Có thể nói trong Tiếng Việt các biện pháp tu từ được sử dụng rất nhiều và rất hữu ích trong cuộc sống để có thể so sánh, nhân hóa, nói giảm, nói tránh,…
Và Chương trình giáo dục phổ thông đã giảng dạy và đề cập rất nhiều về biện pháp tu từ. Thế nhưng, mỗi khi nhắc đến và yêu cầu sử dụng thì không phải ai cũng thạo, cũng am tường.
Bài viết này KỸ NĂNG CẦN BIẾT đã tổng hợp các kiến thức cơ bản nhất. Hi vọng sẽ là tư liệu bổ ích để mọi người cùng ôn lại!
Biện pháp tu từ là gì?
Biện pháp tu từ là cách sử dụng ngôn ngữ theo một cách đặc biệt ở một đơn vị ngôn ngữ (về từ, câu hoặc cả đoạn văn bản) theo ngữ cảnh nhằm mục đích tăng tính gợi hình, gợi cảm diễn đạt. Qua đó tạo ấn tượng cho những người đọc hình dung rõ nét về hình ảnh, cảm nhận cảm xúc chân thực.
Biện pháp tu từ được dùng phổ biến trong cả văn viết lẫn văn nói. Tuy nhiên, để hiểu rõ các loại biện pháp tu từ là gì một cách cụ thể thì là điều không phải ai cũng nắm rõ.
Trong tiếng Việt, biện pháp tu từ rất đa dạng, phong phú và được sử dụng để tăng tính thẩm mĩ, tạo dấu ấn riêng cho mỗi tác phẩm. Tác giả có thể dùng một hoặc kết hợp nhiều biện pháp tu từ khác nhau để biểu đạt, bày tỏ cảm xúc của mình.
Biện pháp tu từ dùng để làm gì?
Việc sử dụng biện pháp tu từ thay cho cách diễn đạt thông thường giúp tạo nên các giá trị đặc biệt trong cách biểu đạt, biểu cảm.
Thông qua đó, hình ảnh của sự vật, hiện tượng được minh hoạ một cách rõ ràng, cụ thể và sinh động hơn.
Trong các tác phẩm văn học hiện nay, biện pháp tu từ thường được sử dụng để tăng thêm tính nghệ thuật cho tác phẩm đó.
Các loại biện pháp tu từ và tác dụng
Biện pháp tu từ so sánh
Đây là biện pháp tu từ dùng sự vật, sự việc này đối chiếu với sự vật, sự việc khác có nét tương đồng nhằm tăng thêm sức gợi hình, gợi tả trong cách biểu đạt.
Qua đó giúp người đọc dễ dàng hình dung được sự vật, sự việc được nhắc đến và miêu tả một cách cụ thể sinh động.
Biện pháp tu từ so sánh thường được áp dụng nhiều trong truyện ngắn, tiểu thuyết hay thơ ca và được chia thành hai dạng:
+ So sánh ngang bằng: Ví dụ: Tóc đen như gỗ mun
+ So sánh không ngang bằng: Những ngôi sao thức ngoài kia, chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con.
Mặt trời đỏ rực như một quả cầu lửa khổng lồ trên bầu trời.
Trong câu sử dụng biện pháp tu từ so sánh gồm 2 sự vật có điểm tương đồng và thường sử dụng các từ so sánh như (như, giống như, không bằng, cặp từ bao nhiêu… bấy nhiêu).
Biện pháp tu từ nhân hoá
Nhân hoá là biện pháp tu từ mà trong đó đồ vật, cảnh vật, hiện tượng được miêu tả thông qua những từ ngữ được sử dụng cho con người, giúp những vật vô tri vô giác trở nên có hồn và sống động hơn như con người.
Ví dụ: Những con đường uốn lượn mềm mại như những dải lụa vắt qua ngôi làng
Tu từ nhân hóa cũng giúp cho lời văn thơ tăng tính biểu cảm, đối tượng hiện ra gần gũi, sinh động và có hồn hơn.
Cần phân biệt được các dạng tu từ nhân hóa như sau:
+ Dùng từ ngữ chỉ người để gọi vật. Ví dụ Chú gà trống, chị ông Nâu, ông Mặt trời…
+ Dùng từ ngữ chỉ tính chất, hoạt động con người để chỉ tính chất, hoạt động của sự vật. Ví dụ: Ông trời mặc áo giáp đen ra trận,
Biện pháp tu từ hoán dụ
Hoán dụ là biện pháp tu từ mà sự vật, hiện tượng, khái niệm này được gọi bằng sự vật, hiện tượng, khái niệm khác có quan hệ gần gũi với nó để tăng thêm sức gợi hình, gợi tả cho sự vật được diễn đạt.
Biện pháp hoán dụ có tác dụng tăng thêm sức gợi hình, gợi cảm cho việc mô tả sự vật, sự việc được nhắc đến trong thơ ca, văn học.
Các dạng tu từ hoán dụ thường được chia thành 4 loại gồm: Lấy một bộ phận chỉ toàn thể, lấy vật chứa đựng để chỉ vật bị chứa đựng, lấy dấu hiệu sự vật để chỉ sự vật, lấy cái cụ thể để làm rõ cái trừu tượng.
Ví dụ: Kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh → Hình ảnh “kẻ đầu bạc” chỉ những người lớn tuổi với mái tóc bạc, còn hình ảnh “người đầu xanh” để chỉ những người trẻ tuổi.
Biện pháp tu từ nói quá
Nói quá là cách nói phóng đại mức độ, quy mô, tính chất của một sự vật, sự việc hay hiện tượng có thật trong thực tế.
Chúng ta cần hiểu rõ rằng nói quá không phải là nói khoác, hai khái niệm này là hoàn toàn riêng biệt nhưng thường xuyên bị nhầm lẫn với nhau. Nói quá chỉ đơn giản là phóng đại sự việc ở mức độ lớn hơn nhưng vẫn đúng với sự thật, còn nói khoác là nói sai hoàn toàn sự thật.
Ví dụ: Trời hôm nay nóng như đổ lửa, chỉ cần bước ra đường 5 phút là mồ hôi đã nhễ nhại như tắm.
“Nóng như đổ lửa” là câu nói quá nhằm diễn tả cái nóng quá mức của thời tiết.
Biện pháp tu từ ẩn dụ
Ẩn dụ là biện pháp gọi tên các sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nhau nhằm tăng thêm sức gợi hình, gợi cảm.
Ví dụ: Ánh nắng giòn tan bao quanh cả khu vườn → “Ánh nắng giòn tan” ý chỉ cảm giác nắng to làm khô cong mọi vật
Hiện nay có 4 loại ẩn dụ được sử dụng phổ biến gồm: ẩn dụ hình thức, ẩn dụ cách thức, ẩn dụ phẩm chất, ẩn dụ chuyển đổi cảm giác.
Biện pháp nói giảm nói tránh
Đây là biện pháp tu từ dùng cách diễn đạt tế nhị, uyển chuyển để diễn tả một sự vật, hiện tượng với mục đích tránh gây cảm giác đau buồn, nặng nề, thô tục, bất lịch sự.
Trong các câu có dùng các từ ngữ diễn đạt tế nhị, tinh tế thì có nghĩa là câu đó được dùng biện pháp nói giảm, nói tránh.
Ví dụ: Bà ngoại của em đã ra đi được một thời gian rồi nhưng cả gia đình vẫn cảm nhận được tình thương của bà ở quanh đây.
“Đã ra đi” là cụm từ để thay thế cho từ đã mất, giúp tránh được cảm giác đau buồn khi nhắc về sự mất mát.
Biện pháp tu từ điệp từ
Điệp từ là biện pháp tu từ trong văn học để diễn tả việc lặp đi lặp lại của một từ hoặc một cụm từ nhằm nhấn mạnh, liệt kê, khẳng định,… để làm nổi bật lên vấn đề muốn nhắc đến.
Các dạng điệp từ thường được sử dụng hiện nay gồm: điệp từ cách quãng, điệp từ nối tiếp, điệp từ chuyển tiếp.
Ví dụ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”
Biện pháp tu từ liệt kê
Liệt kê là biện pháp sắp xếp nhiều từ, cụm từ khác nhau để diễn tả một hành động, sự vật, sự việc, có thể thông qua cách dùng từ đồng âm hoặc không nhưng cần có chung một ý nghĩa.
Mục đích của biện pháp tu từ liệt kê là để diễn tả các khía cạnh, tư tưởng, tình cảm được đầy đủ, rõ nét nhất đến người đọc, người nghe. Đây là biện pháp tu từ thường được sử dụng để làm tăng mức độ hiệu quả của biểu đạt chứ không phải lặp đi lặp lại một cách dài dòng, lê thê. Do đó chúng ta cần lưu ý để tránh nhầm lẫn trong cách sử dụng.
Ví dụ: Để di chuyển đến Hà Nội, bạn có thể sử dụng nhiều phương tiện khác nhau như ô tô, xe máy, tàu hoả, máy bay,….
Biện pháp tương phản
Tương phản là biện pháp tu từ sử dụng những từ ngữ đối lập, trái ngược nhau để làm nổi bật sự vật, sự việc, hiện tượng được nhắc đến, qua đó làm tăng hiệu quả diễn đạt.
Ví dụ: “Bán anh em xa mua láng giềng gần”
“Bán – Mua” là cặp từ tương phản được sử dụng
Trên đây là những thông tin về khái niệm biện pháp tu từ là gì, mục đích và phân loại các biện pháp tu từ thường được sử dụng trong văn nói và văn viết hiện nay. Hy vọng rằng những thông tin trên đây sẽ giúp bạn vận dụng thật tốt biện pháp tu từ trong cuộc sống hàng ngày để câu văn thêm phần phong phú, nổi bật.
Biện pháp nghệ thuật chơi chữ
Chơi chữ là lợi dụng đặc sắc về âm, về nghĩa của từ để tạo sắc thái dí dỏm, hài hước,…làm câu văn hấp dẫn và thú vị.
Chơi chữ là một trong những biện pháp tu từ xuất hiện từ lâu và bắt nguồn từ đời sống xã hội để phát triển dần lên nên thường gần gũi với ngôn ngữ đời thường. Được sử dụng trong cuộc sống thường ngày, trong văn thơ, đặc biệt là thơ văn trào phúng, trong câu đối, câu đố…
Biện pháp tu từ chơi chữ giúp câu văn thể hiện sự hài hước, dí dỏm nên gây được nhiều hứng thú ấn tượng với người đọc, người nghe. Nó giúp bài viết, lời nói sử dụng biện pháp tu từ chơi chữ được ghi nhớ lâu dài.
Biện pháp tu từ chơi chữ thể hiện được sự khéo léo, tinh tế của tác giải khi biết lồng ghép các câu từ để cho câu văn mang nhiều ý nghĩa, mang đậm sự trào phúng nhưng tinh tế, không lộ liễu.
Chơi chữ trong lời nói hàng ngày làm tạo ra những tiếng cười, thêm màu sắc cho cuộc sống.
Ví dụ:
- Thầy giáo, tháo giày đi dép lốp
- Đuối như trái chuối
- Sành điệu như củ kiệu
- Tôi yêu Việt Nam “đồng”
- Nhớ nước đau lòng con quốc quốc/ Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Các lối chơi chữ thường gặp là:
Dùng từ đồng âm
Biện pháp này sử dụng các từ giống nhau về cách phát âm hoặc đồng âm.
Thường được gọi là đồng âm nhưng có nghĩa hoàn toàn khác nhau. Cách chơi chữ này thường mang hàm ý và nghĩa thương châm biếm, đả kích là chính.
Ví dụ: Anh Hươu đi chợ Đồng Nai
Bước qua bến Nghé, ngồi nhai thịt bò
Dùng lối nói trại âm (gần âm)
Là lối chơi chữ sử dụng các từ gần giống nhau, chỉ khác nhau về dấu câu, nhưng ý nghĩa hoàn toàn khác nhau.
Ví dụ: Sánh với Na Va “ranh tướng” Pháp
Tiếng tăm nồng nặc ở Đông Dương
Dùng cách điệp âm
Cách chơi chữ này cố ý lặp lại một số yếu tố ngữ âm nào đó (phụ âm đầu, vần hoặc thanh) để tạo sự cộng hưởng ý nghĩa, có tác dụng tô đậm thêm hình tượng hoặc xúc cảm, gợi liên tưởng, đồng thời giúp cho lời văn, lời thơ thêm nhạc tính.
Ví dụ:
Mênh mông muôn mẫu một màu mưa
Mỏi mắt miên man mãi mịt mờ.
Dùng lối nói lái
Nói lái hay còn gọi là cách nói ngược câu chữ, có tác dụng châm biếm, mỉa mai hoặc bông đùa…
Loại này không phải người đọc, người nghe nào cũng hiểu được hàm ý của tác giả nếu như không suy luận hay phân tích từng từ một. Chơi chữ bằng cách nói lái quen thuộc và dễ gặp nhất khi đọc văn thơ, tục ngữ.
Ví dụ:
- Một con cá đối nằm trên cối đá. Hai con cá đối nằm trên cối đá
- Con mỏ kiến đậu trên miếng cỏ. Chim vàng lông đậu cạnh cồng lang
Dùng từ ngữ trái nghĩa, đồng nghĩa, gần nghĩa
Loại này chỉ giống nhau phụ âm đầu, giúp tạo điểm nhấn cho toàn bộ bài thơ.
Ví dụ:
Ngọt thơm sau lớp vỏ gai,
Quả ngon lớn mãi cho ai đẹp lòng
Mời cô mời bác ăn cùng
Sầu riêng mà hóa vui chung trăm nhà
– Sầu riêng – danh từ ⇒ chỉ một loại trái cây ở Nam Bộ
Sầu riêng – tính từ ⇒ chỉ sự phiền muộn riêng của con người
Một số bài tập về biện pháp tu từ có lời giải:
Đề bài: Chỉ ra và phân tích các biện pháp tu từ trong các câu sau:
1. Trăm năm đành lỗi hẹn hò
Cây đa bến cũ con đò khác đưa
2. Thuyền ơi có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền
3. Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập loè đâm bông
4. Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng
5. Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào
6. Kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ
Bắp chân đầu gối vẫn săn gân
7. Khăn thương nhớ ai
Khăn rơi xuống đất
Khăn thương nhớ ai
Khăn vắt lên vai
8. Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay
9. Về thăm nhà Bác làng Sen
Có hàng râm bụt thắp lên lửa hồng
10. Bàn tay ta làm nên tất cả
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm
11. Đầu xanh đã tội tình gì
Má hồng đến quá nửa thì chưa thôi.
12. Áo nâu liền với áo xanh
Nông thôn liền với thị thành đứng lên
ĐÁP ÁN:
1. Bài ca dao đã sử dụng những hình ảnh ẩn dụ ” cây đa, bến cũ, con đò” . Trong đó “cây đa”, “bến cũ” là những vật đứng yên,” con đò” là vật thường xuyên di chuyển, chúng dùng để biểu hiện nỗi buồn của đôi trai gái khi phải xa nhau.
2. Ẩn dụ : thuyền, bến
Thuyền: là vật thường xuyên thay đổi ->> biểu tượng cho người con trai ( tình cảm dễ đổi thay )
Bến : vật cố định ->> tình cảm thủy chung của người con gái.
Cách nói ẩn dụ là cho câu ca thêm tế nhị, phù hợp với việc bày tỏ nỗi nhớ, tình cảm thủy chung của người con gái.
3. Ẩn dụ : lửa lựu ,chỉ hoa lựu nở nhiều, đỏ rực như những đốm lửa. Cách nói ẩn dụ làm cho bức tranh trở nên sinh động, rực rỡ sắc màu, hoa lựu không chỉ có màu, mà còn có độ sáng, độ nóng. Điệp phụ âm đầu “L” trong các từ ” lửa lựu lập lòe ” làm cho câu thơ có sức tạo hình .
4. Hình ảnh ẩn dụ ” giọt long lanh ” có thể hiệu là giọt sương , giọt nắng , giọt mưa xuân … Đó chính là giọt âm thanh của tiếng chim chiền chiện được kết tủa lại . Sự chuyển đổi cảm giác rất sáng tạo độc đáo của tác giả . Từ tiếng hót của loài chim mà ông cảm nhận bằng thính giác giờ đây trở thành giọt long lanh rơi mà ông đã trông thấy chúng sắp rơi xuống .
5. Hoán dụ : Thôn đoài , thôn Đông : lấy địa danh để chỉ người sống ở địa danh đó.
Cau , trầu : Ẩn dụ chỉ người con trai và người con gái.
Cách sử dụng hình ảnh ẩn dụ, hán dụ rất phù hợp với lối nói bóng gió, xa xôi, tế nhị của tình yêu.
6. Hoán dụ : bắp chân, đầu gối : chỉ người/ ý chí của người.
Hoán dụ dựa trên mối quan hệ giữa cái toàn thể và các bộ phận bên trong.
7. Điệp ngữ : Khăn thương nhớ ai
Hán dụ “khăn : chỉ người cọn gái Tác dụng của biện pháp tu từ: bộc lộ nỗi niềm thương nhớ một cách kín đáo , tế nhị nhưng không kém phần mãnh liệt của cô gái.
8. Hoán dụ : “Áo chàm” chỉ đồng bào Việt Bắc
9. Lửa : ẩn dụ chỉ hoa dâm bụt
Cách nói ẩn dụ khắc họa vẻ đẹp của hoa dâm bụt : đỏ, rực rỡ, đầy sức sống…
10. Hoán dụ : bàn tay ->> chỉ người/ sức lao động, ý chí của con người
11. Hoán dụ :
Đầu xanh : chỉ người còn trẻ
Má hồng : người con gái đẹp
12. Hoán dụ :
Áo nâu: người nông dân
Áo xanh : người công nhân
Bài tập về chơi chữ
Phần trắc nghiệm
Câu 1. Câu ca dao sau sử dụng lối chơi chữ nào?
Trăng bao nhiêu tuổi trăng già
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non?
A. Dùng cách điệp âm
B. Dùng cặp từ trái nghĩa, dùng từ đồng âm
C. Dùng từ đồng âm
D. Dùng cặp từ trái nghĩa
Câu 2. Lối chơi chữ nào được sử dụng trong câu “Cô Xuân đi chợ Hạ, mua cá thu về, chợ hãy còn đông…”
A. Dùng từ đồng âm
B. Dùng cặp từ trái nghĩa
C. Dùng từ cùng trường nghĩa
D. Dùng lối nói lái
Câu 3. Chơi chữ là gì?
A. Chơi chữ là lợi dụng đặc sắc về âm, về nghĩa của từ để tạo sắc thái dí dỏm, hài hước, làm câu văn hấp dẫn và thú vị
B. Chơi chữ là sự đảo ngược âm tiết, tạo ra nhạc điệu cho câu văn, câu thơ
C. Cả A, B đều đúng
D. Cả A, B đều sai
Câu 4. Lối chơi chữ nào được sử dụng trong câu:
Có tài mà cậy chi tài. Chữ tài liền với chữ tai một vần.
A. Lối nói trại âm
B. Từ ngữ đồng âm
C. Dùng từ trái nghĩa
D. Dùng lối nói gần nghĩa
Câu 5. Câu sau sử dụng lối chơi chữ nào?
Mời cô mời bác ăn chung
Sầu riêng mà hóa vui chung trăm nhà
A. Dùng từ ngữ trái nghĩa
B. Dùng cách điệp âm
C. Dùng lối nói lái
D. Dùng từ đồng nghĩa
Phần tự luận
Bài 1. Tìm các hiện tượng chơi chữ trong các phần trích sau và cho biết chúng thuộc về lối chơi chữ nào?
a. Khi đi cưa ngọn, khi về cũng cưa ngọn
b. Trên trời rơi xuống mà lại mau co
c. Bò lang chạy vào làng Bo
d. Leo thang tất phải theo lang
e. Thợ ruộm khóc chồng:
Thiếp từ khi lá thắm xe duyên, khi vận tía, lúc cơn đen, điều dại, điều khôn nhờ bố đỏ.
Chàng ở dưới suối vàng có biết, vợ má hồng, con răng trắng, tím gan tím ruột với trời xanh.
Bài 2. Trong bài thơ Bác Hồ đã dùng lối chơi chữ như thế nào?
Cảm ơn bà biếu gói cam,
Nhận thì không đúng, từ làm sao đây?
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai?
Đáp án
– Dùng từ đồng âm: khổ, cam
+ khổ: khổ đau (thuần Việt); đắng (Hán Việt)
+ cam: quả cam (thuần Việt); ngọt (Hán Việt)
– Thành ngữ Hán Việt: khổ tận cam lai (khổ: đắng, tận: hết, cam: ngọt, lai: đến): Hết khổ sở đến lúc sung sướng
⇒ Niềm sung sướng, hạnh phúc được sống trong độc lập, tự do.
Bài 3. Mỗi câu sau đây có những tiếng nào chỉ các sự vật gần gũi nhua? Cách nói này có phải là chơi chữ không?
– Trời mưa đất thịt trơn như mỡ, dò đến hàng nem chả muốn ăn.
– Bà đồ Nứa, đi võng đòn tre, đến khóm trúc, thở dài hi hóp.
Đáp án
Câu 1. thịt, mỡ, dò (giò), nem, chả: thức ăn liên quan đến chất liệu thịt
Câu 2. Nứa, tre, trúc, hóp: chỉ cây cối thuộc họ tre
→ Đây là hiện tượng chơi chữ vì vừa dùng từ đồng âm vừa dùng các từ cùng trường nghĩa
Bài 4. Bài thơ dưới đây sử dụng lối chơi chữ nào?
Duyên duyên ý ý tình tình
Đây đây đó đó tình tình ta
Năm năm tháng tháng ngày ngày
Chờ chờ đợi đợi, rày rày mai mai
Đáp án
Dùng cách điệp âm
Tuy hai dòng đầu phụ âm Đ – được điệp trong 4 âm tiết (sử dụng 4 lần chữ có phụ âm Đ), phụ âm T được điệp trong 6 âm tiết; nhưng về cơ bản đây chỉ là sự gấp đôi một cách đều đạn các âm tiết cấu tạo nên bài ca dao: hai cặp lục bát chỉ sử dụng 14 âm tiết (trong đó chữ “tình” được điệp 4 lần).
Cách điệp trong trường hợp này cho thấy sự dằn dỗi, bức xúc của người nói.
Bài 5 . Sưu tầm một số cách chơi chữ
– Thay đổi trật tự các chữ (nói ngược)
Vợ cả, vợ hai, (hai vợ) cả hai đều là vợ cả
Thầy tu, thầy chùa, chùa thầy cứ việc thầy tu
– Câu đối của tri huyện Lê Kim Thắng và Xiển Bột:
Học trò là học trò con, tóc đỏ như son là con học trò.
Tri huyện là tri huyện Thằng, ăn nói lằng nhằng là thằng tri huyện
Ngọc Sơn – KỸ NĂNG CẦN BIẾT