Không nơi nào có một mùa đặc trưng như Miền tây quê tôi: Mùa nước nổi! Không có những kỉ niệm nào sâu lắng không thể phai nhoà trong kí ức tuổi thơ tôi: Những kỉ niệm trong mùa nước nổi! Và chắc hẵn những hương vị độc đáo trong mùa nước nổi là đặc sản có một không hai làm lưu luyến tình người!
Mùa nước nổi, còn gọi là mùa lũ, là hiện tượng lũ lụt tự nhiên ở vùng Đồng Bằng sông Cửu Long. Mùa nước nổi bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch hàng năm. Nước lên cao nhất là vào nửa cuối tháng 8 và đầu tháng 9 dương lịch.
Cánh đồng ở miền Tây Nam Bộ vào mùa nước nổi
Quê tôi là một thành phố nhỏ trải dài theo 2 dòng sông hiền hòa lớn nhất miền Tây – sông Tiền và sông Hậu. Người dân quê tôi không xem mùa nước nổi là thiên tai, mà trái lại, đây là mùa mà thiên nhiên chỉ dành riêng ưu đãi cho vùng sông nước mênh mông này. Nước lên, đất đai không canh tác mà bắt đầu được làm sạch, khử phèn, bồi thêm lượng phù sa màu mỡ. Mọi người không trồng trọt mà chuyển sang khai thác thủy sản.
Tôi nhớ lúc mình còn nhỏ, tối nào cũng cầm đèn pin chạy theo ba đi đặt trúm, đặt lờ. Ba chỉ cần nhìn mặt nước là biết chỗ nào sẽ có cá. Chỉ cần vài con cua chết, ba bỏ vào ống trúm để bẫy lươn. Còn mấy cái lờ thì ba chẳng cần mồi màng gì. Chỉ một vài thao tác nhỏ, cái lờ đầy bọt nước bên trong. Thế là cứ yên tâm chờ cá vào.
Ống trúm tre dụng cụ bẫy lươn
Đặt lờ cá
Đặt xong trúm và lờ, tôi và ba bì bõm tranh thủ hái một mớ bông súng ma về cho má. Gọi là bông súng ma vì loại này có nhiều nhất vào mùa nước nổi. Bông súng ma có hoa màu trắng, nhỏ và chỉ nở vào ban đêm. Sáng khi trời bắt đầu có nắng là bông khép lại và lặn hết xuống nước. Bông súng ma cọng nhỏ, ăn giòn, nấu canh chua hay ăn cùng mắm kho thì hết cả nồi cơm cũng chưa biết no.
Mắm kho ăn cùng rau đồng, món ăn mang đậm hương vị miền Tây
Sáng sớm, trời còn mờ sáng. Nghe bước chân của ba là tôi lật đật nhảy xổm xuống giường, xách cái thùng thiếc chạy lẽo đẽo theo sau ba ra đồng thu hoạch cá. Má nói ba rất có tay sát cá. Thiệt chẳng ngoa chút nào! Mỗi ống trúm ba đổ ra, ít nhất cũng được 2 con lươn. Không ống nào mà không có lươn. Loại lươn đồng da vàng hực, thân no tròn nhìn thôi thì cả chục món ăn làm từ lươn hiện ra trong đầu tôi: lươn om lá cách nước cốt dừa, lươn xào xả ớt, lươn nấu canh chua… Đặc biệt, má tôi làm món chả lươn thì ngon “hết sảy con bà bảy”.
Lươn đồng da vàng, thịt dẻ, dai và rất ngọt
Còn mấy cái lờ của ba vừa kéo lên thì ôi thôi, y như một gánh xiếc cá. Mạnh con nào con nấy bay, nhảy, nước văng tung tóe. Cá đặt lờ thường là cá rô và cá sặc bướm. Cá rô, má hay kho tộ (cái nồi đất vừa bằng cái tô nên người miền Tây gọi là “tộ” hay kho cá trong nồi nhôm, nồi gang, chảo,… gọi là kho lạt rồi múc ra tộ để chấm rau,…). Còn cá sặc bướm, má mang biếu xóm giềng xung quanh.
Hôm nào nhiều quá thì má ướp, xỏ xâu phơi khô. Khô cá sặc mà mang đi chiên giòn rồi ăn với cơm trắng thì ngon không thể tả. Riêng tôi, tôi thích má trộn gỏi dưa leo cùng với khô cá sặc. Má pha một chén nước mắm cay, thơm mùi ớt hiểm, chấm với gỏi khô cá sặc thì ngon…. Ba tôi hay nói: “Má mầy nói hơi nhiều nhưng được cái nấu ăn món nào ba cũng khoái”. Những lúc đó, má lườm ba một cái. Ba cười hô hố. Mâm cơm như được chan thêm hương vị, càng đậm đà thêm ngon.
Gỏi cá sặc dưa leo
Mùa nước nổi về, ngoài việc cá nhiều thì rau đồng cũng được mùa dù chẳng ai chăm sóc. Ngoài bông súng ma, còn có hẹ nước, rau nhút, rau ngổ, rau dừa cơm,… Đặc biệt, mỗi khi bắt đầu mùa nước thì bông điên điển nhuộm vàng khắp các cánh đồng. Dân quê tôi hay gọi bông điên điển là “mai vàng mùa nước nổi”. Bông điên điển trộn gỏi với tép rong, chấm mắm kho hay nấu canh chua cá linh non đều ngon ngất ngây. Đảm bảo, ai ăn một lần sẽ không bao giờ quên hương vị đậm chất miền tây sông nước quê tôi.
Mai vang mùa nước nổi Gỏi bông điên điển tép rong
Qua bao thăng trầm, ba má tôi giờ đã mất. Tôi cũng rời xa vùng quê đầy kỉ niệm của vùng sông nước quê mình. Nhưng mỗi khi gió bấc thổi nhẹ về, giữa dòng đời tất bật, nhộn nhịp, tôi nhớ quê da diết, nhớ những ngày tháng xách cái thùng thiếc chạy theo ba, nhớ nồi canh chua bông súng ma nấu với cá đồng, nhớ dĩa gỏi bông điên điển vàng hực trộn với tép rong, nhớ cái lườm của má mỗi khi bị ba trêu ghẹo, nhớ…… cả một kí ức nghèo khó nhưng đủ đầy và hạnh phúc khi luôn có má, có ba bì bõm dẫn tôi lội qua dòng nước lũ……
Canh chua bông điên điển cá linh non
Điên điển vàng nổi nhớ
Nở đầy bên bến sông
Hoa nở, tàn nhanh lắm
Người ơi có biết không….
Nguyễn Thụy Tuyết Loan
Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, TP Vĩnh Long