt mức Hoàn thành xuất sắc, nhưng có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 7 điểm trở lên.

– Hoàn thành: Những học sinh chưa đạt mức Hoàn thành xuất sắc và Hoàn thành tốt, nhưng có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt hoặc Hoàn thành; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt hoặc Đạt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 5 điểm trở lên;

– Chưa hoàn thành: Những học sinh không thuộc các đối tượng trên.

Dinh Phương (ghi)/ Nguồn: Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp