Chính phủ chính thức ban hành Nghị định quy định lương cơ sở lên mức 1,8 triệu đồng/tháng từ 01/7/2023. Vậy bảng lương cơ sở áp dụng trong năm 2023 sẽ thế nào? Mời quý độc giả xem điểm mới về bảng lương cơ sở năm 2023 dưới đây.
1. Đối tượng được tăng mức lương cơ sở năm 2023?
Căn cứ theo quy định tại Nghị định số 24/2023/NĐ-CP quy định về mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (thay thế Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 09/5/2019 kể từ ngày 01/7/2023).
Theo đó, nhóm đối tượng được áp dụng tăng lương cơ sở từ ngày 01/7/2023 bao gồm những đối tượng sau:
– Cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện
– Cán bộ, công chức cấp xã
– Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019).
– Người làm các công việc theo chế độ hợp đồng lao động
– Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế tại các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động.
– Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.
– Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân.
– Người làm việc trong tổ chức cơ yếu.
– Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố”
Nghị định trên nêu rõ mức lương cơ sở dùng làm căn cứ tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với 09 nhóm đối tượng được áp dụng tăng lương cơ sở nói trên; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
2. Điểm mới về bảng lương cơ sở năm 2023
Căn cứ theo quy định tại Nghị định 24/2023/NĐ-CP thì thời gian thực hiện tăng lương cơ sở 2023 là từ ngày 01/7/2023.
Cụ thể, tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 24 năm 2023 ngày 14/5/2023 của Chính phủ quy định rõ: Từ ngày 01 tháng 7 năm 2023, mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng.
Như vậy, sẽ có 02 mức lương cơ sở được áp dụng trong năm 2023 gồm:
+ Từ ngày 01/01/2023 – 30/6/2023: Mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng;
+ Từ ngày 01/7/2023: Mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng.
Như vậy, mức lương cơ sở từ 01/7/2023 ở mức 1,8 triệu đồng/tháng. Trước thời điểm này là 1,49 triệu đồng/tháng.
Mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 1.800.000 đồng/tháng kể từ ngày 01/7/2023 theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm bình quân năm 2022, đồng thời không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương theo ngạch, bậc khi nâng bậc, nâng ngạch.
Có thể thấy năm 2023 mức lương cơ sở chạm mốc 1,8 triệu đồng/tháng – tăng 310.000 đồng/tháng (trước đó là 1,49 triệu đồng/tháng). Đây sẽ là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua tính từ năm 2004. Sau nhiều khó khăn thì mức lương cơ sở năm 2023 được tăng xứng đáng với sự mong đợi của người lao động. Với mức tăng này sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu chi trả sinh hoạt phí cho người lao động.
Bảng lương cơ sở 2023 khi tăng lương cơ sở từ 01/07/2023 như sau:
Thời điểm | Mức lương | Căn cứ pháp lý |
01/01/2023 – 30/6/2023 | 1,49 triệu đồng/tháng | Nghị quyết 70/2018/QH14, Nghị định số 38/2019/NĐ-CP |
01/7/2023 – 31/12/2023 | 1,8 triệu đồng/tháng | Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, Nghị định số 24/2023/NĐ-CP |
3. Ảnh hưởng của việc tăng lương cơ sở năm 2023
Lương cơ sở là căn cứ quan trọng để tính lương của cán bộ công chức, viên chức nhà nước bộ phận lực lượng vũ trang và các khoản trợ cấp xã hội. Lương cơ sở tăng kéo theo lợi ích của người lao động tăng.
Lương cơ sở 2023 tăng ảnh hưởng trực tiếp đến lương của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước:
Người lao động được nhận lương theo một trong hai chế độ là chế độ tiền lương là chế độ do Nhà nước quy định hoặc chế độ trả lương do doanh nghiệp quy định. Chế độ lương do Nhà nước quy định sẽ được tính dựa trên mức lương cơ sở. Do đó người lao động được trả lương theo hình thức này khi lương cơ sở thay đổi thì mức lương cũng thay đổi.
Cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang là những đối tượng thuộc chế độ lương do Nhà nước quy định. Mặt khác, theo quy định tại Điều 3, Nghị định 38/NĐ-CP thì mức lương cơ sở dùng làm căn cứ tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật.
Lương = Hệ số lương x Mức lương cơ sở
Trong đó:
– Hệ số lương: được áp dụng theo các bảng phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ và áp dụng với từng đối tượng cụ thể khác nhau.
– Mức lương cơ sở: được Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh phù hợp khả năng ngân sách nhà nước, chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Theo đó, khi thực hiện tăng mức lương cơ sở các yếu tố khác không đổi thì mức lương được hưởng của cán bộ, công chức, viên chức lực lượng vũ trang sẽ cao hơn.
Ví dụ, với công chức loại A1 có hệ số lương khởi điểm là 2.34.
Nếu tính theo mức lương cơ sở hiện hành 1,49 triệu đồng thì tiền lương nhận được là 3,486 triệu đồng/tháng.
Còn nếu tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng từ ngày 01/7/2023 thì tiền lương có thể lên tới 4,212 triệu đồng/tháng.
Như vậy, nếu tính theo mức lương cơ sở mới thì dự kiến thu nhập với công chức trong trường hợp này tăng tới 725.400 đồng/tháng.
Đối với người lao động được trả lương theo chế độ doanh nghiệp quy định, mức lương cơ sở tăng sẽ không đến mức lương được nhận. Tuy nhiên, lương cơ sở tăng sẽ có nhiều khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội tăng.
Nhiều khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội tăng do tăng mức lương cơ sở tăng:
Mức lương cơ sở là căn cứ để tính nhiều khoản trợ cấp xã hội. Căn cứ theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 các khoản trợ cấp sau sẽ tăng khi lương cơ sở tăng.
– Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau: trợ cấp một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
– Trợ cấp 1 lần khi sinh con hoặc nuôi con nuôi: được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con hoặc nhận con nuôi cho mỗi con
– Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản: trợ cấp một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
– Trợ cấp 1 lần và trợ cấp hàng tháng khi bị Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.
– Trợ cấp hàng tháng khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở.
– Trợ cấp phục vụ cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở.
– Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau điều trị thương tật, bệnh tật: Mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình; bằng 40% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại cơ sở tập trung
– Trợ cấp 1 lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng ba mươi sáu lần mức lương cơ sở tại tháng người lao động bị chết
– Trợ cấp mai táng: Trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người lao động chết
Có thể thấy rất nhiều các khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội tăng khi lương cơ sở tăng. Điều này góp phần đảm bảo lợi ích cho người lao động giúp họ có nguồn trợ cấp tốt hơn khi gặp khó khăn.
Dinh Phương (st)/ Theo Luật Minh Khuê