04 chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 01/2021

Sau đây. KỸ NĂNG CẦN BIẾT trân trọng giới thiệu những chính sách nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 01/2021 (từ ngày 11 – 20/01/2021):

1. Mẫu tờ khai đăng ký người phụ thuộc áp dụng từ 17/01/2021

Bộ Tài chính ban hành Thông tư 105/2020/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký thuế (có hiệu lực từ ngày 17/01/2021).

Theo đó, ban hành kèm theo Thông tư là Mẫu tờ khai đăng ký thuế dành cho người phụ thuộc của cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công thay cho Mẫu tờ khai ban hành kèm theo Thông tư 95/2016/TT-BTC ngày 28/6/2016.

**Lưu ý:

– Khi điền tờ khai, cá nhân chỉ tích chọn vào 1 trong 2 chỉ tiêu “Đăng ký thuế” hoặc “Thay đổi thông tin đăng ký thuế” tương ứng với hồ sơ của người phụ thuộc là hồ sơ đăng ký thuế lần đầu hoặc hồ sơ thay đồi thông tin đăng ký thuế.

– Ngoài ra, đối với cá nhân thuộc diện nộp thuế TNCN đăng ký thuế cho người phụ thuộc qua cơ quan chi trả thu nhập (ủy quyền thực hiện thủ tục cho cơ quan chi trả thu nhập) thì dùng mẫu tờ khai đăng ký thuế tổng hợp (Mẫu số 20-ĐK-TH-TCT).

2. Thí sinh thi công chức, viên chức được mang thuốc theo bệnh án vào phòng thi

Đây là nội dung tại Nội quy thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức ban hành kèm theo Thông tư 6/2020/TT-BNV của Bộ Nội vụ.

Cụ thể, Nội quy mới đối với thí sinh dự thi công chức, viên chức áp dụng từ ngày 20/01/2021 cho phép thí sinh được mang vào phòng thi một số loại thuốc mà thí sinh dự thi có bệnh án phải mang theo.

Ngoài ra, liên quan đến quy định đối với thí sinh dự thi, Thông tư quy định:

– Bài thi chỉ được viết bằng một loại mực có màu xanh hoặc màu đen.

–  Không được sử dụng các loại mực màu khác, mực nhũ, mực phản quang, bút chì để làm bài thi (trừ trường hợp đề thi có quy định khác); không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng lên bài thi.

Như vậy, nếu đề thi có quy định khác thì người làm bài thi được thực hiện theo nội dung yêu cầu trên đề thi; đây là trường hợp ngoại lệ mà quy định hiện nay chưa được đề cập đến.

Thông tư 6/2020/TT-BNV có hiệu lực từ ngày 20/01/2021.

3. Định nghĩa mới về “pháo hoa” từ ngày 11/01/2021

Ngày 27/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo.

Theo đó, tại Nghị định này định nghĩa pháo hoa như sau:

Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây tiếng nổ.

Hiện hành, tại Nghị định 36/2009/NĐ-CP thì pháo hoa được định nghĩa là “sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi có các tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện sẽ gây phản ứng hóa học tạo hiệu ứng ánh sáng có màu sắc, gây tiếng nổ hoặc không gây tiếng nổ”.

Việc thay đổi khái niệm này là phù hợp với việc tại Nghị định 137/2020, luật pháp cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp như: Lễ cưới, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương,…

Nghị định 137/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 11/01/2021 và thay thế Nghị định 36/2009/NĐ-CP của Chính phủ.

4. 06 việc công an cấp xã không được làm khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm

Đây là nội dung được nêu tại Thông tư 126/2020/TT-BCA quy định về việc thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra của lực lượng Công an nhân dân.

Theo đó, quy định 06 việc cán bộ, chiến sĩ Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an không được làm khi tiến hành tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm:

(1) Những việc mà pháp luật quy định cán bộ, công chức hoặc cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân không được làm.

(2) Nhận đơn, thư và giải quyết công việc cho công dân tại nhà riêng hoặc bất cứ nơi nào ngoài trụ sở cơ quan Công an, trừ trường hợp cấp bách công dân đến báo tin về tội phạm; đồng thời phải báo cáo ngay với lãnh đạo trực tiếp biết.

(3) Sách nhiễu hoặc cầu lợi dưới bất kỳ hình thức nào đối với người tham gia tố tụng, người thân thích của họ và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

(4) Tư vấn cho người bị buộc tội, người thân thích của người bị buộc tội, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trái pháp luật.

(5) Can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết vụ án, vụ việc hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ án, vụ việc.

(6) Đưa hồ sơ, tài liệu vụ việc ra khỏi cơ quan nếu không vì nhiệm vụ được giao hoặc không được sự đồng ý của người có thẩm quyền.

Thông tư 126/2020/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 15/01/2021.

Quý Nguyễn
THƯ VIỆN PHÁP LUẬT