Như chúng ta đã biết, trong chương trình Tiểu học, cùng với Toán, Tiếng Việt, môn Tự nhiên và Xã hội trang bị cho các em học sinh những kiến thức cơ bản của bậc học, góp phần bồi dưỡng phẩm chất, nhân cách toàn diện của con người. Một số giải pháp phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh khi học môn Tự nhiên và Xã hội lớp 2 hi vọng sẽ là tài liệu quý giúp thầy cô có những tiết dạy sáng tạo, chất lượng.
Tự nhiên và xã hội là một môn học cung cấp cho học sinh những hiểu biết cơ bản ban đầu về các sự vật, sự kiện, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội với mối quan hệ trong đời sống thực tế của con người.
Để thực hiện tốt mục tiêu đổi mới trong dạy học môn Tự nhiên và Xã hội, người giáo viên phải thực hiện đổi mới các phương pháp dạy học sao cho học sinh là người chủ động, nắm bắt kiến thức của môn học một cách tích cực sáng tạo góp phần hình thành phương pháp và nhu cầu tự học, tự phát hiện, tự giải quyết các tình huống có vấn đề đặt ra trong bài học.
Nhưng một thực tế cho ta thấy rằng, đa số giáo viên là người “Nói nhiều, làm nhiều” trong các giờ học môn Tự nhiên xã hội, học sinh chưa chủ động trong thực hiện các nhiệm vụ học tập. Giáo viên còn tự trình bày, biểu diễn thí nghiệm thực hành để minh họa cho kiến thức của bài học, mà ít tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động này để các em chiếm lĩnh kiến thức khoa học một cách chủ động, thỏa mãn nhu cầu tìm tòi hiểu biết, óc tò mò khoa học của học sinh.
Vì vậy, giờ học còn mang tính áp đặt, kiến thức mà các em chiếm lĩnh trong giờ học chưa cao, các em ít được tham gia vào quá trình dạy học, chưa phát huy được tính tích cực của học sinh, phần lớn nghe giáo viên giảng là chính, học sinh không hứng thú với môn học và các em lúng túng khi trình bày một vấn đề nào đó.
Là một giáo viên đang trực tiếp giảng dạy, tôi luôn trăn trở phải làm thế nào để giúp các em yêu thích môn học và tạo hứng thú cho các em khi học môn Tự nhiên và Xã hội? Từ đó giúp các em nắm bắt kiến thức một cách chủ động, tích cực. Những băn khoăn trên đã chính là lý do để tôi chọn đề tài: “Một số giải pháp phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh khi học môn Tự nhiên và Xã hội lớp 2”.
Cơ sở nghiên cứu
a. Cơ sở lí luận:
“Đổi mới phương pháp dạy học ở tiểu học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của học sinh. Nhằm tăng cường hoạt động cá thể phối hợp với hoc tập giao lưu để hình thành, rèn luyện và vận dụng kiến thức trong thực tiễn đời sống.
Việc đổi mới phương pháp giảng dạy gây hứng thú trong học tập để các em có thể học tập tốt được tất cả các môn học khác”. (Trích “Đổi mới phương pháp dạy học, chương trình và sác giáo khoa” – tác giả Trần Bá Hoành – NXB Đại học Sư phạm). Đây là một trong những cơ sở lí luận quan trọng, giúp người giáo viên không ngừng đổi mới phương pháp giáo dục nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.
Một số biện pháp giúp học sinh lớp Hai học tốt môn Tự nhiên và Xã hội là rèn luyện các em có được kĩ năng giao tiếp, kĩ năng vận dụng kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống.
Tiếp nối chương trình Tự nhiên và Xã hội lớp 1, môn Tự nhiên và Xã hôi lớp 2 cũng được xây dựng theo hướng tích hợp và có cấu trúc đồng tâm, cùng là một chủ đề dạy học nhưng ở lớp Một kiến thức trang bị sơ giản hơn ở lớp Hai. Và cứ như vậy mức độ kiến thức được nâng dần lên ở các lớp cuối cấp.
Các em học sinh là chủ thể nhận thức, vậy nên khi giảng dạy giáo viên tích cực đổi mới phương pháp dạy học cho phù hợp với đặc điểm nhận thức của lứa tuổi học sinh, để có những hoạt động tích cực đến quá trình lĩnh hội tri thức của các em.
Việc thay đổi các phương pháp dạy học phù hợp với nội dung chương trình và đáp ứng được yêu cầu đổi mới phương pháp học, nội dung học tập của môn học cần phải đi song song với quá trình tri giác, tư duy của học sinh.
b. Cơ sở thực tiễn:
Thực tế ở các trường Tiểu học, môn Tự nhiên xã hội là môn học thực nghiệm, nếu giáo viên dạy học bằng các thí nghiệm, tìm tòi, nghiên cứu tài liệu, quan sát …., học sinh rất hứng thú học tập. Như vậy, dạy học môn Tự nhiên xã hội lớp 2 theo các phương pháp dạy học sẽ phát huy được tính tích cực, chủ động của học sinh.
Tuy nhiên, việc dạy học Tự nhiên và Xã hội lớp 2 theo các phương pháp tích cực còn có những khó khăn nhất định làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng dạy học môn học này. Khó khăn lớn nhất của giáo viên trong dạy học đó là việc vận dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học. Đặc biệt là về mặt phương pháp, nhiều giáo viên còn lúng túng, chưa nhuần nhuyễn trong việc sử dụng các phương pháp dạy học.
Qua thực tế dạy học, tôi thấy học sinh đã biết làm việc tập thể, hợp tác, trao đổi, trình bày các ý kiến cá nhân, biết làm một số thí nghiệm thực hành đơn giản. Tuy nhiên, các em ít tò mò, ít đặt ra những câu hỏi thắc mắc và đa số chưa hình dung về biểu tượng của những sự vật, hiện tượng mà các em được tìm hiểu, sự lập luận còn kém, các kỹ năng, kỹ xảo và thực hành còn vụng về, lúng túng.
Việc dạy học Tự nhiên và Xã hội đôi khi diễn ra còn khô khan, cứng nhắc, mang tính chất đối phó cho đầy đủ chương trình. Học sinh, phụ huynh và thậm chí cả giáo viên vẫn cho rằng môn học này là phụ nên bị cắt giảm thời lượng và không quan tâm đến.
Qua những tiết dự giờ, tôi thấy giáo viên còn hạn chế trong việc vận dụng phương pháp cũng như kĩ thuật dạy học tích cực nên chủ yếu các em học sinh tiếp thu nhanh, tích cực tham gia học tập, còn số học sinh tiếp thu chậm ít có cơ hội tham gia hoạt động. Chính vì thế, việc học tập thường ít hứng thú, nội dung đơn điệu, giáo viên ít quan tâm đến phát triển năng lực cá nhân.
Một số em còn xem nhẹ phân môn Tự nhiên- xã hội, chưa có thái độ, phương pháp học tập đúng đắn. Vì thế, học sinh chưa có ý thức tự tìm hiểu các nội dung liên quan đến bài học.
Chính vì vậy, mục tiêu phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh là vấn đề cần thiết. Mỗi GV cần vận dụng có hiệu quả các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực, bắt nhịp với việc đổi mới chung của ngành Giáo dục và cũng chính là để học sinh chủ động trong học tập có phương pháp tự chiếm lĩnh, tự tìm kiếm kiến thức mới trở thành người năng động, sáng tạo.
Chi tiết bài viết Sáng kiến kinh nghiệm