Tuổi thơ luôn gắn liền với những chuỗi ngày cắp sách đến trường. Thời học sinh, sinh viên ấy là thời điểm đẹp nhất trong cuộc đời mỗi chúng ta. Thế nhưng, theo dòng chảy của thời gian, tuổi thơ dần không còn sự hồn nhiên, trong sáng; những ngày tháng yêu thương, đùa vui cùng chúng bạn đã trở nên nặng nề, nhạt nhẽo như xa lạ … Tất cả đều do … vấn nạn bạo lực học đường gây nên.
Sự thay đổi lớn ấy là vì sự xuất hiện của những hành động thiếu giáo dục của nhiều bạn học sinh, sinh viên đã gây ra nỗi ám ảnh sâu lắng. Vấn nạn bạo lực học đường giờ đây luôn là chủ đề nóng bỏng, cấp thiết không chỉ trong ngành giáo dục mà còn là thực trạng đáng báo động để toàn xã hội đặc biệt quan tâm.
Hiện trạng của vấn nạn bạo lực học đường.
Theo một số tư liệu của Bộ Giáo Dục Và Đào Tạo, chỉ trong một năm học mà xuất hiện khoảng 1600 vụ bạo lực học đường ở trong và ngoài nhà trường (trung bình khoảng 5 vụ/ngày). Bạo lực học đường đang đứng đầu trong danh sách liệt kê các điều cần giải quyết cấp tốc trong môi trường trường học.
Một số dẫn chứng cho việc này là vụ “Nam sinh lớp 11 bị đánh vỡ sọ não – 2019”, “Hai nữ sinh đánh nhau kinh hoàng trong lớp học tại một trường THPT ở TPHCM”, “Bức xúc cảnh nữ sinh tiểu học đánh bạn dã man tại lớp” mới đây…. Những hành động tàn bạo ấy đã trở thành nổi ám ảnh không thể xóa nhòa trong ký ức của hàng triệu người xem qua, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và tinh thần không chỉ riêng các bạn học sinh chúng ta mà cả các bậc phụ huynh và toàn xã hội cũng phải lo sợ.
Xót lòng trước những cảnh bạo lực của các bạn học sinh.
Tất cả học sinh chúng ta đang được sống trong một môi trường văn hóa, giáo dục lành mạnh. Có thể nói chúng ta là những con người hạnh phúc nhất trong thời đại mới này vì được tận hưởng những kinh nghiệm, lẽ sống, giá trị cuộc đời mà ông cha ta đã dày công gây dựng bao đời nay. Vậy mà, đâu đó trong nhà trường có biết bao lời phỉ báng, sỉ nhục nhau, đâu đó vẫn lâm le vật cứng, dao, vít,…. hung khí để tấn công nhau, làm tổn thương nhau.
Học sinh Tiểu học đánh nhau tại lớp học. Ảnh minh họa: Internet
Nhiều vụ bạo lực học đường giữa học sinh với học sinh, giữa thầy cô với học sinh đã được phê bình lên án và đã có những biện pháp cứng rắn để răn đe, ngăn chặn. Thế nhưng nổi đau cứ vẫn tuôn chảy trong lòng khi thi thoảng ngoài kia xảy ra cảnh phụ huynh hành hung thầy cô. Và nổi đau không thể tan vẫn là cảnh tượng học sinh bạo lực với thầy cô.
Các bạn ơi!
Có bao giờ tất cả nhìn lại và nhận thấy được rằng: Những lời nói nhục mạ, mắng chửi, sỉ nhục, lăng mạ, xâm phạm thân thể và chà đạp nhân phẩm người khác; Những hành động đánh đập, tra tấn như đá, đạp, lôi kéo, xé áo, xé quần trông thật đáng sợ kia chỉ là những khoái cảm nhất thời. Sự hơn thua nhau trong phút chốc ấy lại là nổi đau hằn sâu vào tâm trí không thể xóa nhòa. Vết thương lòng này không chỉ những người trong cuộc gánh chịu mà tất cả những ánh nhìn khi lướt nhẹ qua cũng vương mang nổi buồn dai dứt không thể nguôi ngoai.
Học sinh đánh thầy ngay trong lớp học. Ảnh minh họa: Internet
Các bạn ơi! Các bạn có nhận ra rằng mạng xã hội đang ngày một lấn áp tất cả các cuộc vui chơi chung của bạn bè mình, cướp đi sự hồn nhiên trong sáng của tuổi học trò. Và chính những trang mạng xã hội đã nghịch đảo bản tính hiền hậu, đáng yêu của chúng mình; thay vào đó là những thú vui vô nhân đạo đã được kích hoạt, thái độ vô cảm, lạnh lùng đến thương tâm đã được nắn thành hình: những đoạn video đăng lên internet, những lời chửi bới, đe dọa trên các trang mạng xã hội, những từ ngữ thô lỗ, tục tĩu đã khiến triệu lớp người xem qua nóng bừng cả mặt mũi.
Một khoảnh khắc nào đó hồi tưởng lại chắc có lẽ những hành vi bạo ngược, ngang tàng ấy không ai mong muốn nó diễn ra, nhất là những người trong cuộc kia. Và chắc hẵn vị chua xót sẽ dày xéo, lương tâm sẽ cắn rứt bởi tính thiện trong tâm hồn đã sẵn dành cho cả những người thắng cuộc.
Để những thảm cảnh đau lòng ấy không tái diễn, tất cả học sinh chúng ta cần phải làm gì đây?
Trước hết, chúng ta cần hiểu rõ nguyên nhân sâu xa dẫn đến bạo lực học đường. Đấy chính là tâm lý lứa tuổi. Tuổi vị thành niên có nhiều thay đổi về mặt tâm lý, giàu cảm xúc, dễ tức giận, suy nghĩ chưa chính chắn, còn theo cảm nhận chủ quan, nóng vội. Vì vậy khi có mâu thuẫn sẽ giải quyết bằng nắm đấm.
Tâm lí đã không vững chúng ta lại phải chịu tác động quá nhiều từ môi trường xã hội. Cuộc sống gia đình cũng ảnh hưởng đến tâm lý hành động của chúng ta. Cha mẹ trong nhà thường la hét giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực cũng để lại nổi buồn trong ký ức. Các bạn xem phim, chơi game bạo lực cũng bị tác động làm đảo lộn cảm xúc bản thân mà không hề hay biết. Để rồi chính mình làm “người hùng” sẵn sàng bạo ngược với người khác vì hiếu thắng, vì muốn chứng tỏ bản lĩnh theo trào lưu trên internet. Như một cạm bẫy vô hình níu kéo chúng ta chạm phải những hành vi trái với pháp luật, trái với đạo đức của con người. Hãy tội nghiệp cho chính mình các bạn nhé!
Những việc cần làm để ngăn chặn hành vi bạo lực trong chính mình.
Nhà hiền triết La Mã Marcus Tullius Cicero đã từng nói ” Có hai cách để giải quyết xung đột, nhờ bạo lực hoặc nhờ thương thuyết. Bạo lực là dành cho thú hoang, thương thuyết là dành cho con người”. Ở đây ta dễ đàng nhận ra được giữa động vật vô tri và con người tư duy có sự khác biệt rõ rệt. Với cương vị là một phần của bộ phận lãnh đạo và thống trị xã hội tại sao chúng ta lại hành động như những loài cấp thấp?
Quá sâu sắc và đầy ý nghĩa phải không các bạn? Lời nói của ông như một bàn tay mầu nhiệm đầy năng lực đã tóm gọn tất cả những u mê, dục vọng, những sự thô bạo, cuồng si trong tận đáy tâm hồn thả vào biển cả. Giờ đây chắc hẵn cương vị của bộ phận lãnh đạo và thống trị xã hội đã được đánh thức và trỗi dậy trong mỗi chúng ta. Học sinh chúng ta hãy mạnh mẽ khẳng định rằng: Chúng ta là những con người tư duy, khác biệt rõ rệt với động vật vô tri, chúng ta không thể có những hành động như những loài cấp thấp.
Hãy giương cao ngọn cờ “thương thuyết” với chủ nghĩa cá nhân của chính mình các bạn ạ! Đây có thể nói là biện pháp để khống chế thú tính trong con người của mỗi chúng ta. Đồng thời cũng là giải pháp tối ưu và hiệu quả nhất để ngăn chặn hiện trạng bạo lực học đường nhức nhối hiện nay.
Thương thuyết sẽ giúp chúng ta kìm chế được chính mình khi có bất kỳ tình huống mâu thuẩn xảy ra. Thương thuyết sẽ làm nảy nở “Một điều nhịn chín điều lành”. Giá trị ấy cũng sẽ giúp ta ngộ ra – giải quyết vấn đề bằng bạo lực chỉ làm cho sự việc trở nên tồi tệ hơn. Bất kỳ sự trở ngại, gúc mắc nào cũng đều có thể tháo gỡ nếu như chúng ta trầm tĩnh, thương thuyết một cách tích cực và chân thành.
Một khi mâu thuẩn đã vượt khỏi ranh giới của mọi sự cố gắng, ngoài tầm kiểm soát bản thân thì hãy cố gắng điều đình. Hãy bình tĩnh chia sẻ và tham khảo ý kiến của mọi người xung quanh như: cha mẹ, anh chị trong gia đình và thầy cô, người lớn đáng tin tưởng để được nhận những lời khuyên bổ ích.
Hãy nhớ rằng: Chúng ta đã và đang được thừa hưởng quyền trợ giúp rất lớn từ phía gia đình và nhà trường. Hãy cùng cha mẹ, người thân và nhà trường thương thuyết mở lối đi an toàn nhất để phát huy giá trị đạo đức cho mỗi chúng ta, cho cả gia đình mình và xã hội.
Hãy khơi sáng tâm hồn mình qua những lần thương thuyết các bạn nhé! Và cũng từ những lần thương thuyết ấy những hình ảnh đẹp sẽ luôn nghị trị trong trái tim ta. Rồi đây chúng ta sẽ mạnh dạn, tự tin, tham gia tốt nhất các hoạt động ngoại khóa, những talkshow về vấn đề bạo lực mà nhà trường tổ chức để học sinh chúng mình nhận thức rõ và sâu sắc hơn nguyên nhân và tác hại của hành vi bạo lực đem lại. Chúng ta sẽ cảm thương, chia sẻ và giúp đỡ nhau nhiều hơn.
Hãy thương thuyết để giữ lấy yêu thương! Chúc các bạn thành công!
Tô Tất Thắng – Học sinh lớp 11A6 Trường THPT tp Cao Lãnh, Đồng Tháp