MỘT SỐ QUY TẮC CƠ BẢN – CHÍNH TẢ TIẾNG VIỆT

Tiếng Việt tuy rất phong phú và rất dễ nhầm lẫn khi nói và viết nhưng nếu chúng ta chịu khó để ý, ghi nhớ đôi nét MỘT SỐ QUY TẮC CƠ BẢN thì CHÍNH TẢ TIẾNG VIỆT trở nên dễ dàng hơn trong việc học, viết cũng như nói.

KỸ NĂNG CẦN BIẾT mời mọi người cùng tham khảo một số quy tắc dưới đây!

1. Chính tả phân biệt l/n

– L xuất hiện trong các tiếng có âm đệm (VD: loan, luân, loa,…)

– N không xuất hiện trong các tiếng có âm đệm (trừ 2 âm tiết Hán Việt: noãn, hoa noa).

Trong cấu tạo từ láy.

+ L/n không láy âm với nhau.

+ L có thể láy vẫn với nhiều phụ âm khác

(VD: lệt bệt, la cà, lờ đờ, lò dò, lạnh lùng,…)

+ N chỉ láy âm với chính nó

( no nê, nợ nần, nao núng,…)

2. Chính tả phân biệt cho tr/ch

– Khả năng tạo từ láy của tr hạn chế hơn ch.

Tr tạo kiểu láy âm là chính (trắng trẻo), còn ch cấu tạo vừa láy âm, vừa láy vần (chông chênh, chơi vơi)

Tr chỉ xuất hiện trong một vài từ láy vần (tróc lóc, trụi lũi, trẹt lét)

– Những danh từ (hay đại từ) chỉ quan hệ thân thuộc trong gia đình chỉ viết với ch ( không viết tr): cha, chú, cháu, chị, chồng, chút chắt, …

– Những danh từ chỉ đồ vật thường dùng trong nhà chỉ viết với ch: chạn, chum, chén, chai, chiếu, chăn, chảo, chổi, ….

– Từ có ý nghĩa phủ định chỉ viết với ch: chẳng, chưa, chớ, chả,…

– Tên cây, hoa quả; tên các món ăn; cử động, thao tác của cơ thể, động tác lao động tay chân phần lớn viết ch.

– Tiếng trong từ Hán Việt mang thanh nặng và huyền viết tr.

3. Quy tắc viết hoa cơ bản

– Đầu câu, danh từ riêng.

Ví dụ: Bác Hồ, Tổ quốc,

– Viết hoa khi dẫn lời nói trực tiếp.

Ví dụ: Thanh gọi mẹ ríu rít: – Mẹ ơi!

– Sau dấu hai chấm mà kiểu câu liệt kê thì không viết hoa,

Ví dụ: Loài có nhiều loại: xoài tượng, xoài cát, xoài thanh ca,

– Viết hoa tên người, tên địa danh nước ngoài: phiên âm, dịch ra Tiếng Việt.

– Trường hợp phiên âm qua âm Hán Việt: Viết theo quy tắc viết tên người, tên địa lí Việt Nam.

Ví dụ: Mao Trạch Đông, Khổng Tử, Triều Tiên, Bồ Đào Nha,

– Trường hợp phiên âm không qua âm Hán Việt (phiên âm trực tiếp, viết sát theo cách đọc)

– Đối với mỗi bộ phận tạo thành tên riêng, viết hoa chữ cái đầu và có gạch nối giữa các âm tiết.

Ví dụ: Phơ-ri-đơ-rích Ăng-ghen, Y-ta-li-a, Vơ-la-đi-mia, Mát-xcơ-va, An-giê-ri,

4. Chính tả phân biệt x/s

– X xuất hiện trong các tiếng có âm đệm (xoay xở, xoành xoạch, xuềnh xoàng)

– S chỉ xuất hiện trong một số ít các âm tiết có âm đệm như: soát, soạt, soạn, soạng, suất.

– X và s không cùng xuất hiện trong một láy.

– Cách phân biệt x/s không có quy luật riêng.

Cách sửa chữa lỗi duy nhất là nắm nghĩa của từ, rèn luyện trí nhớ bằng cách đọc nhiều và viết nhiều.

5. Chính tả phân biệt gi/ r/ d

– Gi và d không cùng xuất hiện trong một từ láy.

– Những từ láy vần, nếu tiếng thứ nhất có phụ âm đầu là 1 thì tiếng thứ hai có phụ âm đầu là d hoặc r (lim dim, lai rai, lò dò, líu ríu,…)

– Từ láy mô phỏng tiếng động thường viết r (róc rách, rì rào, réo rắt,…)

– Gi và r không kết hợp với các tiếng có âm đệm.

– Các tiếng có âm đệm chỉ viết với d (duyệt binh, duy trì, dọa nạt, doanh nghiệp,…)

– Tiếng có âm đầu có thể tạo thành từ láy với tiếng có âm đầu b, c, k (gi và d không có khả năng này).

(VD: bứt rứt, cập rập,…)

– Trong từ Hán Việt, tiếng có thanh ngã, nặng viết d, mang thanh hỏi, sắc viết với gi.

Ghi nhớ những quy tắc cơ bản trên đây, mọi người sẽ tự tin hơn khi nói cũng như viết chính tả Tiếng Việt.

Ngọc Sơn (biên soạn)

KỸ NĂNG CẦN BIẾT – NỘI DUNG KHÔNG THỂ BỎ QUA